TÓM TẮT NỘI DUNG:
Đất ngập nước kiến tạo được xem như một trong những công nghệ có khả năng ứng dụng cao nhằm cải thiện chất lượng nước ô nhiễm từ đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và nước mưa chảy tràn. Nghiên cứu được thực hiện trên mô hình đất ngập nước kiến tạo chảy ngầm theo phương ngang với cây trồng được sử dụng là Bồn bồn (Typha orientalis C. Presl.) xử lý nước thải sinh hoạt và nước mưa. Hệ thống được chia làm 3 phân đoạn với mật độ cây được trồng là 15 cây/m2. Lưu lượng nước được bơm ổn định 600 L/ngày với thời gian lưu tồn nước ước tính khoảng 15 ngày. Kết quả cho thấy nồng độ tổng Nitơ (TN) có xu hướng giảm dần dọc theo hệ thống. Bồn bồn phát triển rất tốt trên hệ thống, đặc biệt tại phân đoạn đầu tiên (3 m). Ngoài ra, hiệu suất xử lý TN tương ứng ở từng giai đoạn thích nghi (70 ngày) và giai đoạn hoạt động (98 ngày) của hệ thống là 88,5% và 60,8%. Kết quả nghiên cứu chứng minh nồng độ đạm đóng vai trò quan trọng cho sinh trưởng của thực vật và cây Bồn bồn góp phần xử lý chất ô nhiễm trong nước thải thông qua hấp thu sinh học.