2016-03-25 10:38:29

Đề tài “Nghiên cứu biện pháp hạn chế sự phát triển của vẹm sông (Dreissena sp.) sống bám trên ốc gạo (Cipangopaludina lecithoides) trên địa bàn huyện Chợ Lách, Bến Tre”, do PGS.TS Vũ Ngọc Út - Khoa Thuỷ sản - Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm, thực hiện trong thời gian 20 tháng vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu.

Ốc gạo được xem là một đặc sản có giá trị kinh tế ở cồn Phú Đa (Chợ Lách). Trong những năm gần đây, sản lượng ốc gạo ngày càng suy giảm do nhiều nguyên nhân như: khai thác quá mức, môi trường nước bị ô nhiễm,… đáng kể nhất là sự đeo bám của vẹm vàng trên ốc gạo (là loài khác của vẹm sông). Vẹm vàng là loài xâm hại nguy hiểm, xuất hiện hầu hết ở các vùng nước ngọt, được nhóm nghiên cứu phát hiện chúng đeo bám trên ốc gạo làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển, từ đó làm cho sản lượng và chất lượng ốc gạo giảm sút nghiêm trọng. Bên cạnh đó còn làm giảm giá trị thương phẩm của ốc gạo, ảnh hưởng đến giá trị kinh tế, gây thất thu đáng kể cho người khai thác đồng thời ảnh hưởng đến môi trường nước.

Để bảo tồn loài đặc sản thiên nhiên này, bằng nhiều phương pháp khác nhau, chủ nhiệm đề tài cùng nhóm cộng sự đã tiến hành nghiên cứu chọn lấy mẫu ở 3 khu vực (mỗi khu vực chọn 3 điểm) gồm: khu vực có ốc gạo phân bố (phía bờ xã Vĩnh Bình - Chợ Lách); khu vực không có ốc gạo phân bố (trên sông Cổ Chiên); khu vực giáp nước (cuối cù lao Dài, cách cồn Phú Đa 35 km về hướng Đông). Kết quả, đề tài đạt mục tiêu, nội dung đề ra, đã nghiên cứu các đặc điểm sinh học, sinh thái của vẹm vàng nhằm tìm hiểu đặc tính phân bố, sinh sản và phát triển của vẹm, làm cơ sở đề xuất các biện pháp hạn chế sự sống bám của chúng trên ốc gạo, đảm bảo sự phát triển và giá trị thương phẩm của ốc gạo ở khu bảo tồn cồn Phú Đa. Qua quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện cũng đưa ra giải pháp nhằm hạn chế sự sống bám của vẹm trên ốc gạo: Do tỷ lệ và mật độ vẹm bám trên ốc gạo cao nhất tháng 1 và tháng 6, đồng thời mật độ vẹm bám rất cao trên giá thể là dây nhựa cứng với số lượng lên đến 884 cá thể/m2 vào tháng 4, nên dùng giá thể này cho vẹm bám làm giảm mật độ đeo bám của vẹm trên ốc gạo nhất là vào các tháng có mật độ ấu trùng vẹm hình chữ D xuất hiện nhiều vào các tháng 1, 6, 11. Tác giả cũng đề xuất, tiếp tục thực nghiệm khả năng kết hợp các biện pháp sinh học, cơ học giảm thiểu sự đeo bám của vẹm trên ốc gạo; thử nghiệm các loại giá thể có chất dẫn dụ và bố trí vào các thời điểm có mật độ ấu trùng vẹm cao; nghiên cứu các giải pháp duy trì điều kiện môi trường nền đáy phù hợp cho sự phát triển của ốc gạo.

Đề tài có giá trị khoa học cao, được hội đồng nghiệm thu và xếp loại khá. Hội đồng cũng đề nghị nhóm tác giả bổ sung phương pháp, quy trình bố trí giá thể thu vẹm bám cụ thể, rõ ràng hơn, đồng thời làm rõ mối tương quan giữa các yếu tố môi trường đến vẹm và ốc gạo.


Top