1. Bệnh trùng bánh xe
a. Triệu chứng: Khi cá bị mắc bệnh thường bơi lội lung tung, nổi từng đàn lên mặt nước, một số con tách đàn bơi quanh bờ, da cá chuyển màu xám. Trùng phá hủy các tơ mang khiến cá bị ngạt thở bơi lội lung tung không định hướng.
b. Trị bệnh: Tắm nước muối 2 - 3% trong thời gian 5 - 15 phút; Dùng sulphat đồng tắm với nồng độ 3 - 5 g/m3 trong thời gian 5 - 15 phút hoặc phun xuống ao với nồng độ 0,5 - 0,7 g/m3; Dùng formalin tắm với nồng độ 200 - 250 ml/m3 thời gian 30 - 60 phút hoặc phun xuống ao 20 - 25ml/m3.
Nếu dùng formalin phải chú ý theo dõi tình trạng của cá trong ao. Cần sục khí trong suốt thời gian xử lý.
2. Bệnh Trùng quả dưa
a. Triệu chứng: Cá bị bệnh thường nổi đầu, bơi lờ đờ, quẫy mạnh hoặc cọ mình vào cây cỏ thuỷ sinh. Da mang cá bị bệnh tiết nhiều dịch nhầy và có màu sắc nhợt nhạt. Có thể thấy rõ bằng mắt thường cho nên bệnh này thường được gọi là bệnh đốm trắng trên cá.
b. Trị bệnh: Dùng formalin nồng độ 200 - 250 ml/m3 tắm trong 15-30 phút có sục khí, phun với nồng độ 20 - 25 ml/m3 mỗi tuần 2 lần.
3. Bệnh sán lá đơn chủ
a. Triệu chứng: Cá bị bệnh có dấu hiệu bơi bất thường, mang có hiện tượng sưng, phù nề, cá nổi đầu và bơi lội chậm chạp, cơ thể gầy yếu chết từ rải rác đến hàng loạt ở cá hương cá giống.
b. Trị bệnh: Dùng thuốc tím tắm với nồng độ 20 g/m3 trong thời gian 15 - 30 phút; Dùng muối tắm với nồng độ 2 - 3 % trong thời gian 5 phút; Dùng formalin nồng độ 200 - 250 ml/m3 trong thời gian 30 - 60 phút có sục khí hoặc nồng độ 20 - 25ml/m3 trong trường hợp phun.
4. Bệnh trùng mỏ neo
a. Triệu chứng: Cá bơi không bình thường, khả năng bắt mồi giảm dần, gầy yếu, dị hình cong đuôi, trên thân có các vết đỏ nhỏ. Khi ký sinh phần đầu của trùng cắm sâu vào trong tổ chức cơ của ký chủ, phần thân lơ lửng trong nước. Cá bố mẹ bị nhiễm trùng mỏ neo với số lượng nhiều, tuyến sinh dục sẽ không phát triển được.
b. Trị bệnh: Thay nước mới kết hợp với bón nước vôi bột hòa tan liều lượng 2 kg/100 m3; Dùng lá xoan 0,4 - 0,5 kg/m3 nước ngâm xuống ao cá bị bệnh; Dùng thuốc tím nồng độ 10 - 12 g/m3 tắm từ 1 - 2 giờ.
5. Bệnh rận cá
a. Dấu hiệu: Chúng ký sinh bám trên da cá, hút máu cá đồng thời phá hủy da cá, làm viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm ký sinh trùng khác xâm nhập và gây bệnh cho cá nuôi.
b. Phòng trị bệnh: Khi cá nhiễm bệnh, dùng thuốc tím với nồng độ 10 g/m3 tắm hoặc ngâm trong 1 giờ.
6. Bệnh do nấm thủy mi
a. Dấu hiệu: Trên thân cá có những túm bông màu trắng đục như bông gòn.
b. Trị bệnh: Thay 1/3 - 2/3 lượng nước trong ao.
+ Tắm nước muối 2 - 3% trong thời gian 10 - 15 phút hoặc 1 - 2‰ không giới hạn thời gian.
+ Tắm bằng thuốc tím 10 g/m3 trong thời gian 15 phút.
7. Bệnh trắng da
a. Triệu chứng bệnh: Bệnh dễ xuất hiện khi cá bị xây xát hoặc bị sốc do đánh bắt, vận chuyển hoặc do nhiệt độ môi trường nước thay đổi đột ngột. Khi nhiễm bệnh, cá có biểu hiện bơi lội lờ đờ và bỏ ăn. Nếu bệnh nặng, trên cơ thể cá xuất hiện những vệt trắng và những vết thương, có nấm phát triển.
b. Phòng và trị bệnh: Cần duy trì chất lượng nước tốt và định kỳ bón vôi với liều lượng 2 - 4 kg/100m3 nước. Cần điều trị bệnh kịp thời khi cá mới chớm bệnh. Dùng formol với liều lượng 25 ml/m3 nước. Sau 24 giờ, thay 50% nước mới vào ao. Trộn thuốc kháng sinh Oxytetracycline 5 gam/100 kg cá hoặc Sulfadimezin 5 gam + Oxytetracycline 2 gam/100 kg cá. Cho cá ăn liên tục 5 - 7 ngày.
8. Bệnh đốm đỏ, xuất huyết
a. Dấu hiệu: Cá bị xuất huyết từng đốm nhỏ trên da, chung quanh miệng và nắp mang, phía mặt bụng của cá. Cá yếu, bỏ ăn, bơi lờ đò. có thể gây chết đến 70 - 80%.
b. Trị bệnh: Thay nước 2 ngày /lần, thay 1/3 - 2/3 lượng nước trong ao nuôi; Tắm thuốc tím 3 - 5g/m3; Dùng Oxytetracyline 55 mg/kg cá/ngày; nhóm Sulphamid 150 - 200 mg/kg cá/ngày; Vitamin C 20 - 30 mg/kg cá/ngày; trộn vào thức ăn cho ăn liên tục 7 - 10 ngày.
9. Cá lóc bị nỗ mắt toàn thân bi ghẻ
a. Dấu hiệu bệnh lý: Cá bệnh bị sẫm màu từng vùng ở bụng. Xuất hiện từng mảng đỏ trên cơ thể. Hoại tử đuôi, vây, xuất hiện các vết thương trên lưng, các khối u trên bề mặt cơ thể, vảy dễ rơi rụng. Mắt lồi, mờ đục và phù ra.
b. Phòng trị
+ Tránh làm xây xát cá, vệ sinh không đúng qui định, môi trường nuôi nhiễm bẩn, mật độ nuôi quá dày, hàm lượng ôxy thấp.
+ Dùng thuốc tím tắm cá 4 g/ m3 nước đối với cá nuôi ao và 10g/ m3 nước đối với cá nuôi bè. Xử lý lập lại sau 3 ngày, định kỳ tắm cá một tuần/lần tuỳ thuộc vào tình trạng sức khỏe cá.
+ Oxytetracyline 55 - 77 mg/kg cá nuôi, cho ăn 7 - 10 ngày; Enrofloxacin 20 mg/kg thể trọng cá nuôi, cho ăn 7 - 10 ngày; Streptomycin: 50 - 75 mg/kg thể trọng cá nuôi, cho ăn 5 - 7 ngày; Nhóm Sulfamid: 100 - 200 mg/kg, cho ăn 10 - 20 ngày./.