2016-02-27 16:17:50

1. Phương pháp thu hàu giống:

Trong nước có nhiều loài được xem là đối thủ cạnh tranh giá thể của hàu, do đó cần biết mùa vụ sinh sản của hàu để thả giá thể, thu được nhiều giống. Nếu chúng ta thả giá thể quá sớm thì ấu trùng các loài sinh vật khác sẽ bám vào, hàu sẽ không còn nơi bám nữa. Ngược lại, nếu chúng ta thả giá thể muộn thì ấu trùng hàu phải tìm các loại giá thể khác trong môi trường tự nhiên để bám và chúng ta sẽ không thu được hàu giống. 

Mùa giống chính ở đầm Thị Nại là từ tháng 2 đến tháng 5 (tháng Chạp - tháng 3 âm lịch). 

Có nhiều cách thu giống hàu. Cách thu giống sẽ quyết định cách nuôi thịt sau này. Nên tận dụng vật liệu có sẵn như vỏ hàu, ngói, đá, lốp xe cũ, tôn Fibrôcement.… để giảm chi phí đầu tư. Điều cần lưu ý là hàu thích bám vào giá thể có bề mặt nhám và vững chắc. Nếu không thu được hàu giống, ta có thể mua và vận chuyển về để nuôi. Thường vận chuyển hàu theo phương pháp hở, thời gian vận chuyển có thể kéo dài 12- 24 giờ hoặc lâu hơn.

2. Nuôi hàu thương phẩm:

- Nuôi cọc: Cọc là cây rừng ngập mặn, tre hoặc cọc cement; cắm riêng rẽ với khoảng cách 0,5 mét ở những nơi có giống tự nhiên và tiếp tục nuôi lớn ở đây . Nền đáy cứng để cọc có thể đứng vững. Nếu hàu bám nhiều thì cần san thưa nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng của hàu.

- Nuôi đáy: Các tảng đá được xếp thành từng cụm với lối đi ở giữa để thu hàu giống. Nên chọn nền đáy cứng để giá thể không bị lún. Phương pháp này đầu tư thấp, năng suất thấp, dễ bị địch hại tấn công hoặc bị vùi lấp và khó thu hoạch.

- Nuôi giàn: Giống nuôi bè nhưng khung được làm bằng các loại cây rừng ngập mặn, đóng cố định xuống nền đáy. Giá thể có hàu giống bám được treo vào khung và nuôi cho đến khi thu hoạch.

- Nuôi khay: Ưu điểm là tạo được hàu có hình dáng đẹp bán cho các nhà hàng để ăn sống. Hàu giống được tách ra khỏi giá thể và nuôi trong khay ở dạng rời từng con một (hàu đơn). Khay được đóng bằng gỗ, đáy lót lưới hoặc làm sàn bằng tre, gỗ. Có thể dùng loại rổ nhựa thưa lỗ, trên phủ bằng lớp lưới để làm khay. Các khay nuôi có thể được bố trí theo dạng 1 hoặc nhiều tầng.

- Nuôi dây: Ưu điểm là nuôi được ở nơi có sóng gió lớn nhằm tận dụng mặt nước và ít bị địch hại tấn công. Các dây nylon với giá thể có hàu bám được treo vào dây nylon lớn gắn với các phao nổi. 2 đầu của sợi dây nylon lớn này được cố định bằng neo hoặc cột vào các cột cố định.

- Nuôi bè: Giống cách nuôi dây, chi phí cao nhưng năng suất rất cao. Các dây nylon có hàu giống được treo vào bè. Bè được làm bằng gỗ, có phao nổi xung quanh và cũng được cố định bằng neo. Bè có thể được kéo đi nơi khác trong trường hợp khu vực nuôi bị bão hoặc môi trường không còn phù hợp.

Trong thực tế có thể kết hợp cách nuôi cho phù hợp; Ở Bình Định phổ biến là nuôi bằng cách rải giống hàu đơn lên nền đáy là cát hoặc cát bùn hoặc kết hợp nuôi giàn, khay. 

3. Chăm sóc quản lý:

Chủ yếu là làm vệ sinh định kỳ (khoảng 10 ngày/ lần), sửa chữa thiết bị nuôi, san thưa, diệt địch hại như cua, sao biển, ốc… và theo dõi các yếu tố môi trường, thời tiết và bảo vệ.

4. Thu hoạch: 

Khi đạt cỡ thương phẩm, khoảng 10 con/kg, tiến hành thu hoạch hàu vào trước mùa sinh sản, lúc này hàu có tỷ lệ thịt cao và ngon và do tuyến sinh dục phát triển nhất.

Để đảm bảo nguồn hàu giống cho vụ nuôi sau, nên chừa lại 10-15% sản lượng hàu để tham gia sinh sản. Ngoài ra, các địa phương nên có biện pháp bảo vệ những bãi hàu bố mẹ tự nhiên một cách hữu hiệu nhằm cung cấp đủ lượng giống cho người nuôi.

Những năm qua, kết quả nuôi hàu thuộc chương trình hướng dẫn người nghèo cách làm ăn do Sở Thủy sản thực hiện tại Cồn Chim sau 5 tháng nuôi mang lại rất khả quan: với mô hình Nuôi bãi (đáy) trung bình trên diện tích 1 ha, với số vốn ban đầu khoảng 40 triệu, sau 5 tháng nuôi mang lại số lãi gần 20 triệu; tỉ suất lợi nhuận = 28 -38,5%. Hình thức nuôi giàn, khay ( treo): với diện tích khoảng 300 m2 ; tiền vốn ban đầu là 60 triệu đem lại lãi hơn 12 triệu. 

Tóm lại, nuôi hàu là một nghề có vốn đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi đơn giản, ít tốn công chăm sóc, ít rủi ro, lợi nhuận thu được trên lượng vốn bỏ ra tương đối cao, nên rất phù hợp với người dân sống ở vùng nông thôn. Kết quả cho thấy nuôi hàu trong các ao tôm, góp phần làm sạch môi trường ao nuôi; đồng thời thu họach hàu thương phẩm. Tôm nuôi trong ao có trồng cây ngập mặn, nuôi hàu có tốc độ sinh trưởng nhanh, kích cỡ thu hoạch lớn. Đây là mô hình nuôi vừa tạo sản phẩm, vừa đa dạng đối tượng nuôi cho các vùng nhằm phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn, cải thiện môi trường chất lượng nguồn nước đầm, hạn chế dịch bệnh trong các ao nuôi tôm, cá; góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết lao động nhàn rỗi,qua đó hạn chế xung điện xiếc máy, ổn định an ninh xã hội.


 

Top