Kháng sinh thường không bị phân huỷ và tồn lưu trong môi trường nuôi trồng thuỷ sản trong thời gian dài, khiến các loại vi khuẩn dần thích nghi với môi trường có kháng sinh.
Theo báo cáo mới đây của Tiến sĩ Felipe Cabello và các cộng sự tại trường Cao đẳng Y tế New York, việc lạm dụng kháng sinh trong hoạt động nuôi trồng thuỷ sản có thể gây hại cho sức khoẻ thuỷ sản, động vật và cả con người.
Việc lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ gây nhờn thuốc và có thể dẫn đến sự phát triển của các vi khuẩn có khả năng kháng thuốc trong cơ thể động vật và người, cũng như trong thuỷ sản. Do đó, cần thận trọng hơn khi sử dụng các loại kháng sinh phòng bệnh.
Theo báo cáo của Tiến sĩ Cabello, việc sử dụng kháng sinh liều cao để phòng bệnh khá phổ biến trong ngành thuỷ sản, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Các loại kháng sinh này thường không bị phân huỷ và tồn lưu trong môi trường nuôi trồng thuỷ sản trong thời gian dài, khiến các loại vi khuẩn thích nghi với môi trường có kháng sinh. Kết quả là các loại vi khuẩn gây bệnh trong thuỷ sản lại có khả năng kháng thuốc kháng sinh.
Đặc tính kháng thuốc này ở vi khuẩn có thể chuyển sang các mầm bệnh ở người và động vật.
Nếu kháng sinh được trộn lẫn vào thức ăn nuôi thuỷ sản, có thể tìm thấy dư lượng kháng sinh trong thịt thuỷ sản và các sản phẩm chế biến. Những người ăn thuỷ sản chứa dư lượng kháng sinh sẽ vô tình hấp thụ kháng sinh vào cơ thể, dẫn đến những thay đổi trong môi trường vi khuẩn bình thường, khiến họ trở nên dễ bị nhiễm khuẩn hơn.
Tiến sĩ Cabello khẳng định rằng nếu không chấm dứt tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh phòng bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản, sẽ ngày càng có nhiều mầm bệnh có khả năng kháng thuốc, khiến bệnh dịch gia tăng ở cả thuỷ sản, động vật và người.