2016-08-19 18:42:28

TÓM TẮT NỘI DUNG:

Hiểu rõ nhu cầu dinh dưỡng đối với sự tăng trưởng, khả năng sử dụng thức ăn, nguyên liệu của động vật thủy sản đóng vai trò rất quan trọng trong việc tối ưu hóa năng suất trong các hoạt động nuôi trồng thủy sản. Hiện nay nhu cầu dinh dưỡng của cá chẽm đã được nghiên cứu khá đầy đủ. Theo Glencross (2006), cá chẽm (Lates calcarifer) đòi hỏi hàm lượng dinh dưỡng cao trong khẩu phần thức ăn với protein: 450 – 500 g/kg; lipid: 140 – 160 g/kg; tỷ lệ axit béo n-3/ n-6: 1.5/1.8:1; carbohydrat: <300 g/kg. Tuy nhiên, tương tự như các đối tượng động vật thủy khác, sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng giữa các dòng cá chẽm trong cùng điều kiện nuôi đã được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu (Rogers và Bloomfield, 1993). Rất nhiều giả thuyết được đưa ra nhằm giải thích cho sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng giữa các dòng trong cùng một loài động vật thủy sản như khác biệt về hệ enzyme tiêu hóa đã ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa, sử dụng thức ăn (Hakim và ctv, 2007) hoặc do sự khác biệt về mặt di truyên học (Pierce và ctv, 2008). Tính đến thời điểm hiện tại, những thông tin liên quan đến so sánh khả năng tiêu hóa khẩu phần thức ăn, nguyên liệu giữa các dòng cá chẽm vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Trên cơ sở này, nghiên cứu khả năng tiêu hóa chiết xuất bột đậu nành trong khẩu phần thức ăn của các dòng cá chẽm khác nhau về di truyền học được thực hiện với mục đích tìm hiểu cơ chế giải thích cho sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng giữa các dòng cá chẽm trong cùng điều kiện nuôi.

Top