2016-06-04 14:46:42

Tôm tít/tích (Harpioquilla harpax) là một loài thủy sản đặc trưng và cũng là món ăn đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Thịt tôm tít ngon, đậm đà hương vị biển.

Đặc điểm sinh học

Tôm tít (tôm tích) dài đến 25 cm, thân màu hồng nhạt, đuôi có ánh vàng và những đốm đỏ. Tôm tít phân bố dọc ven biển Việt Nam, khu vực Cà Mau. Hình dạng phần bụng giống tôm, nhưng lại có đôi càng giống bọ ngựa. Thân của tôm chỉ được bao bọc bởi một lớp vỏ ngoài (giáp) từ phía sau đầu cho đến 4 đốt đầu tiên của thân. Tôm tít có 8 đôi chân, trong đó 5 đôi đầu có càng, sau đó là những đôi dạng chân “biến đổi”, gọi là pleopods, mang ở bụng; những chân này dùng để bơi. Mắt tôm tít có cấu trúc đặc biệt, được xem là phức tạp nhất trong giới động vật. Đôi râu như chiếc ăng-ten nhận biết môi trường xung quanh được gắn ở những đoạn di động riêng biệt tại đầu tôm.

Đa số các loài tôm tít sinh sống tại những vũng, hố cạn dọc các bờ biển thuộc vùng nhiệt đới và ôn đới (vùng Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương bao gồm khu vực giữa châu Phi qua đến Hawaii) tại những vùng triều giữa.

Tôm sống vùi, ẩn nấp trong hang hay kẽ đá. Tôm tít thuộc loại “tôm dữ”, ăn thịt sống, săn cá nhỏ, nhuyễn thể và giáp xác nhỏ hơn. Chúng dùng đôi chân thứ nhì, to (thường gọi là càng) để bắt mồi. Tùy theo loài, tôm cái có thể đẻ trứng trong hang hay mang trứng trên đuôi. Cả tôm đực lẫn tôm cái chia nhau chăm sóc trứng.

Anh Thái Trọng Tín (28 tuổi), ấp Trại Lưới A, xã Đất Mới, huyện Năm Căn, là người tiên phong nuôi thử nghiệm tôm tích đem lại hiệu quả cao.

Trước đó, qua tìm hiểu thực tế, anh Tín thấy loại tôm tích rất dễ nuôi, tỷ lệ hao hụt ít, lớn nhanh, ít tốn chi phí thức ăn và giá thành cao, anh đã tìm mua con giống về thả nuôi thử.

Anh Tín cho biết, trước đây tình cờ thấy người ta nuôi tôm tích, diện tích rất nhỏ, thả ven sông, bãi hoặc bao ví bằng lưới mành nhưng vẫn có kết quả khả quan. Qua tìm hiểu, biết loại tôm này nuôi khoảng 2-3 tháng thì cho thu hoạch, giá bán ra rất cao và tỷ lệ hao hụt cũng rất ít. Thế là anh quyết định nuôi thử nghiệm trên vuông nhà.

Thời gian nuôi trên 2 tháng, tôm anh Tín có trọng lượng từ 200-250 g, đang cho thu hoạch.

Với diện tích đất khoảng 7.000 m2, anh bao ví lại, mua giống từ nhiều nơi được 140 kg về thả nuôi (giá 10.000 đồng/con, trọng lượng khoảng 50-80g). Hằng ngày anh cho nước ra vô tự nhiên, không cần cho thức ăn do nguồn thức ăn đã có sẵn dưới vuông. Sau gần 4 tháng, tôm của anh có trọng lượng từ 250-350 g, lúc này giá bán ra 480.000 đồng/kg. Bình quân 1 con được trên 100.000 đồng, đợt thu hoạch này anh thu được 12 triệu đồng, trừ chi phí anh lãi trên 10 triệu đồng.

Tiềm năng phát triển


Lợi thế lớn nhất của việc nuôi tôm tít là không đòi hỏi diện tích lớn, ít tốn phí thức ăn và công chăm sóc, chỉ thả con giống và cho nước ra thường xuyên theo điều kiện tự nhiên, tôm sẽ phát triển tốt. Tôm tít dễ nuôi, tỷ lệ hao hụt ít, lớn nhanh. Đặc biệt cho đến nay chưa phát hiện bệnh trên tôm. Tôm tít phát triển tốt trong điều kiện nuôi nhốt, có thể nuôi với diện tích nhỏ, thậm chí nuôi trong mành lưới nhưng hiệu quả vẫn cao. Thời gian nuôi ngắn với cỡ giống 50 – 80 g/con sau 4 tháng đạt cỡ 250 – 350 g/con. Hiện nay, giá bán trên thị trường 480.000 – 600.000 đồng/kg.

Điều kiện môi trường nuôi tôm tít tương tự các loài tôm nước lợ khác, thường nuôi tại các vùng ven biển ở các bãi ngang, bãi cát, nuôi trong bể. Tuy nhiên, do tập tính sống ngoài tự nhiên, tôm tít thường đào hang trú ẩn; vậy khi thiết kế bể cần tạo chỗ trú ẩn cho tôm. Có nhiều cách tạo chỗ trú ẩn cho tôm tít, như thả các tảng san hô chết vào bể nuôi hoặc cách dễ nhất là sử dụng các đoạn ống PVC kích thước 20 – 30 cm, đường kính ống 6 cm.

Tôm tít có tập tính ăn nghiêng về động vật nên thức ăn có thể tận dụng một số loài nhuyễn thể nhỏ, các động vật đáy, động vật không xương sống, cá tạp băm nhỏ. Ngoài ra có thể dùng thức ăn tôm công nghiệp để nuôi tôm tít. Tôm tít ít bị dịch bệnh, biện pháp phòng bệnh đơn giản, hiệu quả thường dùng NaCl tắm cho tôm tít với nồng độ 5‰, không tốn nhiều chi phí phòng và trị bệnh. Tôm tít thường sống tại khắp các vùng ven biển nước ta nên nguồn giống đánh bắt ngoài tự nhiên nhiều và giá thành không cao (cỡ giống 50 – 80 g/con; giá 8.000 – 10.000 đồng/con).

Năm 2013, Trung tâm Quốc gia Giống hải sản (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) đã xây dựng và hoàn thiện quy trình sản xuất nhân tạo giống tôm tít thành công. Một năm Trung tâm sản xuất 5 – 6 lứa, mỗi lứa cung cấp ra thị trường hàng chục vạn con giống chất lượng.

Hai năm vừa qua, mô hình nuôi tôm tít trong giai lưới phát triển và được khuyến khích nhân rộng tại các huyện Năm Căn, Cà Mau; lợi nhuận 180 – 250 triệu đồng/ha/năm.
Thành công từ đợt thử nghiệm đầu tiên, cuối tháng 6 âm lịch vừa qua, anh Tín tiếp tục mua thêm 250 con giống về thả. Hiện nay tôm phát triển rất nhanh, chưa đầy 3 tháng đã có trọng lượng từ 200-250 g, anh đang chuẩn bị thu hoạch. Với giá thành hiện tại 680.000 đồng/kg, anh tính toán vụ này trừ chi phí còn lãi ít nhất trên 30 triệu đồng.

Anh Tín chia sẻ: “Lợi thế lớn nhất của việc nuôi tôm tích là không đòi hỏi nhiều về diện tích đất, ít tốn chi phí thức ăn và công chăm sóc, chỉ thả con giống và cho nước ra thường xuyên theo điều kiện tự nhiên, tôm sẽ phát triển rất tốt. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn con giống hiếm, phải mua gom ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, vì vậy muốn mở rộng diện tích nuôi cũng gặp nhiều khó khăn”.

Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn Trương Quốc Duẫn cho rằng: “Ðây là đối tượng nuôi mới, được anh Tín thực hiện đạt hiệu quả cao và khuyến khích bà con thực hiện, nhất là đối với những hộ có diện tích đất nhỏ, lao động nhàn rỗi. Tuy nhiên, hiện nay nguồn giống chỉ có sinh sản ngoài tự nhiên thì không đáp ứng đủ nhu cầu. Phòng sẽ liên hệ với các viện, các trung tâm nghiên cứu giống hỗ trợ nghiên cứu sản xuất con giống này để phục vụ nhu cầu nuôi cho bà con”.

Tôm tích là loại thuỷ sản đặc trưng và cũng là món ăn đặc sản được nhiều người ưa chuộng, giá thành lại cao. Vì vậy, trong thời gian tới, nếu địa phương chủ động được nguồn giống hứa hẹn việc nuôi tôm tích sẽ phát huy hiệu quả, đưa kinh tế nông hộ phát triển.


Top