Thứ 3, 16/11/2021 15:49:19 GMT+7

Nuôi tôm theo mô hình tổ hội

Đánh giá bài viết

Hội Nông dân TP. Tam Kỳ đã thành lập các tổ hội nghề nghiệp giúp các hộ nuôi tôm phát triển bền vững.


Mô hình nuôi tôm của ông Phạm Văn Đợi (thành viên Tổ hội nghề nghiệp nuôi tôm nước lợ Tam Thăng) cho hiệu quả kinh tế khả quan. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Trên địa bàn xã Tam Thăng (TP. Tam Kỳ) có hơn 100 hộ nuôi tôm nước lợ với hàng trăm héc ta mặt nước. Phong trào nuôi tôm phát triển ồ ạt làm cho nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người nuôi tôm.

Ông Phạm Văn Đợi (xã Tam Thăng) có hồ nuôi tôm rộng hơn 1,7ha. Trong những năm qua, hầu như mùa thu hoạch nào cũng thất bát, do tôm thường xuyên bị dịch bệnh, chi phí thức ăn cho tôm tăng cao, giá cả sản phẩm không ổn định. Biết vậy nhưng “bỏ thì thương, vương thì nặng” nên ông Đợi đành tiếp tục “đánh bạc với trời”!

Đầu năm 2020, Hội Nông dân TP. Tam Kỳ đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi tôm nước lợ gồm 18 hộ. Trong đó hộ có diện tích lớn nhất 2 ha, ít nhất cũng được 1,5 ha; hộ ông Đợi cũng tham gia mô hình này.

Qua 3 tháng nuôi vụ đầu năm 2020 có 10 hộ lãi ròng hơn 250 triệu đồng/hộ, ít nhất cũng được hơn 100 triệu đồng/hộ. Vụ thứ 2 trong năm năng suất khá cao, đầu ra sản phẩm ổn định giúp nhiều hộ thu nhập cao gần gấp đôi so với vụ trước. Năm nay mô hình nuôi tôm theo tổ hội tiếp tục triển khai, nhiều ao tôm phát triển tốt, dự báo sẽ gặt hái kết quả khả quan.

Ông Lê Văn Thẩn - thành viên Tổ hội nghề nghiệp nuôi tôm nước lợ thôn Kim Đới (xã Tam Thăng) cho biết, có nguồn thu nhập cao là nhờ các hộ đã cùng cộng đồng trách nhiệm trong việc thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về kỹ thuật nuôi trồng, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời tạo điều kiện giúp nhau ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng, chia sẻ thông tin giá cả thị trường…

Đặc biệt, xây dựng được các mô hình liên kết, từng bước hình thành cho mỗi hội viên về tư duy nuôi tôm theo chuỗi giá trị, góp phần chuyển đổi con tôm nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.

Nước sông bị ô nhiễm nên hầu hết các hộ phải khoan giếng lấy nguồn nước ngầm để nuôi tôm. Việc khoan giếng có chi phí lớn, vả lại về lâu về dài sẽ có nhiều hệ lụy về môi trường.

Trước tình hình đó, tại kỳ họp thứ 2, HĐND TP. Tam Kỳ khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thống nhất không phát triển thêm diện tích nuôi tôm, cần chấn chỉnh để từng bước nâng cao chất lượng ao nuôi. Đây là một trong những quyết sách đúng đắn hợp với định hướng nuôi tôm nước lợ theo tiêu chí tổ hội nghề nghiệp mà các cấp Hội Nông dân thành phố đã và đang hướng đến.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC
Theo Báo Quảng Nam
Email
Họ tên
Nội dung

Top