Sử dụng sàng ăn hiệu quả
Đánh giá bài viết(Contom.vn) - Sàng ăn có vai trò quan trọng trong việc quản lý tôm nuôi. Bởi sàng ăn phản ánh khả năng sử dụng thức ăn, sức khỏe, tỷ lệ sống của tôm và điều kiện nền đáy ao nuôi.
Lợi ích
- Sử dụng sàng ăn giúp giảm hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR). Góp phần làm giảm chi phí thức ăn, giúp cải thiện tăng trưởng của tôm nuôi;
- Nâng cao chất lượng nước, giúp nâng cao mật độ nuôi, tăng năng suất và giảm ô nhiễm môi trường;
- Giúp cho người nuôi tôm đánh giá các động vật ăn thịt và các loài cạnh tranh thức ăn với tôm nuôi trong ao, đánh giá các kích cỡ khác nhau của tôm nuôi trong ao;
- Thông qua quan sát tôm trong sàng ăn, có thể đánh giá và đưa ra quyết định sớm trong việc quản lý cho ăn, theo dõi tình hình sức khỏe của tôm (tôm bệnh hay có các biểu hiện bất thường) và thời điểm thu hoạch phù hợp;
- Giúp phát hiện tôm chết thông qua sàng ăn;
- Quản lý thức ăn tốt thông qua sàng ăn sẽ giữ cho đáy ao luôn được sạch sẽ.
Vị trí đặt
Sàng ăn thường là tấm lưới mịn với một khung sắt vuông hoặc tròn có gờ cao không quá 5 cm. Sàng ăn thường có diện tích từ 0,4 - 0,5 m2 đối với sàng hình tròn (đường kính 70 - 80 cm) và 0,64 m2 đối với sàng hình vuông (cạnh 80x80 cm). Sàng thường được đặt ở dưới đáy ao, nơi bằng phẳng, sạch sẽ, cách bờ ao khoảng 1,5 - 2 m, sau cánh quạt nước 12 - 15 m, không đặt ở góc ao, khoảng 1.600 - 2.000 m2 đặt 1 sàng. Không được để sàng quá gần quạt nước. Không nên đặt sàng ở vị trí có đáy ao bị nghiêng hay dốc; nơi đáy ao dễ bị nhiễm bẩn.
Người nuôi nên đặt sàng ăn chứa thức tại vùng rìa của khu vực chất thải nhằm kiểm tra tôm yếu và cũng giúp cho tôm yếu phục hồi sức khỏe. Tôm yếu thường tránh những con khỏe mạnh bằng cách trú tại khu vực không có sự cạnh tranh, đó là khu vực chất thải.
Sử dụng
Từ ngày thứ 25 trở đi bắt đầu sử dụng sàng để kiểm tra, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Tỷ lệ cho thức ăn vào sàng và thời gian kiểm tra có thể tính như sau: Tôm 25 - 38 ngày tuổi, thức ăn cho vào sàng 15 g/kg, thời gian canh sàng là 2 giờ. Từ ngày 39 - 45, thức ăn cho vào sàng khoảng 20 g/kg, thời gian canh sàng là 1 giờ 30 phút - 2 giờ. Tôm 46 - 55 ngày tuổi, thức ăn cho vào sàng 25 g/kg, thời gian canh sàng là 1 giờ 30 phút. Từ ngày 56 - 65, thức ăn cho vào sàng 30 g/kg, thời gian canh sàng là 1 giờ đến 1 giờ 30 phút. Từ ngày 66 - 72, thức ăn cho vào sàng 35 g/kg, thời gian canh sàng là 1 giờ. Tôm 73 - 79 ngày tuổi, thức ăn cho vào sàng là 40 g/kg, thời gian canh sàng 1 giờ. Từ ngày 80 đến khi thu hoạch, thức ăn cho vào sàng 45 g/kg, thời gian canh sàng là 1 giờ.
Sau khoảng thời gian canh sàng nêu trên, kéo sàng để xem lượng thức ăn thừa và quan sát đường ruột của tôm. Nếu đường ruột tôm đầy và có màu của loại thức ăn sử dụng là tốt. Tôm rỗng ruột hoặc thức ăn trong ruột có màu sắc lạ là những dấu hiệu bất ổn, cần phải kiểm tra. Nếu thức ăn trong sàng được tôm ăn hết và môi trường ao nuôi tốt, có thể tăng lượng thức ăn của ngày tiếp theo thêm 5%. Ngược lại, nếu thức ăn trong sàng còn thừa 5 - 10% thì cắt giảm ngay khoảng 5% lượng thức ăn ở lần tiếp theo, nếu thức ăn trong sàng còn thừa 10 - 20% thì giảm 10% lượng thức ăn cho lần kế tiếp. Nếu lượng thức ăn trong sàng còn > 25% thì ngưng 2 lần cho ăn và bắt đầu lại với lượng thức ăn ít hơn 10%.
Thức ăn cần được làm ẩm trước khi cho vào sàng và hạ từ từ xuống ao, tránh để thức ăn nổi lên trôi ra khỏi sàng ăn.
Khi thức ăn không còn trong sàng, điều đó không hoàn toàn có nghĩa là tôm ăn tốt. Đó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy “điều bất thường” và cần phải được tìm hiểu cặn kẽ. Không phải lúc nào cũng cho tôm ăn theo nhu cầu đúng từng giai đoạn phát triển, mà còn tùy thuộc vào tình hình biến động khác (sức khỏe tôm, thời tiết, môi trường nước…).
Nguyễn Hằng
Các tin mới nhất
- Chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn(01/09/2024)
- Quy trình thiết lập trang trại nuôi tôm nhà kính(28/08/2024)
- Probiotic nấm men kiểm soát hội chứng phân trắng(27/08/2024)
Các tin cũ cùng mục
- Nuôi tôm “ao trong ao”(22/09/2022)
- 5 cách quản lý chất lượng nước(08/09/2022)
- 4 giải pháp sinh học xử lý nước thải(04/08/2022)
- Sử dụng mật rỉ đường đúng cách(14/07/2022)
- Phòng bệnh cho tôm hùm lồng(04/07/2022)
- Hiệu quả quản lý chất thải hữu cơ(26/05/2022)
- Quy trình lấy nước vào ao nuôi tôm sú(30/03/2022)
- Quản lý môi trường ao nuôi(30/03/2022)
Bình luận bài viết