Thứ 4, 19/10/2022 15:09:43 GMT+7

Tìm giải pháp trợ giá tôm sinh thái

Đánh giá bài viết

Những năm qua, thu nhập của các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện Ngọc Hiển ngày càng được nâng cao, kinh tế có phần khởi sắc hơn là nhờ vào sự thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Nông dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình nuôi tôm truyền thống sang nuôi tôm sinh thái, ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả năng suất, chất lượng cao hơn.

Huyện Ngọc Hiển có diện tích đất lâm nghiệp kết hợp nuôi thuỷ sản là 53.065 ha với 11.379 hộ sản xuất, trong đó tôm nuôi sinh thái 20.000 ha, quảng canh cải tiến 26.568 ha, thâm canh, siêu thâm canh 263 ha, còn lại là quảng canh truyền thống. Trong đó, mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng được người dân lựa chọn làm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, bởi con tôm sinh thái luôn được thị trường thế giới ưa chuộng do không sử dụng thức ăn, kháng sinh trong quá trình nuôi.


Nông dân khóm Rạch Gốc B thu hoạch tôm sinh thái.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết, huyện chọn 3 xã: Ðất Mũi, Viên An và Viên An Ðông phát triển mô hình sinh thái bền vững. Ðến nay tổng diện tích nuôi tôm sinh thái được các tổ chức quốc tế chứng nhận là 9.311 ha/1.821 hộ; năng suất đạt bình quân khoảng 200-220 kg/ha/năm, tăng 20-40 kg/ha/năm so với năm 2021.

Ðể nâng cấp chất lượng mô hình, huyện sẽ triển khai sổ tay hướng dẫn người dân nuôi tôm sinh thái hiệu quả. Trong đó, hướng dẫn cách cải tạo vuông, môi trường nước, chọn con giống... nhằm từng bước thay đổi tư duy, cách làm của bà con từ nuôi tôm truyền thống sang nuôi tôm sinh thái 2 giai đoạn, hạn chế thay nước, góp phần nâng cao hiệu quả vụ nuôi tôm.

“Nuôi tôm sinh thái, nuôi cua là định hướng của Huyện uỷ, UBND huyện trong đột phá phát triển kinh tế, nâng cao sản lượng thuỷ sản. Do vậy, việc thay đổi tư duy sản xuất của bà con là rất quan trọng. Nếu bà con cứ sản xuất theo phương pháp truyền thống, là tôm giống cứ thả trong vuông và đợi đến ngày thu hoạch, thì không hiệu quả. Bởi thời tiết thay đổi, đòi hỏi người dân cần áp dụng phương thức sản xuất mới, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật mới mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Trần Hoàng Lạc thông tin thêm.

Huyện đã phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức được 15 lớp tập huấn và 2 lớp tổng quan các kiến thức có liên quan đến tiêu chuẩn, bảo vệ môi trường sinh thái cho cán bộ, đội ngũ làm công tác khuyến nông, hộ nuôi tôm trên địa bàn. Qua đó, giúp nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, như lựa chọn con giống, sử dụng vôi, chế phẩm sinh học, nuôi tôm ít thay nước, nuôi tôm 2 giai đoạn... nhằm nâng cao năng suất, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, ngành chuyên môn còn hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc cho trên 3.500 hộ dân và tham gia ghi chép nhật ký kỹ thuật nuôi, lưu trữ hồ sơ trong quá trình nuôi đảm bảo các tiêu chuẩn của quốc tế.

Thời gian qua, huyện Ngọc Hiển luôn kêu gọi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm liên kết với các hộ nuôi tôm sinh thái trên địa bàn nhằm bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra, nâng cao giá trị kinh tế. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản tham gia phát triển nuôi tôm sinh thái, gồm Công ty Cổ phần xã hội chuỗi tôm - rừng Minh Phú, Công ty Xuất nhập khẩu thuỷ sản Camimex Cà Mau và Công ty Xuất nhập khẩu thuỷ sản Seaprimexco Năm Căn. Các công ty thu mua tôm sú của hộ dân theo giá thị trường và có chính sách hỗ trợ dành riêng cho các hộ đạt chứng nhận quốc tế nhằm tăng lợi nhuận, tạo động lực cho hộ dân phát triển bền vững mô hình nuôi tôm sinh thái.

Tuy nhiên, theo ông Phan Minh Ký, Giám đốc Hợp tác xã nuôi tôm sinh thái Ðại Ðoàn Kết, xã Viên An Ðông, trên địa bàn xã có Công ty Minh Phú thu mua tôm sinh thái nhưng nhìn chung giá cả không cao hơn so với các thương lái bên ngoài nên những hộ nuôi tôm sinh thái được chứng nhận luôn bị thiệt thòi so với những hộ nuôi tôm không được chứng nhận.

Ông Trần Hoàng Lạc cho biết: “UBND huyện sẽ có cuộc làm việc giữa Công ty Cổ phần xã hội chuỗi tôm - rừng Minh Phú, Công ty Xuất nhập khẩu thuỷ sản Camimex Cà Mau và Công ty Xuất nhập khẩu thuỷ sản Seaprimexco Năm Căn cùng với các hợp tác xã, hộ nuôi tôm sinh thái của huyện, ngồi lại tháo gỡ khó khăn để có những giải pháp nâng giá thu mua tôm sinh thái mức cao hơn so với thị trường một cách hợp lý để người dân an tâm sản xuất, phát huy hiệu quả./.

Hồng My - Chí Hiểu
Theo Báo Cà Mau
Email
Họ tên
Nội dung

Top