Thứ 4, 08/12/2021 10:54:46 GMT+7

Người đàn bà rủ dân làng nương tựa vào biển

Đánh giá bài viết

Bán xe ga, cho tất cả váy áo, quẳng hết phấn son, chị rời Hà Nội sau 20 năm bám trụ để về quê ấp ủ ước mơ xây dựng một ngôi làng sinh thái

Lối về trăn trở

Để hôm nay, đi giữa tươi xanh của rừng ngập mặn, chị Doãn Thị Thoa - Chủ nhiệm HTX Khang Tường (xã Giao An, Giao Thuỷ, Nam Định) người có ý tưởng về làng du lịch sinh thái ven biển rủ rỉ kể với tôi rằng: “Rừng ngập mặn là nơi mẹ đã lặn ngụp 30 năm trời bắt tôm cua cá mưu sinh nuôi 4 anh em tôi hết đại học. Những đêm mưa giông, sấm chớp đánh ngang đầu hay những ngày nổi bão tôi lại nhớ hình ảnh mẹ lầm lụi lội trong bùn. 

Năm xưa, mẹ nhất chết cũng phải lo cho các con ăn học để thoát khỏi cảnh khổ của nhà nông. Giờ đây khi tôi đã đi học và làm việc tại Hà Nội 20 năm, trở về nhìn những cái đầm bị phá hết sú vẹt để nuôi công nghiệp, tim đau như có ai bóp nghẹt”…

 

Chị Thoa bên những cây giống chuẩn bị đem trồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị tâm sự, đã mấy năm nay hầu như không mua quần áo mới mà nếu có chỉ là đồ nâu để tiện cho việc lao động. Tập thói quen đạp xe, xách làn đi chợ, gội đầu bằng bồ kết, dùng bồ hòn thay cho xà phòng, bỏ thực phẩm chế biến sẵn, bột canh, mì chính, có gì thì dùng nấy. Chị còn tham gia vào một nhóm yêu sinh thái để trao đổi những mặt hàng tự làm mà ít khi dùng đến tiền.

Lúc mới trở về, thấy những khi biển có bão, tôm cá bà con đánh bắt được rất nhiều nhưng khó tiêu thụ nên chị nghĩ đến chuyện bán hàng online. Nhớ đến lời mẹ, nhờ có biển mà nuôi được các con, chị chọn cách chỉ tiêu thụ sản phẩm từ những đầm có rừng sú vẹt rồi làm thương hiệu, chào mời các cửa hàng thực phẩm sạch.

Vườn Quốc gia Xuân Thủy quê chị là khu ramsar đầu tiên của Việt Nam, là điểm đến hàng năm của các loài chim di cư quý hiếm trong đó có 9 loài trong sách đỏ thế giới như cò thìa, rẽ thìa… Thế nhưng, sự thật đau lòng là chính những người con miền biển thuần lương, chất phác đang vì mưu sinh mà không ngần ngại phá hủy đi rừng trong các đầm nước mặn ở vùng đệm. Từ 545ha năm 2000 giờ đã giảm xuống chỉ còn khoảng 250ha.

 

Một góc rừng ngập mặn trong đầm tôm của gia đình Ngô Văn Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm 2019, Thoa lập ra HTX Khang Tường với 9 thành viên để bao tiêu đầu ra thủy sản cho bà con theo tiêu chí ngon, sạch và sinh thái. Hiện có 20 chủ đầm, đại lý đang cùng hợp tác với chị.

Năm 2018, khi được chút lợi nhuận từ việc bán hàng online, Thoa bắt đầu nghĩ đến việc phải bù đắp lại cho tự nhiên bằng tặng cây và vận động người khác tặng cây. Rừng phi lao ở xã Bạch Long bị tàn lụi, chị đã cùng huyện đoàn, các đoàn viên quốc phòng và học sinh của 3 trường trên địa bàn trồng lại 15.000 cây. Nghĩ đến những con đường chang nắng ở quê chị mua tặng xã 400 cây sấu về trồng ở ven hai bên.

Thoa cũng trở thành người tiên phong trong việc trồng 1.000 cây ở đầm nhà. Khi rặng dừa đã lên xanh thì chị lân la ra các đầm bên cạnh để vận động. Dân biển thường không có thói quen trồng cây ngoài đầm vì coi đó chỉ là nơi kiếm ăn. Bởi thế nhiều người mới nghe chị vận động đã buông luôn câu: “Con dở”.

Nhưng “con dở” không chịu bỏ cuộc mà kiên trì thuyết phục tiếp: “Bác có thấy rặng dừa nhà cháu lên tốt, trông thích không? Vừa có bóng mát lại mấy năm nữa là cho quả. Lúc đó vừa thu tiền trên bờ, vừa thu tiền dưới nước”.

 

Chế biến hải sản ở HTX Khang Tường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không chỉ thuyết phục trồng cây trên bờ, chị còn thuyết phục trồng cả dưới nước: “Bác năm nay thu tôm, cá thế nào? Gần nhà mình có đầm nhà ông A, bà B nhiều sú vẹt nên thu được lắm tôm, cá. Mình có nhà thì tôm, cá cũng phải có nhà, mà nhà của chúng chính là các cây ngập nước…”.

Một số người nghe bùi tai, nhưng chép miệng bảo không có vốn. Được đà, Thoa liền đáp: “Cháu sẽ vận động để hỗ trợ một phần tiền giống nhưng bác phải cam kết chăm sóc cây cẩn thận, không được bỏ mặc đâu đấy”. Năm đầu, chị phải tìm đến các chủ đầm để thuyết phục nhưng sau đó một số đã tự tìm đến hỏi xin hay hỏi mua chung. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã có 4 chuyến xe với khoảng 2.000 cây như vậy.

Chị nhẩm tính, số tiền mua cây mà mình bỏ ra có thể đã bằng cái ô tô đời mới nhưng bởi vì đó là tình yêu nên không hề tính toán: “Khi nói đến việc phá rừng, phá tài nguyên để phát triển kinh tế thì thường có một số ý kiến kiểu như này: “Sao không nghĩ đến hàng ngàn người có việc làm, kinh tế cả một vùng phát triển theo? Việt Nam mình muốn phát triển phải hi sinh thôi, không thì chết đói”.

Tôi xin khẳng định rằng: Phá rừng thì có thể có tiền, nhưng tiền thì không mua được rừng. Có tiền thì có thể bạn no cái bụng, nhưng không đảm bảo bạn được ăn uống lành mạnh. Có tiền có thể mua được máy lọc nước tốt nhất, nhưng không có rừng thì không có nước sạch. Có tiền có thể mua được máy lọc không khí, nhưng không có rừng thì không có không khí trong lành để thở. Có tiền có thể mua được loại thuốc đắt nhất, bác sĩ giỏi nhất, bệnh viện tốt nhất, nhưng không mua được sức khỏe”…

 

Hải sản chế biến của HTX Khang Tường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thực tại phũ phàng và ước muốn bỏng cháy

Ông Đinh Văn Mão, một chủ đầm ở xã Giao Thiện bảo lúc trước nuôi tôm, do giữ nước lâu quá khiến rừng ngập mặn trong đầm chết hết, giờ biết là sai nên đã trồng lại mấy trăm gốc dừa, xoài, chay, so đũa với tổng chi phí 50 triệu. Sắp tới ông còn bàn với vợ để trồng thêm cả dưới nước dù biết rằng trồng cây trên đất mặn không hề dễ dàng, đến cả mấy cây bí, cây rau đem ra đây cũng phải chở theo cả đất ngọt, bọc lót dưới gốc mới sống được.

Tôi sang đầm kế bên của Đỗ Mạnh Trường. Trên bờ, hàng dừa, so đũa đã lên xanh tốt nhưng dưới nước, đám sú vẹt cấy đợt đầu do ngập nước lâu ngày đã bị chết gần hết, phải cấy tiếp đợt hai. Giờ chúng đang lên nhu nhú trong bùn nhưng cây còn thưa, chưa biết dựa vào nhau.

 

Ông Đinh Văn Mão bên cây chay mới trồng bên bờ đầm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngô Văn Nam nhẹ tay chèo bè, đưa tôi luồn lách trong khu đầm tự nhiên rộng 7,5ha của nhà để ngắm màu xanh ngằn ngặt của rặng sú, rặng bần đang mùa quả. Cái đầm được gia đình Nam mua gần 1 năm trước, nếu không thì rơi vào tay chủ khác, chắc đã biến thành nơi nuôi công nghiệp. Lũ cò đang đậu trên cây thấy bóng người bỗng vụt bay lên khiến đám cá chai dưới nước cũng giật mình mà bơi vội, để lại đằng sau một vệt bùn mờ dài.

Khi nước ròng, mòng két, vịt trời, ngỗng trời lại về trắng bãi. Một tín hiệu vui là vừa rồi còn có đôi cò thìa cực kỳ quý hiếm cũng tìm về đây tụ hội. Những lúc nước nổi Nam mở cống lấy vào, tối đến lại xả ra để thu tôm, cua, cá bằng đáy. Có những đêm tháng bảy, một buổi cái đáy thu trên 1 tạ, được cỡ 30 triệu, còn các đêm khác thu 10 - 15kg, được cỡ 1,5 - 2 triệu là thường… 

 

Anh Đỗ Mạnh Trường bên hàng cây mới trồng ven bờ đầm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đặt đáy một lát, Trường đã nhấc lên. Chừng 4 - 5kg tôm sú, tôm rảo, cá căng cọp, cá tráp đã nhảy lao xao trong đó, anh bảo thôi, không lấy nữa để chúng lớn, chứ nếu đặt đến sáng phải cỡ 15 - 20kg. Chỉ có tôm sú là giống thả còn lại đều là của tự nhiên, thức ăn cũng vậy, vào theo thủy triều lên xuống. 

Vặt ít rau ngót, lá mơ, chúng tôi đã có ngay nồi lẩu ngon lành cạnh bờ đầm lộng gió. Đêm đó, khi đã sương sương, mọi người trở về làng, mình tôi ngủ lại tại lều, đắm trong tiếng dế rinh rích, tiếng nước chảy rì rào, tiếng ào ào của đám cá say mồi, đuổi đàn tôm nhảy vọt lên trên mặt đầm.  

Sớm tinh mơ, tôi chợt thức giấc. Tiếng máy nổ như xé tan bình minh làm lũ chim trời giật mình bay hoảng hốt. Mùi xăng dầu lấn át cả mùi cá tôm. Một đoàn người đang hối hả san lấp bãi để chuẩn bị thả ngao trong một cái đầm trơ trụi cát. Nghe tôi tả lại, Thoa buồn bã bảo: “Những người nuôi công nghiệp này đã đầu tư rất nhiều tiền rồi nên giờ có thuyết phục cũng không nghe đâu. Cứ để họ nuôi chán, vỡ nợ rồi thì may ra mới nói chuyện được”…

 

San bãi để nuôi ngao công nghiệp. Ảnh: Dương Đình Tường.

 

Rửa bãi để nuôi ngao công nghiệp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị dẫn tôi ra dãy đầm thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Thủy, chỉ từng cái đã và đang giết hết rừng ngập mặn bằng cách giữ nước ngập liên tục nhiều ngày để đám rễ không lộ ra theo thủy triều được, ngạt thở mà chết. Những cây nào còn sống sót sẽ bị đào trốc lên, đốt sạch rồi cho máy san ủi đáy để nuôi công nghiệp.

Nhà chức trách có ghé qua cũng chỉ được nghe chủ đầm ráo hoảnh rằng: “Chúng bị chết tự nhiên nên tôi đành phải chặt”. Một năm đôi lần đáy đầm được cày lên, phơi nắng, rắc trắng vôi rồi nuôi lứa tiếp. Nước bùn phun ra, tràn mương máng, thải ô nhiễm, dịch hại loang nhanh như ung thư giai đoạn cuối.

Nhìn đám cỏ trên đồng chỉ sau một buổi phun thuốc đã héo như bị dội nước sôi, đến đàn bò cũng phải bỏ ra đầm cách làng 10km mới có thứ để ăn, lòng Thoa như xát muối. Chị chỉ muốn xông ra để cãi nhau nhưng vẫn phải cố nén: “Cô làm như thế này tự giết mình trước, giết người xung quanh sau đấy”. Phần lớn họ vẫn phun tiếp, chỉ có một số ít người chịu nghe. Đến ngay cả sân nhà văn hóa thôn có vạt cỏ người ta vẫn đi phun khiến cho chị bất bình phải gọi cả trưởng xóm…

 

Cày bãi để chuẩn bị thả nuôi công nghiệp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rồi, ánh mắt chị chợt sáng lên khi kể với tôi về giấc mơ cả làng cùng làm du lịch sinh thái, đón khách về trải nghiệm sự sống thuận tự nhiên. Chính vì giấc mơ này mà vừa rồi chị đã xin gặp Chủ tịch huyện trong 30 phút để thuyết minh về dự án và đã được đồng ý chủ trương, trước tiên có thể đưa 2 đầm của ông Mão và anh Trường vào kế hoạch.

Chị giải thích: “Tôi không muốn chọn những đầm đã có sẵn rừng sú vẹt  để làm du lịch sinh thái vì điều đó quá dễ, nhưng người khác không học được. Chọn 2 cái đầm đã bị phá hết và đang trồng cây lại là muốn để bà con học. Quá trình trồng cây, tái tạo lại rừng có thể mất 5 năm, 10 năm, thậm chí còn lâu hơn nữa nhưng tôi vẫn quyết tâm cùng với dân làng thực hiện cho bằng được…”.


Dương Đình Tường
Theo Báo Nông Nghiệp Việt Nam
Email
Họ tên
Nội dung

Top