Thứ 6, 08/09/2023 14:44:43 GMT+7

Phương pháp xử lý tảo xanh

Đánh giá bài viết

Tảo xanh phát triển quá mức trong ao luôn là mối nguy hại với tôm nuôi, dẫn đến nhiều thiệt hại to lớn nếu không có biện pháp xử lý an toàn hiệu quả và kịp thời.

Chế phẩm sinh học 

Với cách này, người nuôi nên lựa chọn và sử dụng các loại chế phẩm vi sinh cắt tảo xanh chứa chủng Lactobacillus, khi tan đều trong nước sẽ giúp loại bỏ tảo trong ao nuôi tôm nhanh chóng, an toàn mà không gây thiệt hại về số lượng của tôm trong ao. Có thể cắt tảo bằng vi sinh, tuy nhiên cần cân đối giá thành, chọn loại vi sinh với thành phần phù hợp cho mục đích sử dụng. 

Hợp chất đồng 

Tiến hành cắt tảo xanh trong ao tôm, áp dụng tính chất của muối đồng sunfate CuSO4.5H2O cấu tạo dạng tinh thể màu xanh và không có mùi. Khi hòa vào nước, muối này phân ly và tạo thành Cu2+ và SO42-. Trong đó, Cu2+ không bị thủy phân nên làm ức chế quá trình quang hợp của tảo và hạn chế tảo phát triển. Thường áp dụng cách xử lý tảo xanh này với ao nuôi có độ pH và kiềm tương đối ổn định, nếu chỉ số này thấp, ion Cu2+ này sẽ tồn tại lâu gây độc với cả tôm, cá được thả trong ao. Vì vậy, cần kiểm soát pH và kiềm trước khi thực hiện cách này. 


Ao nhiều tảo xanh sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm. Ảnh: ST

Vôi 

Khi phát hiện tảo xanh, cần kiểm tra bộ đệm (bicacbonat) của môi trường nước, chỉ số này cao thì nên thay khoảng 30% nước để giảm tảo. Nên thay vào ban đêm để chất lượng nước ao được đảm bảo để tôm không bị ảnh hưởng. Khi kiểm tra thấy hệ đệm thấp, nên tiến hành ngâm vôi nung hoặc vôi đá khoảng 12 giờ sau đó tạt đều quanh ao với lượng thích hợp, khoảng 30 kg/1.000 m³khối nước. Thực hiện cắt tảo bằng vôi trong 2 ngày để có kết quả tốt nhất. Đây chính là cách diệt tảo xanh trong ao nuôi tôm cá được lựa chọn và áp dụng nhiều. Sau khi áp dụng cách này, cần bổ sung vi sinh vật có lợi, đặc biệt là Vitamin C để tôm không bị ảnh hưởng, thiếu chất. 

Phương pháp kết hợp 

Cắt tảo xanh trong ao, nếu tôm ≤ 10 ngày tuổi, dùng CaO: liều 10 - 20 kg/1.000 m³ nước, kết hợp CaCO3 liều: 60 - 80 kg/1.000 m³ nước, thời gian xử lý: ban đêm, 22 giờ, sau đó cấy lại vi sinh EM. Vào ban ngày, có thể dùng Zeolite liều 25 kg/1.000 m³, kết hợp CaCO3 liều 60 kg/1.000 m³, sau đó cấy lại vi sinh EM. Nếu tôm lớn, nuôi từ ≥ 1,5 tháng tuổi, dùng vôi nóng CaO liều 30 kg/1.000 m³ kết hợp CaCO3 liều 100 - 150 kg/1.000 m³, nên sử dụng vào ban đêm. Lưu ý, sau khi sử dụng CaCO3 liều 100 kg/1.000 m³, nên thêm mỗi lần 20 kg, sau cùng là 10 kg, cho đủ liều 150 kg, chia liều như trên nhằm hạn chế sốc đối với tôm. 

Với cách xử lý trên, thực hiện liên tục, đến khi thấy nước ao đục, xuất hiện nhiều lợn cợn, cần tiến hành vừa thay nước, vừa cấp nước mới vào ao nuôi. Lượng nước thay và cấp vào ao từ 20 - 30%, nên thay và cấp nước chiều mát, hoặc tối 18 - 20 giờ. Đến 9 - 10 giờ trưa hôm sau, sử dụng Zeolite liều 40 - 50 kg/1.000 m³ nước, kết hợp CaCO3 liều 80 - 100 kg/1.000 m³ nước. Việc cấy lại vi sinh EM, nếu tảo đẹp, màu trà, tảo non, nên cấy vi sinh vào ban ngày, nếu tảo già, nước đậm nên cấy vi sinh vào ban đêm. Duy trì màu tảo khuê, màu trà, bằng Zeolite liều 20 kg/1.000 m³ nước, kết hợp CaCO3 liều 20 kg/1.000 m³ nước, đánh vào ban ngày, thời điểm 9 - 10 giờ trưa, sau đó bổ sung vi sinh EM (ban ngày). Nếu tảo phát triển đậm, vào ban đêm, dùng vôi nóng CaO, liều 20 kg/1.000 m³ nước, kết hợp CaCO3 liều 40 kg/1.000 m³ nước, sau đó cấy vi sinh EM (ban đêm). 

>> Khi thực hiện cắt tảo xanh trong ao nuôi, cần chú ý đến thời gian xác định để việc diệt tảo xanh được tối ưu nhất. Theo đó, nên thực hiện vào ban đêm lúc 9h bởi vì lúc này tôm vận động ít hơn, cơ chế hô hấp tảo kém nên khi tiến hành cắt sẽ không làm ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động của tôm, dễ chết tảo và ít tốn công.  

Hoàng Yến
Email
Họ tên
Nội dung

Top