Phòng, trị các bệnh trên mang tôm
Đánh giá bài viết(Contom.vn) - Các bệnh liên quan đến mang thường gặp ở tôm nuôi, đặc biệt là trong điều kiện ao nuôi không tốt. Những bệnh này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh tế, có thể gây chết tôm. Vì thế, việc phòng trị bệnh là vấn đề cấp thiết đối với người nuôi.
Bệnh do virus GAV
Nguyên nhân: Là virus thuộc Giống Okavirus thuộc Roniviridae, bộ Nidovirales (Mayo, M. A. 2002). Nucleocapsid dạng ống xoắn và thể virus (virion) hình que có vỏ bao, hình dạng giống virus đầu vàng. Kích thước nucleocapsid: 16 - 18 x 166 - 435 nm. Axit nhân là ARN.
Đặc điểm dịch tễ: Tôm sú bố mẹ khi đánh bắt ở biển khơi hoặc trong các đầm phá có hiện tượng bị bệnh đỏ mang sau khi đánh bắt từ 3 - 4 ngày, tỷ lệ chết tới 80 - 100%, thời gian tôm bị bệnh chết nhiều vào tháng 3 - 4 sau tết. Kiểm tra dưới kính hiển vi điện tử có xuất hiện các thể virus hình que và test RT-PCR dương tính với bệnh GAV. Bệnh lây truyền theo chiều ngang và trục dọc từ mẹ sang con.
TTCT bị đen mang (bên trên) so với tôm khỏe (bên dưới)
Triệu chứng: Tôm nhiễm GAV mãn tính, thể virus nằm trong tế bào nhiễm của tổ chức Lympho, gặp ở tôm sú tự nhiên và tôm nuôi, ít xuất hiện các dấu hiệu bệnh lý. Tôm nhiễm GAV cấp tính, virus thường gặp ở tôm tự nhiên và có thể xuất hiện ở tôm sú nuôi. Tôm hôn mê, kém ăn và bơi trên tầng mặt và gần bờ ao. Cơ thể xuất hiện màu đỏ thẫm ở các phần phụ, mang tôm chuyển sang màu hồng và vàng.
Phòng trị: Áp dụng theo phương pháp phòng bệnh tổng hợp. Tránh vận chuyển tôm nơi có bệnh đến nơi chưa phát bệnh để hạn chế sự lây lan. Những tôm chết vớt ra khỏi ao, tốt nhất là chôn trong vôi nung hoặc đốt. Nước ở ao tôm bệnh không thải ra ngoài, cần xử lý bằng vôi nung hoặc bằng clorua vôi (theo phương pháp tẩy ao). Theo dõi tôm thường xuyên, nếu phát hiện có dấu hiệu bệnh, tốt nhất là thu hoạch ngay.
Bệnh đen mang
Nguyên nhân: Môi trường nước ao nuôi bị ô nhiễm do hàm lượng thức ăn dư thừa, xác tảo, chất thải hữu cơ, tích tụ lâu ngày dưới đáy ao mà không được xử lý làm đáy bẩn. Nồng độ các khí độc cao như: NH3, NO2, H2S cao làm cho sắc tố Melanin phát triển tại các mô của mang tạo thành hiện tượng đen mang. Do nhiễm vi khuẩn dạng sợi Vibrio, nhiễm nấm Fusarium, nhiễm ký sinh trùng sán lá đơn chủ (xuất hiện nhiều sau các cơn mưa). Do môi trường nước ao nuôi có pH thấp, có nhiều ion kim loại nặng (sắt, nhôm), muối của các kim loại này kết tụ trên mang của tôm làm nó dịch chuyển sang màu đen; Môi trường nước thiếu tảo, thiếu Vitamin C và các loại khoáng chất thiết yếu cũng là nguyên nhân khiến tôm bị đen mang và các đốm đen trên khắp cơ thể.
Triệu chứng: Tôm thường bị nổi đâu do thiếu ôxy, tấp mé, bơi lờ đờ trên mặt nước, tôm bị bệnh thường ít hoạt động. Mang tôm chuyển từ màu đỏ đến màu nâu sáng và cuối cùng là màu đen. Các mô ở mang bị tổn thương, toàn bộ tơ mang bị phá hủy. Giảm ăn, chậm lớn, tôm còi cọc chết khi có thêm các tác nhân khác tác động vào.
Khắc phục: Nếu đen mang do ao bị ô nhiễm, trong ao có nhiều chất ô nhiễm hữu cơ do thức ăn dư thừa, tảo tàn, đáy ao có nhiều mùn bã hữu cơ, hàm lượng nitrit, nitrat, và các khí độc... cần cải thiện điều kiện môi trường bằng việc xiphong bùn đáy ao, dùng Yucca hấp thụ khí độc sau đó sử dụng men vi sinh liều cao, đồng thời bổ sung Vitamin C vào thức ăn. Nếu đen mang do vi khuẩn và nấm cần sử dụng hóa chất diệt khuẩn, sau 3 ngày cấy men vi sinh có lợi cho ao. Trường hợp do pH nước thấp, trong nước nếu có nhiều ion kim loại nặng (nhôm, sắt) sử dụng vôi để tăng pH với liều 20 kg/1.000 m3 nước, dùng Natri thiosulphate để hấp thụ các kim loại nặng.
Phòng bệnh: Tẩy dọn ao kỹ trước khi thả tôm. Nếu có thể nên thiết kế hố xiphong để gom bùn thải trong ao và định kỳ xiphong nền đáy. Lắng lọc kỹ nước trước khi cấp vào ao nuôi, dùng thuốc diệt cá để tiêu diệt vật chủ trung gian mang mầm bệnh. Chọn mật độ nuôi phù hợp. Kiểm soát tảo trong ao, tránh tảo tàn đồng loạt. Tăng cường sục khí để tăng hàm lượng ôxy nhằm phân hủy mùn bã hữu cơ và chất độc. Định kỳ dùng Yucca để hấp thụ khí độc cho ao và tăng liều Yucca khi thời gian nuôi càng dài.
Trần Tiến
Các tin mới nhất
Các tin cũ cùng mục
- Xử lý bệnh phát sáng(04/08/2022)
- Xử lý ao nuôi bị bệnh đốm trắng(14/07/2022)
- Chẩn đoán và điều trị bệnh phân trắng(14/07/2022)
- Cảnh giác các bệnh phổ biến trên tôm mùa nóng(26/05/2022)
- Bệnh trắng đuôi trên tôm càng xanh(26/05/2022)
- Các biện pháp kiểm soát Vibrio trong ao nuôi(30/03/2022)
- Phòng trị bệnh do vi khuẩn Vibrio(30/03/2022)
- Các yếu tố ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc(10/02/2022)
Bình luận bài viết