Chủ nhật, 01/09/2024 22:16:12 GMT+7

Chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Đánh giá bài viết

Ngày 19/6/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 540/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030.

Mục tiêu chuyển đổi xanh

Đề án hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản, tăng tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng, tái chế, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp.

Tái chế, sử dụng phụ phẩm trong ngành sản xuất tôm đang được chú trọng. Ảnh: ST

Cụ thể, đến năm 2030, ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Tổn thất sau thu hoạch các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực giảm 0,5% đến 1%/năm.

Trong đó với lĩnh vực thủy sản, 50% bùn thải và 50% nước thải trong các trang trại nuôi trồng thủy sản được xử lý và tái sử dụng, 100% phụ phẩm của công nghiệp chế biến tôm và cá tra được áp dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng.

Xây dựng, hoàn thiện và đưa vào áp dụng các quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm cho các mặt hàng chủ lực.

80% trang trại và 50% hợp tác xã được tiếp cận với các quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm, các công nghệ xử lý chất thải và tái chế phụ phẩm trong nông nghiệp.

Việc áp dụng công nghệ kinh tế tuần hoàn trong các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp giúp tăng ít nhất 20% giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng nông sản.

Giải pháp cụ thể cho lĩnh vực thủy sản

Đề án đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện được mục tiêu. Thứ nhất, nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến phục vụ nông nghiệp tuần hoàn.

Cụ thể, xây dựng, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ số gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Ưu tiên đầu tư nghiên cứu phát triển, tạo ra các công nghệ, quy trình khép kín theo chuỗi giá trị, bao gồm: Nâng cao hiệu quả sử dụng vật tư đầu vào (giống kháng bệnh, chống chịu với sinh vật hại, điều kiện ngoại cảnh bất thuận; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học; chế phẩm sinh học phòng trừ sinh vật hại, dinh dưỡng đất, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; chế phẩm xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp, tái chế, xử lý phụ phẩm; chế phẩm trong bảo quản chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm...), giảm sử dụng tài nguyên đầu vào, giảm thất thoát sau thu hoạch, kéo dài vòng đời sản phẩm, tái sử dụng và tái chế chất thải, bao gồm chất thải thực phẩm.

Xây dựng các chương trình, dự án phát triển khoa học công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn giai đoạn đến năm 2030 để triển khai nghiên cứu ưu tiên cho các lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, với lĩnh vực thủy sản: Nghiên cứu, chuyển giao và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sản xuất thức ăn thủy sản, các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung thức ăn thủy sản từ phụ phẩm nông nghiệp, các chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi; quy trình công nghệ nuôi tuần hoàn nguồn nước, không chất thải; quy trình thu gom, xử lý tái sử dụng nước nuôi khép kín, xử lý bùn thải, nước thải trong nuôi trồng thủy sản; công nghệ tái chế, sử dụng phụ phẩm trong ngành tôm và cá tra thành các sản phẩm giá trị gia tăng.

Nghiên cứu và chuyển giao, ứng các hệ thống sản xuất đa ngành tuần hoàn như nông - lâm kết hợp, trồng trọt - thủy sản luân canh/xen canh, chăn nuôi - thủy sản kết hợp, các hệ thống sản xuất nông nghiệp sinh thái, hữu cơ.

Cùng đó, ưu tiên xây dựng các chuỗi cung ứng lạnh hợp nhất (Cold Chain Interaction System) kết nối hệ thống thông tin giữa các hoạt động logistics trong chuỗi, tối ưu hóa thời gian và chi phí, nâng cao hiệu quả và sức mạnh của sản phẩm và thương hiệu trên thị trường; góp phần hỗ trợ nhà nước trong hoạt động quản lý an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, bảo vệ sinh thái và tăng trưởng nông nghiệp bền vững.

Thứ hai, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Cụ thể, xây dựng chương trình khuyến nông chuyển giao các công nghệ phát triển nông nghiệp, gồm: Công nghệ tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm, chất thải từ sản xuất, chế biến các ngành lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Trong đó, với lĩnh vực thủy sản, đó là công nghệ tái chế, sử dụng phụ phẩm trong ngành sản xuất tôm (vỏ tôm, đầu tôm, nước thải, bùn thải) thành các sản phẩm giá trị gia tăng: Các chất có hoạt tính sinh học cao như: Chitin, Chitosan, Peptide, axit amin, thực phẩm (dầu tôm, bột tôm), thức ăn chăn nuôi, phân bón, năng lượng tái tạo.

Chuyển giao, ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ sản xuất bền vững, tiết kiệm vật tư đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính và thân thiện với môi trường; Chuyển giao, ứng dụng các hệ thống sản xuất liên kết và tuần hoàn giữa các lĩnh vực nông - lâm - ngư (nông lâm kết hợp, trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản, lâm nghiệp - thủy sản,...).

Thứ ba, xây dựng chương trình phát triển thị trường cho sản phẩm ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; Xây dựng chính sách và thể chế hỗ trợ chứng nhận các sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn theo các tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế và trong nước phục vụ mục đích xuất khẩu.

Phạm Thu

Email
Họ tên
Nội dung

Top