Thứ 5, 10/07/2025 09:29:44 GMT+7

Xử lý bệnh hoại tử cơ trên tôm

Đánh giá bài viết

Hiểu biết về nguyên nhân và các biện pháp điều trị bệnh hoại tử cơ là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe và hiệu suất sản xuất của tôm, từ đó giúp người nuôi gia tăng lợi nhuận.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh hoại tử cơ là Infectious myonecrosis Virus - IMNV, một thành viên của họ Totiviridae và được phát hiện có liên quan chặt chẽ nhất với virus Giardia lamblia.

Năm 2002, bệnh xảy ra lần đầu tiên ở các ao nuôi TTCT miền Đông Bắc Brazil. Sau đó, bệnh lây lan sang các nước khác thuộc khu vực Châu Á như Indonesia, Thái Lan và tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Quá trình lây lan của IMNV qua các châu lục khác nhau được ghi nhận là do sự nhập chuyển của TTCT bố mẹ.

Triệu chứng điển hình của TTCT bị nhiễm bệnh hoại tử cơ. Ảnh: Globalseafood

Đặc điểm

Bệnh hoại tử cơ với tỷ lệ chết cao đột ngột, thường xảy ra vào sau các thời điểm hay các hoạt động có thể gây sốc cho tôm ví dụ chài tôm, độ mặn hay nhiệt độ thay đổi một cách đột ngột,... Một số tôm bệnh chết vẫn ở trạng thái no với ruột đầy thức ăn, đó là do tôm vừa được cho ăn no ngay trước thời điểm xuất hiện của các nhân tố gây sốc kể trên.

Virus gây ra bệnh này có thể lây nhiễm theo chiều dọc, chiều ngang và lây nhiễm chéo.

Tôm ở giai đoạn hậu ấu trùng, ấu trùng và trưởng thành ở tuổi nuôi 60 - 80 ngày tuổi rất dễ nhiễm virus, khả năng chết 50 - 70% số lượng tôm trong ao.

Dấu hiệu

Tôm bị nhiễm bệnh có thể thấy các đốm trắng mờ trên các đốt bụng, nếu bệnh nặng hoặc khi thiếu ôxy, cơ bụng có thể chuyển sang màu trắng hoặc cam, đôi khi có hiện tượng lột xác hàng loạt. Cơ đuôi bị biến đổi màu trắng và sau đó lan rộng khắp cơ thể. Khi tôm bị bệnh ở giai đoạn cuối sẽ gây ra hoại tử và viêm cơ, tôm chết và rớt xuống đáy ao với tỷ lệ cao.

Chẩn đoán

Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào của tôm và là một bệnh nhiễm trùng mãn tính. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 70% vào cuối chu kỳ nuôi. Các dấu hiệu ban đầu có thể là tôm bắt đầu lờ đờ và giảm ăn. Khi tôm chết số lượng lớn do bệnh, phần cơ bụng và cơ đuôi có màu đỏ tương tự như màu của tôm nấu chín.

Tuy nhiên, các triệu chứng đục cơ của bệnh do virus rất dễ bị nhầm lẫn sang bệnh đục cơ do môi trường. Để có kết quả chẩn đoán và xác định tình trạng lâm sàng bệnh chính xác nhất, cần thực hiện các xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc RT-qPCR.

Trị bệnh

Trong trường hợp bệnh hoại tử cơ xuất hiện trên tôm giống có kích thước khoảng 2 - 3 cm, thì không có phương pháp điều trị hiệu quả. Nếu gặp tình huống này, người nuôi cần hủy bỏ và diệt khuẩn để ngăn lây nhiễm cho các con giống khác.

Đối với trường hợp phát hiện một số con tôm chết hoặc có dấu hiệu của bệnh lý trong ao nuôi, người nuôi cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp sau:

Ổn định môi trường ao nuôi: Chú trọng đến các yếu tố như nhiệt độ, độ mặn, và pH của nước trong ao nuôi để tạo môi trường thuận lợi cho tôm phát triển.

Tăng cường sục khí: Đảm bảo cung cấp đủ lượng ôxy cho ao nuôi bằng cách tăng cường hệ thống sục khí.

Quản lý thức ăn chặt chẽ: Người nuôi cần ngừng hoặc giảm lượng thức ăn cho tôm trong thời gian ngắn, giúp giảm bớt áp lực trên hệ thống tiêu hóa của tôm.

Trường hợp bệnh hoại tử cơ đã lan rộng và gây tỷ lệ chết cao, người nuôi cần ngay lập tức xử lý và khử trùng ao nuôi để ngăn chặn sự lây lan của bệnh và bảo vệ sức khỏe tôm.

Phòng ngừa

Lựa chọn và thả tôm giống không bị nhiễm bệnh là phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.

Áp dụng an toàn sinh học nghiêm ngặt trong quá trình nuôi.

Trong các trại sản xuất tôm giống, cần tiến hành khử trùng trứng và ấu trùng.

Sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ để giảm ô nhiễm và giảm sự phát sinh mầm bệnh.

Tăng cường vitamin và khoáng chất nuôi tôm rất cần thiết cho đàn tôm có sức đề kháng tốt nhất.

Thanh Hiếu

Email
Họ tên
Nội dung

Top