Sử dụng hiệu quả máy sục khí
Đánh giá bài viếtTrong nuôi tôm, duy trì mức ôxy hòa tan (DO) ổn định là yếu tố quan trọng giúp tăng trưởng nhanh và hạn chế dịch bệnh. Một trong những giải pháp hiệu quả nhất là sử dụng máy sục khí, nhưng nếu không được quản lý tốt, hệ thống này có thể tiêu tốn nhiều điện năng, làm tăng chi phí sản xuất. Việc tối ưu hóa máy sục khí không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng mà còn cải thiện chất lượng nước, nâng cao tỷ lệ sống và hiệu suất nuôi.
Lựa chọn máy phù hợp
Lựa chọn máy sục khí là bước đầu tiên để đảm bảo hiệu quả sử dụng năng lượng. Máy sục khí cánh quạt (Paddlewheel aerator) thường được dùng trong các ao lớn vì có khả năng tạo dòng chảy mạnh, thúc đẩy tuần hoàn nước và giảm thiểu bùn đáy. Đây cũng là loại sục khí được dùng tương đối rộng rãi ở các ao nuôi. Nó làm việc theo nguyên lý cánh guồng quay hất nước lên thành những hạt nhỏ, tiếp xúc và thẩm thấu không khí (có ôxy) làm giàu hàm lượng ôxy hòa tan trong nước. Loại máy này có ưu điểm dễ khuếch tán ôxy vào nước và giải phóng khí độc (H2S, NH3,…) ra ngoài nhanh chóng, tạo dòng chảy nhẹ, đều và luân chuyển thường xuyên trong ao.
Máy sục khí cánh quạt thường được dùng trong các ao lớn vì có khả năng tạo dòng chảy mạnh. Ảnh: Shutterstock
Trong khi đó, máy sục khí nano hoặc bọt mịn lại phù hợp cho các ao có mật độ nuôi cao, do khả năng tạo bọt khí siêu nhỏ giúp ôxy hòa tan nhanh hơn và hiệu quả hơn so với công nghệ sục khí truyền thống. Ngoài ra, máy sục khí Venturi hoạt động bằng cách tận dụng dòng nước chảy để hút không khí, không cần dùng điện mà vẫn tăng cường ôxy hòa tan.
Đối với những ao nuôi lót bạt, việc sử dụng máy sục khí đáy với hệ thống khuếch tán khí giúp phân bổ ôxy đều từ đáy ao lên mặt nước, giảm thiểu sự phân tầng ôxy trong ao nuôi.
Vị trí
Sau khi lựa chọn đúng loại máy, vị trí lắp đặt cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa hiệu suất. Các máy sục khí cánh quạt nên được đặt dọc theo hướng gió để tận dụng lực tự nhiên, giúp ôxy lan tỏa đều khắp ao và hạn chế hiện tượng nước bị phân tầng. Với máy sục khí đáy, việc đặt chúng ở trung tâm ao sẽ giúp khí ôxy được phân bố đồng đều hơn, tránh tình trạng thiếu ôxy cục bộ, đặc biệt là vào ban đêm. Các máy sục khí nano nên được lắp đặt gần khu vực có mật độ tôm cao, nơi nhu cầu ôxy lớn hơn so với các vùng nước khác.
Điều chỉnh thời gian hợp lý
Việc điều chỉnh thời gian vận hành giúp giảm đáng kể lượng điện tiêu thụ mà vẫn đảm bảo đủ ôxy cho tôm. Ban ngày, do tảo trong ao có khả năng quang hợp tạo ôxy, máy sục khí có thể chạy với tần suất thấp hơn, thường chỉ cần hoạt động khoảng 3 - 4 giờ vào buổi sáng để hỗ trợ quá trình khuếch tán ôxy. Tuy nhiên, vào ban đêm, tảo không còn sản sinh ôxy, do đó cần tăng cường sục khí để duy trì mức ôxy hòa tan tối ưu, tránh hiện tượng tôm nổi đầu do thiếu ôxy vào sáng sớm. Ngoài ra, khi tôm phát triển đến giai đoạn trưởng thành (từ 40 ngày tuổi trở đi), nhu cầu ôxy tăng lên đáng kể, vì vậy cần điều chỉnh tăng thời gian sục khí vào các giai đoạn này.
Kết hợp năng lượng tái tạo
Một trong những cách hiệu quả để tiết kiệm điện khi vận hành máy sục khí là kết hợp với năng lượng tái tạo. Các mô hình nuôi tôm sử dụng hệ thống pin mặt trời đang ngày càng phổ biến, giúp giảm đáng kể chi phí vận hành, đặc biệt ở những vùng xa lưới điện. Máy sục khí hybrid, kết hợp giữa điện lưới và năng lượng mặt trời, cũng đang được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo hoạt động ổn định. Việc sử dụng năng lượng tái tạo không chỉ giúp giảm chi phí điện mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình nuôi tôm bền vững.
Bảo trì và kiểm tra định kỳ
Bên cạnh việc lựa chọn máy phù hợp và tối ưu hóa thời gian hoạt động, bảo trì và kiểm tra định kỳ là yếu tố quan trọng để duy trì hiệu suất máy sục khí. Động cơ và cánh quạt của máy cần được kiểm tra thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu hao mòn, giúp ngăn ngừa sự cố bất ngờ. Các bộ phận khuếch tán khí trong máy sục khí đáy hoặc nano có thể bị tắc nghẽn do cặn bẩn, vì vậy cần vệ sinh định kỳ để đảm bảo khả năng tạo bọt khí hiệu quả. Việc theo dõi mức tiêu thụ điện và đánh giá hiệu suất sục khí cũng giúp người nuôi điều chỉnh vận hành phù hợp, tránh lãng phí năng lượng mà vẫn đạt được kết quả tối ưu.
Ứng dụng công nghệ giám sát tự động
Ứng dụng công nghệ giám sát tự động trong quản lý sục khí ngày càng được áp dụng rộng rãi. Các hệ thống cảm biến đo nồng độ ôxy hòa tan (DO), pH, nhiệt độ có thể gửi dữ liệu trực tiếp đến điện thoại hoặc máy tính, giúp người nuôi theo dõi và điều chỉnh máy sục khí theo thời gian thực. Khi mức ôxy hòa tan đạt yêu cầu, hệ thống sẽ tự động giảm công suất hoặc tắt bớt máy sục khí, giúp tiết kiệm điện năng mà không ảnh hưởng đến chất lượng nước. Một số mô hình tiên tiến còn AI để phân tích dữ liệu môi trường nước, dự đoán nhu cầu ôxy theo từng thời điểm trong ngày, từ đó đưa ra khuyến nghị vận hành máy sục khí một cách tối ưu nhất.
Dự trữ máy phát điện
Để tránh trường hợp trại nuôi tôm bị mất điện đột ngột nhất là vào ban đêm, người nuôi cần chuẩn bị máy phát điện dự phòng khi sự cố mất điện xảy ra. Đảm bảo thiết bị sục khí, quạt nước vẫn hoạt động ổn định, cung cấp đủ lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi tôm, đảm bảo hoạt động nuôi tôm luôn trong tình trạng ổn định. Tránh tình trạng mất điện trong thời gian dài làm ao nuôi tôm không đủ ôxy gây ra những thiệt hại đáng tiếc về kinh tế cho người nuôi. Để chủ động được nguồn điện khi mạng điện lưới gặp sự cố hoặc bị cắt, thì việc sử dụng máy phát điện là giải pháp tối ưu nhất.
Hoàng Ngân
Các tin mới nhất
Các tin cũ cùng mục
- Giải pháp ổn định môi trường nước và kiểm soát EHP trong nuôi tôm(15/04/2025)
- Phòng bệnh tôm nuôi mùa lạnh(24/02/2025)
- Quy trình thiết lập trang trại nuôi tôm nhà kính(30/12/2024)
- Shrimpharmaqua: Lựa chọn thông thái của mọi nhà nông(10/12/2023)
- Thêm giải pháp bền vững từ Grobest giúp người nuôi tôm về đích thành công(08/12/2023)
- Lấy mẫu trong nuôi tôm và lợi ích(09/11/2023)
- Chiết xuất thực vật giảm thiểu AHPND trên tôm(24/08/2023)
- Kỹ thuật nuôi tôm - lúa hữu cơ(12/07/2023)
Bình luận bài viết