Thứ 6, 11/07/2025 09:59:57 GMT+7

Phòng tránh bệnh vi bào tử trùng

Đánh giá bài viết

Vi bào tử trùng (EHP - Enterocytozoon hepatopenaei) là một trong những tác nhân nguy hiểm gây ra hội chứng chậm lớn trên tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh. Việc hiểu rõ dấu hiệu, nguyên nhân và các biện pháp phòng trị hiệu quả sẽ giúp người nuôi chủ động kiểm soát dịch bệnh, ổn định năng suất vụ nuôi.

Đặc điểm và cơ chế gây bệnh

EHP là loại vi sinh vật ký sinh nội bào, thường gây tổn thương ở tế bào biểu mô ống gan tụy - nơi đóng vai trò trung tâm trong tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất. Khi tôm nhiễm EHP, tế bào gan tụy bị phá hủy dần, khiến khả năng hấp thu giảm sút nghiêm trọng. Tôm vẫn ăn nhưng không lớn, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) tăng cao, dẫn đến thiệt hại về kinh tế.

Sử dụng thức ăn chất lượng cao, dễ tiêu hóa. Ảnh: Tép bạc

Khác với nhiều mầm bệnh khác, EHP không gây chết hàng loạt, nhưng làm chậm lớn rõ rệt, dễ nhầm lẫn với các nguyên nhân khác như chất lượng giống kém, thiếu dinh dưỡng, môi trường xấu hoặc gan tụy suy yếu.

Dấu hiệu nhận biết

Việc nhận biết EHP tại ao thường dựa vào các biểu hiện sau:

Tôm phát triển không đồng đều, nhiều cá thể còi, vỏ mỏng, kích thước nhỏ hơn so với tuổi.

FCR tăng bất thường dù lượng thức ăn không đổi.

Tôm có xu hướng ăn yếu, thường chậm lại sau khoảng 40 - 60 ngày tuổi.

Quan sát gan tụy thấy màu nhạt, teo nhỏ, mất sắc bóng.

Khi giải phẫu, ruột không đầy, phân mỏng, dễ đứt đoạn.

Kết quả xét nghiệm PCR hoặc nhuộm mô gan tụy cho thấy sự hiện diện của EHP.

Nguyên nhân và điều kiện làm gia tăng bệnh

Vi bào tử trùng lây lan chủ yếu qua đường miệng - tôm ăn phải bào tử có trong xác tôm bệnh, phân tôm, động vật phù du nhiễm mầm bệnh hoặc trong bùn đáy ao. Một số yếu tố thúc đẩy EHP phát triển bao gồm: Mật độ nuôi quá cao; Đáy ao bẩn, tích tụ nhiều hữu cơ, phân thải; Gan tụy yếu do chất lượng thức ăn kém, thiếu khoáng - vitamin; Không sử dụng biện pháp diệt mầm bệnh trước khi thả giống.

Phòng bệnh

Quản lý môi trường - đáy ao: Vệ sinh ao kỹ trước vụ nuôi: diệt tạp, sát trùng đáy bằng Chlorine, vôi nung, KMnO4,... Hạn chế tích tụ chất thải: định kỳ xi phông đáy, sử dụng chế phẩm sinh học chứa Bacillus subtilis, Bacillus licheniformis. Quản lý tảo hợp lý, tránh tảo tàn gây suy giảm chất lượng nước - tạo điều kiện EHP phát triển.

Quản lý thức ăn và hệ tiêu hóa: Sử dụng thức ăn chất lượng cao, dễ tiêu, tránh dư thừa gây ô nhiễm. Bổ sung men vi sinh tiêu hóa (gồm Bacillus spp., Lactobacillus spp.) liều 1 - 2 g/kg thức ăn/ngày. Bổ sung Vitamin C, E, silymarin, beta-glucan (mỗi loại 1 - 2 g/kg) giúp gan khỏe, tăng miễn dịch. Dùng chitosan (500 mg/kg thức ăn) như một chất hỗ trợ kích thích miễn dịch và kháng khuẩn đường ruột.

Quản lý con giống và phòng mầm bệnh: Tuyệt đối không thả giống từ trại chưa xét nghiệm EHP bằng PCR. Chỉ sử dụng giống sạch bệnh, kiểm dịch rõ ràng. Trước khi thả, ngâm tôm giống với Iodine hoặc Chlorine liều nhẹ (2 - 5 ppm) giúp giảm nguy cơ mang mầm bệnh từ trại giống.

Xử lý khi ao đã nhiễm EHP

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu vi bào tử trùng, vì vậy nguyên tắc xử lý là:

Giảm mật độ bằng cách sang tôm hoặc thu sớm bớt nếu cần.

Giảm thức ăn 20 - 30%, chỉ cho ăn vào sáng sớm hoặc chiều mát, tránh dư thừa.

Bổ sung silymarin (2 - 3 g/kg), curcumin (3 - 5 g/kg), Vitamin C - E (2 g/kg) liên tục 7 - 10 ngày để phục hồi gan tụy.

Dùng thảo dược kháng khuẩn như tỏi, gừng, nghệ (mỗi loại 3 - 5 g/kg thức ăn) hỗ trợ đường ruột.

Tăng cường men tiêu hóa và vi sinh đường ruột để cạnh tranh với EHP.

Nếu nặng, tạm ngừng cho ăn 1 - 2 ngày, cấy vi sinh đáy, sau đó phục hồi dần.

Hoàng Yến

Email
Họ tên
Nội dung

Top