Thứ 2, 14/07/2025 10:32:36 GMT+7

Quản lý pH ao nuôi mùa mưa

Đánh giá bài viết

Trong mùa mưa, pH ao tôm thường bị giảm do nhiều nguyên nhân như nước mưa làm loãng môi trường, rửa trôi các chất hữu cơ và phèn từ đất vào ao.

pH phù hợp

pH là chỉ số đo nồng độ của các ion hydro (H+) có trong dung dịch (còn gọi là độ axit hay bazơ của nước). Giá trị pH thường nằm trong khoảng từ 0 đến 14 với pH = 7 chỉ môi trường nước trung tính; pH < 7 chỉ ra rằng nước có tính axit, còn pH > 7 thì nước có tính bazơ.

Với ao nuôi tôm, pH tối ưu nhất nên được duy trì ở mức 7,5 - 8,5 và dao động trong ngày không được quá 0,5.

pH trong ao nuôi tôm nên được duy trì tốt nhất ở mức 7,5 - 8,5 Ảnh: Anbinhbio

Tác động của mưa

Nước mưa có tính axit nhẹ, khi chảy vào ao sẽ làm giảm pH và độ kiềm, gây ra sự căng thẳng cho tôm. Cùng với đó, mưa lớn có thể làm xói mòn bờ ao, cuốn trôi các chất hữu cơ, bùn đất, và các chất ô nhiễm khác vào ao, làm giảm pH và độ kiềm ao nuôi.

Thông thường, sau những trận mưa hay mưa kéo dài sẽ làm pH ao nuôi giảm 0,3 - 1,5. Khi pH thấp, nước trở nên axit hơn và gây hại cho tôm. Nước có pH thấp ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống hô hấp, tiêu hóa và cả hệ thống miễn dịch của tôm.

Tôm sống trong môi trường pH thấp sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì cân bằng nội môi. Hệ thống hô hấp của tôm bị ảnh hưởng do sự thay đổi pH làm giảm khả năng lấy ôxy từ nước. Điều này khiến tôm dễ bị ngạt, giảm sức đề kháng và dễ mắc bệnh.

Ngoài ra, pH thấp còn ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và hấp thụ dinh dưỡng, làm giảm khả năng tăng trưởng của tôm. Cùng với đó, pH thấp khiến tôm thường bị dính chân không thể rút ra khỏi vỏ khi lột xác.

Xử lý

Trong trường hợp muốn pH tăng nhanh, nên sử dụng 50 - 100 kg vôi Ca(OH)2, bón khi trời mát, chiều tối hoặc trời mưa. Hòa tan trong nước thật loãng rồi té khắp ao. Khi sử dụng vôi, nên bón từ từ, kiểm tra pH sau khi bón và điều chỉnh liều lượng phù hợp, kiểm tra pH rồi có thể tăng liều lượng. Để đo độ ổn định pH chính xác, cần chờ sau khi tạt vôi tối thiểu 2 giờ.

Người nuôi cũng có thể sử dụng vôi CaCO3, nhưng tác động tăng pH sẽ chậm hơn. Ngoài ra, một số vùng sử dụng các hạt trao đổi ion để nâng pH lên. Tuy nhiên trong ao nuôi tôm, do diện tích quá lớn, nếu dùng loại này, chi phí rất lớn, khiến giá thành sản xuất lên cao, hiệu quả kinh tế thấp.

Để giải phóng khí độc và ổn định môi trường khi pH thấp, có thể sử dụng các sản phẩm như Yucca và Zeolite. Yucca giúp hấp thụ khí độc như NH3, H2S và ổn định pH, trong khi Zeolite có khả năng hấp thụ khí độc và các chất ô nhiễm khác, giúp cải thiện chất lượng nước.

Người nuôi có thể bón vôi nông nghiệp (CaCO3) hoặc Dolomite với liều lượng 10 - 20 kg/1.000 m³ nước để tăng độ kiềm ao nuôi. Ngoài ra, sodium bicarbonate (baking soda) cũng là lựa chọn tốt, với liều 1 - 2 kg/1.000 m³ nước, giúp tăng độ kiềm mà không làm pH tăng quá nhanh. Cần rải đều chất đệm quanh ao, tránh bón tập trung để không gây sốc cho tôm.

Khi pH giảm và nước ao bị đục, nên giảm lượng thức ăn cho tôm. Việc giảm lượng thức ăn giúp giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa của tôm trong điều kiện môi trường bất lợi, đồng thời hạn chế tình trạng ô nhiễm nước do thức ăn thừa gây ra

Phòng ngừa

Thường xuyên kiểm tra pH ao nuôi. Đo pH 2 lần/ngày, vào sáng sớm và chiều tối, bằng máy đo pH hoặc giấy quỳ. Dao động pH lớn (từ 8,5 ban ngày xuống 7 ban đêm) là dấu hiệu nguy hiểm.

Bên cạnh đó, người nuôi thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết địa phương để có bước chuẩn bị các biện pháp phòng chống trước; đắp gờ bờ ao cao ngăn chặn nước mưa chảy xuống ao. Đồng thời, trước những cơn mưa lớn cần rải vôi Ca(OH)2 xung quanh bờ ao với lượng 10 - 20 kg/m² để tránh hiện tượng pH giảm thấp đột ngột.

Nam Cường

Email
Họ tên
Nội dung

Top