Thứ 5, 19/08/2021 15:24:11 GMT+7

Kỹ thuật ương tôm giống

Đánh giá bài viết

Ương tôm giống trước khi thả nuôi là biện pháp giúp nâng cao tỷ lệ sống, giảm chi phí vụ nuôi.

Chuẩn bị

Hiện, kỹ thuật ương tôm giống trong bể nổi hoặc ao đất lót bạt là 2 phương pháp phổ biến được sử dụng ở nước ta.

Đối với bể nổi

Bể ương nổi hình tròn, phải có diện tích khoảng 50 – 300 m3 có độ dốc lớn về tâm khoảng 20 – 25 cm để thu gom chất thải dễ dàng. Bể ương nên lắp mái che, che mưa, nắng trực tiếp xuống ao ương, giảm biến đổi nhiệt độ đột ngột tránh tôm không bị sốc nhiệt, đảm bảo tỷ lệ sống cao. Bể ương cần được đặt trên một vị trí cao hơn mực nước của ao nuôi để có thể sang tôm ương ra bể nuôi lớn bằng hệ thống ống nước đã lắp đặt trước bằng cách vặn van xả. Hệ thống bể ương nổi cần có bể chứa nước có thể tích tương đương. Để có thể thay cấp nước 100% khi cần, bể chứa nước luôn phải được xử lý sạch khuẩn, đảm bảo tiêu chuẩn để cấp nước.

Ao ương

Diện tích ao ương chiếm khoảng 0,5 – 1% diện tích nuôi, thông thường khoảng 50 – 100 m2 . Bờ ao cao ít nhất 1 – 1,2 m để duy trì mức nước chứa thường xuyên ít nhất 0,7 – 0,9 m. Đáy ao được dầm nén chắc, phẳng, có góc nghiêng về hướng thoát, đảm bảo làm sao nước được tháo cạn khi cần rút hết nước (san tôm sau khi ương). Ao nuôi có trải bạt đáy (chất liệu HDPE, các loại bạt nhựa tốt…). Ao ương cần được che lưới lan. Ngoài ra, cần trang bị hệ thống sục khí hoặc quạt nước đều khắp mặt ao suốt thời gian ương, mục đích chính là cung cấp đủ hàm lượng ôxy hòa tan cho tôm phát triển.


Kỹ thuật ương tôm giống giúp nâng cao tỷ lệ sống, giảm chi phí vụ nuôi.

Tiến hành vệ sinh sạch sẽ ao, rút hết nước để khô ráo. Sau đó mới cấp nước vào. Nước từ ao chứa bơm qua ao ương sau khi đã được diệt tạp, xử lý sát khuẩn.


Con giống

Tôm giống cỡ PL 10 – 12, được mua ở những cơ sở sản xuất có uy tín, tôm bố mẹ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; tôm giống đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định của ngành và được kiểm soát tốt về an toàn sinh học trại giống. Trước khi bắt giống 3 ngày, cần thông báo với cơ sở sản xuất các chỉ số môi trường nước ao/bể ương (pH, độ mặn) để cơ sở sản xuất giống thuần hóa giống phù hợp với các điều kiện ao/bể ương.


Chăm sóc, quản lý

Mật độ ương trong ao dao động 500 – 1.000 con/m3, mật độ bể ương: 1.000 – 3.000 con/m3.

Quá trình ương phải sử dụng thức ăn công nghiệp bổ sung với 3 – 4 lần/ngày. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Lưu ý biểu hiện hoạt động bắt mồi của tôm, diễn biến thời tiết và chất lượng nước để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý.

Định kỳ bổ sung men tiêu, khoáng chất (Ca, P…), vitamin và axit amin thiết yếu (Lysine, Methionine…) tăng đề kháng cho tôm.

Hàng ngày quan sát hoạt động, màu sắc, khả năng bắt mồi của tôm. Nếu có biểu hiện bất thường cần xác định nguyên nhân (cần thiết có thể thu mẫu tôm mang đi xét nghiệm bệnh) để có hướng xử lý kịp thời, hiệu quả.

Thực hiện xiphong hàng ngày loại bỏ chất thải lắng đọng (phân tôm, vỏ tôm, thức ăn dư thừa…). Chất thải cần được tập trung vào hố chứa, xử lý an toàn, không đưa trực tiếp ra môi trường xung quanh.


San tôm ra ao nuôi thương phẩm

Giai đoạn ương tôm thường khoảng 20 – 30 ngày tùy vào điều kiện ương và việc chuẩn bị ao nuôi thương phẩm bên ngoài. Chỉ san tôm ra ngoài khi ao nuôi đã được chuẩn bị tốt, các yếu tố môi trường nước (nhiệt độ, pH, độ kiềm, màu nước…) phải nằm trong khoảng thích hợp và có sự tương đồng với ao/bể ương.

San tôm bằng cách rút bớt nước xong rồi kéo lưới bắt dần, sau đó mới rút nước cạn bắt hết số tôm con còn lại. Việc san tôm nên tiến hành trong điều kiện trời mát (sáng sớm hoặc chiều tối) và phải đảm bảo thao tác nhanh, tránh ảnh hưởng sức khỏe tôm. Đối với bể nổi, công đoạn san tôm dễ dàng hơn nhờ hệ thống ống nước lắp đặt từ bể sang ao nuôi.

Trước khi san tôm 2 – 3 ngày, người nuôi nên mở mái che để tôm quen với môi trường bên ngoài.

Thanh Hiếu
Email
Họ tên
Nội dung

Top