Thứ 3, 22/11/2016 09:54:55 GMT+7

Bắc Ninh: Nuôi ếch công nghiệp trong lồng lưới cho thu nhập cao

Đánh giá bài viết

Nhằm từng bước đa dạng hoá các đối tượng thủy sản nuôi nước ngọt có giá trị kinh tế, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng nhiều mô hình nuôi trồng thủy đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao như: Cá trắm đen, Cá rô phi đơn tính, ốc nhồi, lươn, ếch… Trong đó, sự thành công của mô hình nuôi ếch công nghiệp trong lồng lưới là cơ sở để nhân rộng và phát triển đa dạng các đối tượng nuôi theo hướng bền vững.

Mô hình được triển khai từ tháng 6/2016 với quy mô 38.000 con giống/760m2lồng tại các xã Tam Giang (Yên Phong), Chi Lăng (Quế Võ) và Thị trấn Thứa (Lương Tài). Để mô hình đạt hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông các huyện tiến hành khảo sát, chọn các hộ có diện tích ao nằm ngoài khu dân cư và trong vùng chuyển đổi thuộc khu vực quy hoạch của địa phương, có điều kiện tự nhiên và hệ thống giao thông phục vụ sản xuất thuận lợi cho việc nuôi ếch theo yêu cầu của mô hình; tổ chức tập huấn kỹ thuật, khử trùng ao nuôi cho hộ dân xây dựng mô hình và cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi theo đúng mức hỗ trợ.

Tham quan mô hình nuôi ếch công nghiệp trong lồng lưới tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh

Tham quan mô hình nuôi ếch công nghiệp trong lồng lưới tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi ếch của gia đình, anh Chu Văn Thuỷ ở thôn Vọng Nguyệt (xã Tam Giang, Yên Phong) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi từng nuôi nhiều loại cá truyền thống nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Sau khi được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh, gia đình tôi tham gia nuôi thử nghiệm 15.000 con giống trên diện tích 300m2 lồng. Với mật độ 50 con/m2 lồng, sau 3 tháng nuôi, ếch đạt trọng lượng 300- 320g/con, tỷ lệ sống trung bình đạt 70%, sản lượng ếch đạt 3.600kg. Với giá bán hiện nay là 45.000 đồng/kg, thì thu được 162 triệu đồng, sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu lãi hơn 30 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với các loại vật nuôi truyền thống. Hơn nữa, dưới lồng ếch vẫn có thể nuôi cá bình thường mà lại không tốn nhiều thức ăn cho cá. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trong thời gian tiếp theo”.

Mô hình nuôi ếch trong lồng có ưu điểm là chi phí ban đầu thấp do không phải xây bể; tận dụng được diện tích mặt nước ao thả cá; cá có thể ăn thức ăn thừa của ếch, mỗi năm nuôi được từ 2 - 3 lứa (từ tháng 4 đến hết tháng 9 dương lịch hàng năm). Các ô lồng được đặt xung quanh bờ ao nổi trên mặt nước. Trong quá trình nuôi thường xuyên san thưa và phân cỡ để tạo độ đồng đều về kích cỡ nhằm dễ chăm sóc, hạn chế  tình trạng con lớn ăn con nhỏ, gây hao hụt về số lượng và chậm lớn. Quá trình nuôi cần chú trọng khâu cho ăn theo từng giai đoạn sinh trưởng và kịp thời phát hiện bệnh để có biện pháp xử lý hiệu quả.

Về thức ăn, các hộ đều sử dụng 100% thức ăn công nghiệp có hàm lượng Protein 25 - 40%, cho ăn với khối lượng bằng 4 - 6% khối lượng ếch trong lồng nuôi. Định kỳ 15 ngày một lần, trộn Vitamin C và B-Complex vào thức ăn cho ếch nhằm phòng bệnh và tăng sức đề kháng. Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ hơn 370C, các hộ nuôi tiến hành che mát, chống nắng nóng cho ếch bằng các biện pháp như: làm mái che bằng lưới đen trên mặt lồng cách khoảng 30 - 50cm, cho bèo tây vào, bơm nước tạo mưa làm mát cho ếch. Đặc biệt, sau mỗi đợt mưa lớn kéo dài cần sử dụng thuốc tím khử trùng lồng nuôi nhằm hạn chế bệnh đường ruột, bệnh mù mắt, xuất huyết cho ếch.

Nhận xét về mô hình nuôi ếch công nghiệp trong lồng lưới, ông Ngô Thanh Hải, Trưởng phòng Kỹ thuật Chăn nuôi - Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh cho biết: “Qua kết quả mô hình cho thấy, nuôi ếch công nghiệp trong lồng lưới có nhiều ưu điểm như tận dụng mặt nước sẵn có, dễ chăm sóc quản lý, thời gian nuôi ngắn, nhanh thu hồi vốn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và có khả năng nhân ra diện rộng. Song, khuyến cáo các hộ dân không vì thế mà phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch. Trong thời gian tới, các đơn vị chức năng cần tiếp tục chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nuôi, bởi nuôi với số lượng lớn, tập trung sẽ dễ xảy ra dịch bệnh; đồng thời, phát triển các CLB thủy đặc sản, HTX thủy sản để tập hợp các hộ sản xuất đơn lẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong chăn nuôi, hướng tới mục tiêu đa dạng nguồn hàng hoá thương phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân”.

Nguyễn Hoài
Theo Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bắc Ninh
Email
Họ tên
Nội dung

Top