Thứ 3, 25/10/2016 14:34:51 GMT+7

Cần tuân thủ lịch thời vụ thả nuôi tôm

Đánh giá bài viết

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN­PTNT) đã có khuyến cáo về lịch thời vụ đối với việc nuôi tôm, nhưng thực tế nhiều hộ nuôi vẫn không tuân thủ.

Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NN-PTNT, để giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh cũng như đảm bảo kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2016, ngay từ đầu năm, sở đã có hướng dẫn lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với tôm sú, chỉ nên nuôi 1 vụ trong năm, thời gian bắt đầu thả giống từ tháng 3 đến tháng 7-2016; đối với tôm thẻ chân trắng thả giống từ tháng 2 đến hết tháng 9. Trong quá trình nuôi, người dân cần tuân thủ các khuyến cáo về lịch thời vụ, nhất là lịch thả giống đã được hướng dẫn để tránh thiệt hại do thiên tai.

Cần tuân thủ lịch thời vụ thả nuôi tôm

Ông Nguyễn Thanh Long chăm sóc đìa tôm mới thả nuôi

Tuy vậy, vụ đông năm nay, nhiều hộ tại các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục thả giống để nuôi. Ông Nguyễn Thanh Long (hộ nuôi tôm ở vùng đìa Hà Liên, phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa) bày tỏ: “Năm nay nuôi tôm rất khó, 2 vụ nuôi chính, gia đình tôi thua lỗ mỗi vụ hơn 50 triệu đồng nên tôi vẫn thả nuôi tiếp để mong có lãi dù ngoài lịch thả tôm. Cách đây hơn 2 tuần, tôi đã thả nuôi 10 vạn con tôm giống. Những ngày qua, nghe dự báo thời tiết bão liên tục xuất hiện, tôi đứng ngồi không yên”. Ông Trần Văn Âu Lý (tổ dân phố Tân Tế, phường Ninh Hà) cho biết: “Những năm trước, mùa mưa bão không có nhiều hộ thả nuôi. Những hộ thả nuôi chỉ với số lượng ít nên thiệt hại không đáng kể. Năm nay, do 2 vụ nuôi chính đều thất bại (tôm chết vì thời tiết nắng nóng và bệnh) nên chúng tôi thả nuôi tiếp mong gỡ gạc chút ít để có tiền trả nợ và tiêu tết”.


Theo ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, trên địa bàn có 1.900ha nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ (chủ yếu là nuôi tôm). Các vụ nuôi tôm chính vụ năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên hàng trăm hec-ta ao đìa phải bỏ trống. Bước vào mùa mưa bão năm nay, các địa phương ven biển đã tăng cường phổ biến, khuyến cáo người dân tuân thủ tuyệt đối lịch thời vụ, phần lớn các hộ đều đã ngưng thả giống, tuy nhiên vẫn còn một số hộ thả nuôi với mật độ thấp, ít đầu tư, nuôi theo kiểu cầu may.


 Nông dân ở các địa phương ven biển Cam Lâm cũng thả nuôi tôm ngoài lịch thời vụ. Nhiều ao đìa mới được người dân thả giống trong khoảng 15-20 ngày nay, với mật độ thưa. Theo ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Cam Lâm, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của địa phương khoảng 377ha, trong đó có 210ha tôm (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng). Thời gian qua, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện gặp khó khăn. Lịch thả nuôi tôm nước lợ đã kết thúc từ cuối tháng 9, tuy ngành chức năng đã nhiều lần khuyến cáo, nhắc nhở người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt nhưng thực tế vẫn có một số hộ thả nuôi.


Theo ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay, Khánh Hòa có 5 vùng nuôi chính là: huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP. Nha Trang, huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh với tổng diện tích khoảng 4.000ha, trong đó tôm nước lợ vẫn là đối tượng nuôi chủ lực. Những năm trước, việc người dân không tuân thủ lịch thời vụ, thả nuôi khi thời tiết mưa bão đã bị thiệt hại nặng. Mùa mưa bão năm nay diễn biến phức tạp, để tránh thiệt hại, người dân cần chăm sóc tốt những diện tích đã thả nuôi, thu hoạch ngay khi thời tiết bất lợi. Trong quá trình nuôi cần thường xuyên kiểm tra để có biện pháp xử lý kịp thời; theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch trước khi lũ lụt xảy ra. Để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm, người nuôi cần có kế hoạch điều tiết nước. Đặc biệt, người nuôi không nên tiếp tục thả giống nuôi tôm trong mùa mưa bão…

HẢI LĂNG
Theo Báo Khánh Hòa
Email
Họ tên
Nội dung

Top