Thứ 3, 17/08/2021 15:58:30 GMT+7

Chiến lược kiểm soát bệnh đốm trắng ở tôm

Đánh giá bài viết

Bệnh đốm trắng do Virus hội chứng đốm trắng (WSSV) gây ra làm thiệt hại nặng nề cho ngành nuôi tôm trên toàn thế giới. Hiện, vẫn chưa phương pháp điều trị, bởi vậy, các giải pháp phòng bệnh là hết sức cần thiết.

An toàn sinh học trong nuôi tôm

An toàn sinh học đang được áp dụng trong nuôi tôm, có thể được định nghĩa là việc thực hành phòng trừ các tác nhân gây bệnh tại các cơ sở nuôi tôm bố mẹ, trại giống và các trang trại nuôi hoặc từ toàn bộ khu vực hoặc quốc gia với mục đích phòng bệnh (Lightner 2003).

Nuôi tôm là ngành công nghiệp hàng tỷ đô la trên toàn thế giới. Bệnh đốm trắng (WSD) gây ra bởi virus hội chứng đốm trắng (WSSV) là một mối đe dọa lớn đối với nghề nuôi tôm trong hai thập kỷ qua. Nghiên cứu và thực tế cho thấy các chiến lược để kiểm soát bệnh đốm trắng trên tôm bao gồm kiểm soát sinh học (đó là việc loại trừ tác nhân gây bệnh từ tôm bố mẹ và tôm giống trong trại sản xuất giống và trang trại nuôi tôm, không trao đổi nước, xử lý nước với chất khử trùng, sử dụng probiotic, vệ sinh dụng cụ và thiết bị), chế độ ăn uống chất lượng (sử dụng các sản phẩm bổ sung vào thức ăn có tính chất kháng virus, chất kích thích miễn dịch, peptide kháng khuẩn), quản lý thức ăn và đảm bảo điều kiện nuôi dưỡng tối ưu cho tôm nuôi.

Việc áp dụng các chiến lược này ở những trang trại nhỏ của người nuôi là khó khăn do thiếu an toàn sinh học, điều kiện nuôi dưỡng chưa tối ưu, thả giống postlarvae trôi nổi và chưa được kiểm tra. Nhiều đợt thả giống và thu hoạch không có thời gian cách ly, cho ăn không đều. Mối quan hệ của bệnh đốm trắng trên tôm và an toàn sinh học cùng các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ mặn và hệ thống canh tác, cũng được biết đến.


Kiểm soát bệnh đốm trắng trên tôm

 

Kiểm tra con giống

Một số nghiên cứu ở châu Á và các nơi khác đã đánh giá hiệu quả của hậu ấu trùng âm tính với mầm bệnh WSSV trong ao đơn thuần thâm canh (Withyachumarnkul, 1999; Peng et al., 2001) và cung cấp bằng chứng về lợi ích của việc kiểm tra con giống trước khi thả nuôi trong việc giảm thiểu các tổn thất liên quan đến bệnh đốm trắng trên tôm.

Nghiên cứu này được tiến hành với 312 người nuôi chủng tôm WSSVF (polymerase chain reaction – tested) phản ứng kiểm tra PCR không nhiễm WSSV và 324 nông dân thả giống PL chưa kiểm tra để đánh giá lợi ích của việc thả giống WSSVF PL ở các trang trại nuôi tôm ở Tây nam Bangladesh.

Nghiên cứu này cho thấy diện tích trung bình của trang trại (0,46 ± 0,29ha), mật độ thả tôm và tần suất thả giống của người sử dụng WSSVF PL thấp hơn đáng kể so với người sử dụng tôm giống chưa kiểm dịch. Các trang trại không bị ảnh hưởng dịch bệnh ít hơn hơn so với người sử dụng tôm giống chưa kiểm dịch. Tỷ lệ sống của tôm đã xét nghiệm cao hơn đáng kể, tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn và sản lượng tôm cao hơn so với tôm chưa được xét nghiệm.

Từ kết quả nghiên cứu này cho thấy việc xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi là cực kỳ quan trọng và có thể thực hiện được ở các trang trại nhỏ nhằm kiểm soát bệnh đốm trắng trên tôm.

 

Giải pháp

Để có con giống không nhiễm bệnh đốm trắng người nuôi cần lựa chọn mua giống ở các công ty uy tín và có giấy chứng nhận kiểm dịch. Nếu chưa hoàn toàn tin tưởng tôm giống không nhiễm WSSV có thể đem mẫu đến xét nghiệm tại các trung tâm xét nghiệm. Tại một số tỉnh để hỗ trợ người nuôi kiểm soát tốt chất lượng tôm giống các tỉnh đã có những trung tâm xét nghiệm tôm miễn phí cho người nuôi Chi cục Chăn nuôi – Thú Y tỉnh Kiên Giang và Trung tâm xét nghiệm của Công ty Thủy sản Toàn Cầu ở Quảng Bình.

Tuân thủ quy trình lắng lọc và xử lý nước triệt để: Nên có ao lắng để xử lý nước trước khi đưa nước vào ao nuôi, nếu không có ao lắng khi lấy nước vào ao, nước phải được lọc qua lưới dày để không cho cá tạp và những vật mang mầm bệnh vào ao. Tuân thủ đầy đủ thao tác khử trùng. Không sử dụng chung dụng cụ, thiết bị giữa các ao, Chlorine và Ozone thường được sử dụng để xử lý nước cấp. Iodine và Chlorine được sử dụng để xử lý các vật mang mầm bệnh khác như dụng cụ, giày dép và quần áo.

Giảm sự xâm nhập của virus vào ao nuôi: Hạn chế động vật vào ao tôm, nếu có điều kiện thì có thể rào lưới xung quanh và trên bề mặt ao. Nếu điều kiện kinh tế hạn chế có thể sử dụng những cắm cọc hoặc giăng dây cột bì nilon ở giữa ao để xua đuổi chim cò.

Thả tôm với mật độ vừa phải: Mật độ thả tôm phải phù hợp với hệ thống nuôi để đảm bảo điều kiện tối ưu cho tôm.

Tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho tôm: Sử dụng các sản phẩm có β-glucan 1- 3, lipopolysaccharides và peptidoglycans để bổ sung vào thức ăn tôm, bổ sung định kỳ hoặc khi thời tiết bất thường với liều lượng của nhà sản xuất.

Kiểm soát và đảm bảo điều kiện tốt cho tôm nuôi nhằm tăng khả năng kháng bệnh như các biện pháp vật lý (kiểm soát nhiệt độ, tăng cường sục khí, chế độ ăn phù hợp, loại bỏ bùn và chất hữu cơ, xử lý nước thải) để cải thiện môi trường; cùng với sử dụng hóa chất để kiểm soát pH và độ mặn, giảm hàm lượng Ammonia và nitrit để đảm bảo những chỉ tiêu này không vượt ngưỡng (Horowitz và Horowitz, 2003).

Lựa chọn mô hình nuôi thích hợp: Những mô hình nuôi tôm siêu thâm canh hoàn toàn khép kín cần chi phí đầu tư cao và kỹ thuật quản lý tốt, không thích hợp với điều kiện kinh tế ở nước ta. Do đó, những mô hình nuôi ghép vừa đảm bảo phù hợp kinh tế và quản lý cũng mang lại hiệu quả cao như: mô hình nuôi ghép tôm sú với cá đối, cá trắm cỏ; tôm ghép cá rô phi; tôm ghép cá đối mục hay tôm ghép cá măng…

Thanh Hiếu
Email
Họ tên
Nội dung

Top