Công nghệ mới xử lý nước nuôi tôm
Đánh giá bài viết(Contom.vn) - Trong điều kiện môi trường, đặc biệt là nguồn nước ngày càng ô nhiễm, việc áp dụng công nghệ cao trong xử lý nước để nuôi tôm là giải pháp cấp thiết giúp nâng cao hiệu quả vụ nuôi.
Sự cần thiết
Những năm gần đây, nghề nuôi tôm nước lợ phải đối phó với tình trạng dịch bệnh ngày càng tăng, vì vậy, để được vụ tôm thắng lợi là vô cùng khó khăn. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là việc đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm nước lợ chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là khâu xử lý nước đầu vào. Hiện, vẫn có nhiều cơ sở, hộ nuôi chưa đầu tư ao lắng xử lý nước.
Lợi ích quan trọng nhất của việc sử dụng ao lắng trong nuôi tôm đúng kỹ thuật là tiêu diệt được tuyệt đối các loại giáp xác, các loại sinh vật ký sinh gây hại như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… Ao lắng còn có tác dụng lắng tụ các chất độc hại lơ lửng hay hòa tan trong nước để đảm bảo khi cho nước cấp vào ao nuôi được ổn định, an toàn, ngăn ngừa được các loại dịch bệnh nguy hiểm nhờ các loại vi khuẩn có lợi, rong tảo, các giá thể tự nhiên.
Phương pháp thiết kế
Hiện, thông thường các hộ nuôi lấy nước vào ao lắng, xử lý hóa chất và để khoảng 10 - 20 ngày trước khi đưa vào nuôi. Cách làm này khá đơn giản và cần thời gian để chờ nước sạch. Nhằm nâng cao chất lượng nước, anh Hồ Đình Nhiệm, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã thử nghiệm phương pháp mới xử lý nước trước khi cho vào ao nuôi. Cụ thể, với cách làm này, thay vì bơm nước đầy vào ao lắng thì anh đã tháo cạn nước trong ao và dựng thành nhiều ô vuông có diện tích khác nhau. Các ô vuông được ngăn cách với nhau bằng một lớp lưới dày, đáy được lót bạt đen, cọc tre được sử dụng để cố định. Nước từ nguồn cấp sẽ đi qua ô “zíc zắc” có diện tích rộng nhất, được lọc qua lớp lưới dày và tỏa ra các ô lọc khác. Khi đó, các loại chất bẩn, cặn bã sẽ bám lại ở màng lưới. Khi đến ô lọc cuối cùng sẽ cho nguồn nước sạch để cấp thẳng vào ao nuôi.
Hiệu quả
Khi áp dụng công nghệ này, người nuôi có thể sử dụng nguồn nước sạch bất cứ khi nào nếu cần thiết, đặc biệt trong những trường hợp điều kiện thời tiết nắng nóng, vi khuẩn phát sinh hoặc nhiệt độ môi trường thay đổi. Đặc biệt, ngoài chủ động nguồn nước sạch cấp vào ao nuôi, sử dụng công nghệ này còn giúp môi trường nước luôn ổn định, giúp con tôm thích nghi tốt, không bị sốc nhiệt và sẽ kiểm soát được các loại dịch bệnh ở tôm. Hiện, ngoài phương pháp này, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu cũng đã có nhiều hộ dân đầu tư hàng tỷ đồng lắp đường ống lấy nước từ biển về nuôi tôm; hoặc xây dựng thêm nhiều ao chứa để lọc bớt chất thải, cặn bã. Những cách làm này đang mang lại kết quả cao và là hướng đi bền vững cho người nuôi.
Nguyễn An (Tổng hợp)
Các tin mới nhất
Các tin cũ cùng mục
- Màu nước ao nuôi: Nhân tố tác động và giải pháp (22/11/2019)
- Giải pháp phòng trừ dịch bệnh trên tôm(01/11/2019)
- Một số biện pháp phòng, chống bệnh vi bào tử trùng trên tôm nuôi nước lợ(25/10/2019)
- Bệnh đốm trắng trên tôm(25/10/2019)
- Phân tích các yếu tố đầu vào mô hình nuôi tôm thẻ ao đất và ao bạt/bể bạt(18/10/2019)
- Ảnh hưởng của thay đổi độ mặn đến tăng trưởng tôm sú giống(15/10/2019)
- Ứng dụng công nghệ sinh học không dùng kháng sinh, hóa chất trong nuôi tôm(25/09/2019)
- Tôm nước lợ với nỗi lo EHP và đốm trắng(23/09/2019)
Bình luận bài viết