Thứ 5, 14/07/2022 10:47:33 GMT+7

Giải quyết thách thức về thức ăn và di truyền trên tôm

Đánh giá bài viết

(Contom.vn) - Theo các chuyên gia hàng đầu ngành tôm Ronnie Tan, Johan Brouwer và Willem van der Pijl, hiện có rất nhiều cách để cải thiện thức ăn và di truyền trên tôm.

Thách thức chính trong ngành thức ăn

Ông Ronnie Tan, trưởng nhóm NTTS tại Hội đồng ngũ cốc Mỹ, cho biết: “Thách thức cấp bách nhất hiện nay là chi phí nguyên liệu thức ăn cao, giá thức ăn cho tôm ở châu Á đã tăng 7% vào năm 2021 và tính đến thời điểm hiện tại, năm 2022, chúng đã tăng thêm 3%. Đây là điều khó khăn do giá bán không tăng song song, nên tỷ suất lợi nhuận bị ép. Và có thể người nuôi không có lãi dẫn đến bỏ vụ. Thứ hai là liên quan đến tính bền vững. Lần đầu tiên tôi thấy ESG đi ngược dòng và xem xét các thành phần thức ăn chăn nuôi”.

Với thách thức thứ ba, ông cho biết nó liên quan đến các giá trị của các thành phần khác nhau - đó là “liệu ​​tất cả các thành phần thức ăn chăn nuôi có được tạo ra như nhau hay không”. “Trong khi giá ngô và đậu tương có thể sẽ giảm thì cuộc chiến ở Ukraine đã làm tăng giá lúa mì. Thức ăn cho tôm sử dụng khá nhiều lúa mì, nếu loại bỏ thành phần thức ăn này thì sao?”, ông Tan đặt câu hỏi.


Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thông thường tăng cao tạo ra cơ hội cho các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thay thế. Ảnh: TFS

Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào tăng có thể là tin xấu cho cả người nuôi và người tiêu dùng tôm, nhưng cũng có thể mang lại một cơ hội khác. “Tôi dự đoán chi phí nguyên liệu thức ăn nuôi tôm truyền thống sẽ lại giảm xuống, nhưng việc tăng giá này cũng có tác dụng phụ tích cực, bởi vì hiện nay các nhà xay xát sẵn sàng tìm kiếm các nguyên liệu thức ăn thay thế hơn và các nguồn nguyên liệu này cũng tốt hơn. Tất cả các ngành đều bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá, nhưng các nguyên liệu mới ít bị ảnh hưởng hơn. Ví dụ, hiện nay có rất ít chênh lệch về giá giữa dầu tảo và dầu cá”, ông Brouwer, Giám đốc phát triển kinh doanh quốc tế tại Veramaris, cho biết.

Ông Brouwer cũng chỉ ra các thử nghiệm đã đưa ra một số thành phần mới có ích liên quan đến năng suất, hiệu suất và tỷ lệ tử vong thấp hơn. “Mỗi thành phần thức ăn đều có điểm mạnh và điểm yếu và mỗi thành phần đều có vị trí trong công thức thức ăn cho tôm. Mặc dù bột cá vẫn là tiêu chuẩn, nhưng chúng tôi không khẳng định loại này phải thay thế loại khác. Với nhu cầu ngày càng tăng về thức ăn cho tôm, tất cả đều có chỗ đứng”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khi nói đến các thành phần mới - đặc biệt là các thành phần protein mới nổi như bột côn trùng và protein đơn bào, ông Tan cho biết vẫn còn quá sớm để nhận định loại nào sẽ thành công nhất.

 

Thức ăn chức năng

Ông Tan chia sẻ: “Thức ăn chức năng là quan trọng đối với ngành tôm. Nếu nhìn vào thức ăn cho cá hồi hiện nay, thức ăn chức năng đóng một vai trò lớn trong việc ngăn ngừa bệnh tật và đây là thứ mà chúng ta còn thiếu đối với thức ăn cho tôm. Thậm chí còn rất quan trọng vì tôm có hệ thống miễn dịch đơn giản và người nuôi không thể tiêm vaccine hay là điều trị bởi vì ngay sau khi tôm bị bệnh, chúng sẽ không ăn. Do đó, khả năng miễn dịch được cải thiện phải thông qua thức ăn chức năng”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh thêm rằng người nuôi cũng cần cảnh giác với những lợi ích mà các nhà cung cấp thức ăn chức năng tuyên bố.


Nhiều nhà sản xuất tôm ở châu Á được cho là chậm chạp trong việc áp dụng máy cho ăn tự động. Ảnh: eFishery

Về thời điểm triển khai các loại thức ăn như vậy, đa phần đều cho rằng giai đoạn tôm giống là tốt nhất. “Giai đoạn ương là quan trọng nhất. Ngay sau khi tôm đạt giai đoạn hậu ấu trùng, khoảng 21 ngày sau khi nở, chúng phải được cho ăn một số loại thức ăn chức năng để tăng cường hệ miễn dịch”, ông Tan nói.

 

Ứng dụng công nghệ

Cũng như các thành phần thức ăn, các công nghệ được sử dụng để tạo ra thức ăn - và cung cấp chúng với khối lượng chính xác cho tôm - cũng là vấn đề nóng hổi. “Chúng ta đang có xu hướng cho ăn quá mức, dẫn đến lãng phí thức ăn, ô nhiễm từ thức ăn thừa trong ao và biến thành bùn, là nơi trú ẩn của vi sinh vật và vi khuẩn”, ông Tan nói. Nhiều người trong ngành tin rằng những vấn đề này sẽ được giảm bớt nhờ sự ra đời của các hệ thống cho ăn với công nghệ tiên tiến (thường là tự động) có khả năng tối ưu hóa thời gian và khối lượng cho ăn.

“Việc sử dụng máy cho ăn có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là những máy có cảm biến có thể phát hiện ra sự thèm ăn của tôm. Nhưng rất rõ ràng việc áp dụng sẽ được thúc đẩy như thế nào? Ở Ecuador, việc thâm canh đã được thúc đẩy bởi di truyền, thay nước tốt hơn, máy bơm tốt hơn và cho ăn thông minh, tự động. Điều này thành công bởi tất cả các công ty thức ăn chăn nuôi hợp tác với các nhà cung cấp máy cho ăn, để đảm bảo người nuôi không chỉ chuyển từ thức ăn viên sang thức ăn ép đùn mà còn bắt đầu sử dụng máy móc để giảm lãng phí thức ăn, cải thiện tốc độ tăng trưởng và đảm bảo thức ăn đến được tôm ở đúng lúc”, ông van der Pijl cho biết.

Trong khi đó, ở châu Á, việc sử dụng máy cho ăn còn chưa phổ biến do các yếu tố như tính chất manh mún của ngành tôm và nguồn cung lao động rẻ, khiến việc thuyết phục nông dân trả thêm chi phí cho các máy cho ăn này khó hơn.

 

Di truyền trên tôm

Giống như thức ăn, đây cũng là một lĩnh vực cần cải thiện. Ở châu Á, các chương trình nuôi tập trung vào tăng trưởng đến mức tôm trở nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi các thách thức về dịch bệnh.

Ông Tan cho biết: “Nếu chọn những đặc điểm tăng trưởng, tôm sẽ mất sức đề kháng, và điều này đã được chứng minh ở châu Á - nơi có tốc độ tăng trưởng rất nhanh nhưng sức khỏe tôm kém. Ecuador và Mỹ Latinh đã đi theo hướng khác, họ không bận tâm về tăng trưởng và thả nuôi ở mật độ thấp, do đó họ có tôm khỏe hơn nhiều, vì chúng tự nhiên và chưa được chọn lọc về mặt di truyền”.

Ông Van der Pijl cũng thông tin: “Trong ngắn hạn, vẫn còn rất nhiều cách có thể thực hiện với các chương trình tuyển chọn hàng loạt, sử dụng các phương tiện DNA thông lượng cao, xác định những con có hiệu suất tốt nhất và bố mẹ của chúng, đồng thời tạo ra thế hệ tiếp theo. Ngoài ra, các công ty khác cũng tập trung vào các kỹ thuật di truyền tiên tiến như bộ gen, cố gắng xác định những bộ gen giúp tôm phát triển nhanh hơn hoặc hoạt động tốt hơn. Cả 2 giải pháp đều đang được sử dụng và tạo ra những bước tiến lớn trong việc cải thiện hiệu suất so với tôm hiện nay”.

Ngoài ra, những thay đổi về địa lý và số lượng liên quan đến các công ty cung cấp tôm bố mẹ cũng là giải pháp. “Hiện 90% tôm bố mẹ được sử dụng ở châu Á có nguồn gốc từ các công ty có trung tâm nhân giống tại các địa điểm an toàn sinh học ở Mỹ. Nhưng tôi nghĩ rằng trong 3 - 5 năm qua, chúng ta đã thấy một sự thay đổi - được thúc đẩy bởi những thách thức logistics hiện nay - theo hướng chuyển một phần sản xuất đến gần hơn với khách hàng, bằng cách thành lập các trung tâm nhân giống tôm bố mẹ ở các nước như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Điều này nghĩa là con giống sẽ tiếp cận gần hơn với người nuôi tôm”, ông van der Pijl cho biết.

Tường Vy

Theo TFS

Email
Họ tên
Nội dung

Top