Thứ 5, 22/05/2014 09:55:44 GMT+7

Lưu ý khi nuôi tôm - rừng

Đánh giá bài viết

(Contom.vn) - Nuôi tôm - rừng thường có hai mô hình là mô hình rừng - tôm tách biệt và nuôi kết hợp. Để đạt hiệu quả khi nuôi, cần chú ý một số khâu kỹ thuật sau.

Chuẩn bị ao

Nuôi tôm rừng với diện tích lớn nên chia làm 3 loại: ao lắng; ao chứa; ao nuôi.

Ao nuôi: diện tích 3.000 - 5.000 m2; độ sâu 0,8 - 1 m.

Ao chứa: diện tích ao chứa lớn hơn 50% ao nuôi; độ sâu 0,6 m.

Ao lắng: Diện tích là phần còn lại của vuông nuôi, độ sâu khoảng 0,6 m.

Vệ sinh ao: Sên vét bớt lớp bùn đáy của ao nuôi, ao lắng và ao chứa ra ngoài trước mỗi vụ nuôi.

Bón vôi và phơi đáy: Với mô hình rừng - tôm tách biệt thì cần tháo cạn nước, hoặc có thể dùng máy bơm để bơm cạn.

Dùng vôi CaO liều lượng 50 - 70 kg/1.000 m2; hoặc vôi CaCO3 100 - 150 kg/1.000 m2.

Sau khi bón vôi thì tiến hành phơi đáy 10 - 15 ngày trước khi đưa nước vào ao nuôi.

 

Nuôi tôm - rừng đem lại hiệu quả bền vững - Ảnh: Thanh Nhã

Cấp nước cho hệ thống

Đây là một trong những khâu quan trọng bởi chất lượng nước quyết định nhiều đến chất lượng vụ nuôi sau này.

Cấp nước vào ao lắng: Tránh lấy nước bị nhiễm bẩn hay quá đục. Không lấy nước từ các vuông khác hoặc kênh thoát mới xả ra.

Vào kỳ con nước thủy triều, khi nước bắt đầu ròng thì mới lấy nước vào vuông nuôi.

Dùng tấm vỉ bằng lưới có lỗ nhỏ đặt ở miệng cống để ngăn cá vào.

Nước sau khi lắng ở ao 3 ngày thì cấp vào ao chứa. Sau đó cấp đầy nước tiếp  vào ao nuôi.

Cấp nước vào ao chứa: Dùng tấm vỉ bằng lưới mịn để ngăn tôm tự nhiên và các loài thủy sản khác vào ao chứa. Tiếp tục lắng nước ở ao chứa 3 ngày rồi cấp vào ao nuôi.

Cấp nước vào ao nuôi: Lấy nước vào ao nuôi đạt độ sâu 0,7 m. Nếu ao chứa không đủ nước thì tiếp tục lắng ở ao lắng rồi đưa vào ao chứa, sau đó cấp vào ao nuôi.

Duy trì mực nước cân bằng giữa 3 ao: ao chứa, ao lắng và ao nuôi. Nước cấp từ ao lắng vào ao nuôi phải được lọc qua túi lọc để ngăn địch hại.

 

Diệt tạp và gây màu nước

Diệt tạp:

Giữ mực nước cao để diệt các loại cá. Dùng hai chất thông thường để diệt cá: Rễ dây thuốc cá dùng 7 - 10 kg/1.000 m3.

Saponin: Dùng 10 - 15 kg/1.000 m3

Gây màu nước:

Sau khi diệt cá tạp khoảng 2 ngày thì tiến hành gây màu nước nếu độ trong nước lớn hơn 40 cm.

Loại phân dùng là N:P:K = 20:20:0

Liều dùng 1 - 2 kg/1.000 m3.

Cách dùng:

Hòa tan phân với nước rồi tạt đều khắp mặt ao vào lúc trời nắng. Lưu ý: Không rải cả hạt phân xuống ao vì hạt phân sẽ chìm và làm cho tảo đáy phát triển.

Sau khi gây màu nước có màu vàng nâu, độ trong 30 - 35 cm thì có thể thả giống.

 

Chọn và thả giống

Chọn tôm giống cỡ Post 15 có chiều dài lớn hơn 1,3 cm. Tôm sáng bóng, đồng đều, không bị dị hình, bệnh tật.

Kiểm tra giống: Thả 100 tôm Post vào chậu với 10 lít nước. Sau đó cho 2 cc dung dịch formol vào chậu. Để tôm Post trong 60 phút, không sục khí. Đếm lại tôm Post, nếu tỷ lệ chết < 5 con là tôm tốt.  

>> Quản lý dịch bệnh đối với nuôi tôm rừng là rất khó vì thả tôm với mật độ thấp, diện tích lớn. Không thể dựa vào các phương pháp xử lý bằng thuốc và hóa chất mà nên vận dụng tốt quy trình sinh học và cơ học vốn có trong ao nuôi tôm - rừng. Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tốt nhất là: Cải tại ao đầm nuôi đúng kỹ thuật; Chọn và thả giống chất lượng tốt; Thường xuyên thay đổi nước trong ao...

Đoàn Quân

>> “7 biết” dành cho người nuôi tôm sú

Tôm sú sẽ khó nuôi đối với những người mới nuôi và còn ít kinh nghiệm. Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh đã biên soạn cuốn sách "Cẩm nang Bảy (7) biết dành cho người nuôi tôm sú". Qua 3 phần của cuốn sách sẽ giúp người nuôi biết cách thiết kế, cải tạo ao, thả giống, chăm sóc và quản lý ao nuôi tôm sú một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, kỹ thuật nuôi tôm sú trên ruộng lúa sẽ giúp cho nhiều người có thể nuôi đối tượng này mà không đòi hỏi nhiều đầu tư và kinh phí.

Phần phụ lục của cuốn sách với những hướng dẫn về chỉ tiêu an toàn cho vùng nuôi tôm công nghiệp, hóa chất chủ yếu dùng trong tôm sú sẽ giúp người nuôi tạo ra sản phẩm tôm sú có chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuấn Tú

Email
Họ tên
Nội dung

Top