Mơ về tôm giống “made in Vietnam”
Đánh giá bài viết(Contom.vn) - Mỗi năm, Việt Nam cần 130 tỷ con tôm giống (100 tỷ TTCT và 30 tỷ tôm sú). Để đáp ứng được nhu cầu này, thị trường cần 230.000 con tôm bố mẹ. Bộ NN&PTNT đặt kỳ vọng, cơ bản sẽ chủ động nguồn tôm giống bố mẹ do Việt Nam sản xuất đáp ứng được điều kiện vào năm 2020.
Nhân viên của trang trại Seafarms (Australia) kiểm tra tôm bố mẹ tại trại Ảnh: Thewest
Phụ thuộc nhập khẩu
Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2017, cả nước có hơn 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ với sản lượng ước hơn 100 tỷ con; trong đó, 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú và khoảng 561 cơ sở sản xuất giống TTCT. Lượng tôm giống sản xuất trong nước cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi tôm của cả nước. Song có một nghịch lý đang diễn ra là Việt Nam chưa chủ động được nguồn tôm bố mẹ, phần lớn phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Và dù Việt Nam đang cố gắng đẩy nhanh quá trình gia hóa tôm bố mẹ nhưng vẫn đi chậm hơn Mỹ và Thái Lan 15 - 20 năm.
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản thừa nhận, trong những năm trở lại đây, thị trường tôm giống sôi động và tăng trưởng rất nhanh. Công suất của các cơ sở sản xuất tôm giống về cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi. Tuy nhiên, với TTCT bố mẹ, trên 90% vẫn đang phải phụ thuộc giống nhập ngoại; còn tôm sú bố mẹ phụ thuộc nhiều vào nguồn đánh bắt tự nhiên. Có một số nhà cung cấp ra tôm bố mẹ đã được gia hóa, tuy nhiên nguồn tôm hậu bị cũng là nhập từ nước ngoài về.
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, năm 2017, Việt Nam nhập khẩu gần 200.000 con TTCT bố mẹ từ các nguồn cung chủ yếu trên thế giới như: Mỹ, Singapore, Thái Lan… Đối với tôm sú bố mẹ, sản xuất trong nước khoảng 12.000 con (chủ yếu từ Công ty Moana) và khai thác tự nhiên là 18.000 con. Tuy nhiên, cả nguồn nhập khẩu và khai thác tự nhiên đều có những khó khăn nhất định do không chủ động được nguồn cung, giá thành nhập tương đối cao đối, trung bình 50 - 70 USD/con; còn nguồn khai thác tự nhiên thì khả năng nhiễm bệnh cao, chưa kể đến tình trạng “khai thác tôm bố mẹ quá sức” khiến chất lượng tôm giống ngày càng kém đi.
Giấc mơ gần hay xa?
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, về mặt quản lý và khoa học, ngành tôm có thể trở thành ngành mũi nhọn của đất nước với kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025. Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ cho thấy, tương lai phát triển ngành tôm sẽ rất rộng mở. Song theo các chuyên gia, để tận dụng được những lợi thế này, việc đầu tiên ngành tôm cần làm là giải “bài toán” cung ứng giống đang còn nhiều hạn chế, giá thành tôm giống hiện còn cao hơn so các nước trong khu vực, chưa kể xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nước có tác động bất lợi cho tôm Việt Nam.
Để tăng cường hơn nữa việc sản xuất tôm giống, thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu, Phó Tổng cục trưởng Luân cho rằng: “Đối với việc chọn tạo và chủ động tôm bố mẹ, chúng ta cần một thời gian khép kín vòng đời và chủ động được tôm bố mẹ. Trước mắt phải làm song song cả hai, một mặt kiểm soát tốt tôm nhập về đảm bảo chất lượng; mặt khác tiếp tục đầu tư nghiên cứu, động viên doanh nghiệp cùng với Nhà nước nghiên cứu để chủ động được con tôm bố mẹ”.
Cách đây 2 - 3 năm, Bộ NN&PTNT nhận thấy, việc chủ động phát triển nguồn tôm bố mẹ trong nước là hết sức quan trọng. Vì vậy Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển tôm nước lợ. Hiện, ngoài các đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ thì Bộ cũng đã tạo điều kiện hợp tác và tạo những giải pháp rất thuận lợi để các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam tham gia vào nghiên cứu và chọn tạo.
Vừa qua, Tập đoàn Việt - Úc công bố đã nghiên cứu, gia hóa và sản xuất tôm bố mẹ thành công. Tập đoàn Việt - Úc đã chọn giống được đến thế hệ G7 với tốc độ tăng trưởng bình quân tốt hơn thế hệ G0 là 48%. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, những thành công của Việt - Úc, nhất là trong nghiên cứu, chọn tạo con giống bố mẹ có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành tôm Việt Nam. Bởi, trong chiến lược phát triển ngành thủy sản cũng như tái cơ cấu nông nghiệp đã xác định tôm là sản phẩm chiến lược, có nhiều lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang triển khai 2 nhiệm vụ quan trọng là “Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025” và “Đề án phát triển sản phẩm quốc gia tôm nước lợ”. Mục tiêu đến 2025, diện tích nuôi đạt 750.000 ha, sản lượng 1,1 triệu tấn; xuất khẩu sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD, trong đó tôm nước lợ 8 tỷ USD. Để đạt mục tiêu đó, đến 2025, cần 500.000 - 600.000 tôm bố mẹ/năm (100.000 tôm sú, 400.000 - 500.000 TTCT) để sản xuất ra 300 - 400 tỷ con tôm giống. Tuy nhiên, hiện nay, về tôm sú bố mẹ, mới chỉ có Công ty Moana sản xuất được 12.000 - 15.000 con/năm, còn lại là khai thác tự nhiên và nhập khẩu. Về TTCT bố mẹ, mới chỉ có 3 đơn vị được công nhận giống thủy sản mới là Tập đoàn Việt - Úc, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I và III, sản lượng 20.000 - 25.000 con/năm.
Vì vậy, nghiên cứu chọn tạo, gia hóa và sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách. Chúng ta đang cần nguồn tôm sú giống tăng trưởng nhanh, thích nghi và kháng bệnh tốt, có sức chống chịu cao để phục vụ vùng nuôi quảng canh rộng lớn trên 600.000 ha. Đồng thời, cần nhanh chóng chủ động sản xuất TTCT sạch bệnh, tăng trưởng nhanh để cung cấp cho nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao nhằm tạo sản lượng lớn, đáp ứng yêu cầu khắt khe về kiểm dịch, an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu. Hy vọng từ nay đến năm 2020, Việt Nam có thể chủ động được phần lớn giống tôm bố mẹ như kỳ vọng đặt ra.
>> Ông Lê Anh Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty N.G Vietnam: “Tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc quyết liệt của Bộ NN&PTNT thời gian qua. Bộ đã đưa ra được nhiều chương trình, giải pháp thiết thực, cải thiện nuôi trồng nói chung và thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD đến năm 2025. Các giải pháp của Bộ đã bao trùm được nguyện vọng của người dân cũng như doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta cần đẩy nhanh quá trình chọn tạo tôm bố mẹ tại Việt Nam”. |
Các tin mới nhất
Các tin cũ cùng mục
- Triển vọng từ chọn tạo thành công tôm bố mẹ(29/01/2018)
- Đột phá giống thủy sản(29/12/2017)
- Đột phá giống tôm kháng bệnh cho thị trường châu Á(15/12/2017)
- Trăn trở sản xuất giống tôm hùm(15/12/2017)
- Nâng chất lượng tôm giống từ cộng đồng(21/11/2017)
- Tôm giống bố mẹ: Không phụ thuộc ngoại nhập(07/09/2017)
- Nhật Bản: “Ông tổ” nghề sản xuất tôm giống(01/09/2017)
- Nỗi lo tôm giống (01/09/2017)
Bình luận bài viết