Thứ 6, 11/09/2015 09:13:59 GMT+7

Quy trình nuôi tôm vi sinh

Đánh giá bài viết

(Contom.vn) - Người nuôi tôm đang phải đối diện ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, chất lượng tôm giống và diễn biến thời tiết bất thường. Phương pháp nuôi tôm vi sinh sẽ giúp quản lý dễ hơn, rủi ro thấp nhưng lợi nhuận cao.

Chuẩn bị ao nuôi

Tháo cạn nước ao nuôi và ao chứa, loại bỏ địch hại có trong ao, vét bùn đáy ao. Sau đó bón vôi bột nông nghiệp liều lượng tùy theo pH của đất, cụ thể:


Sau đó phơi đáy ao 20 - 30 ngày. Với những ao không được phơi đáy, bơm cạn nước tối đa có thể, dùng máy cào chất thải về góc ao, bơm chất thải ra ngoài, sau đó bón vôi với liều lượng như bảng trên.

Lấy nước vào ao chứa qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ rác, ấu trùng, tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp, để ổn định 3 - 7 ngày. Chạy quạt nước liên tục 2 - 3 ngày để kích thích trứng tôm, ốc, côn trùng, cá tạp nở thành ấu trùng. Diệt tạp, diệt khuẩn nước cấp trong ao chứa vào khoảng 8 giờ hoặc 16 giờ hằng ngày, bằng một số hóa chất (Chlorine, thuốc tím, BKC hoặc Iodine) theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau đó lấy nước vào ao nuôi qua túi lọc.

Sử dụng chế phẩm vi sinh của các công ty có uy tín, nguồn gốc rõ ràng (như TA-GOLD, Rhodo powder, Pro BCS....) ủ với cám gạo, mật đường, bột đậu nành... trước khi tạt vào ao nuôi để gây màu nước. Kết hợp với đánh vôi Dolomite + CaCO3 liều lượng 20 kg/1.000 m3 để ổn định môi trường ao nuôi. Kiểm tra và điều chỉnh các yếu tố môi trường nước ao nuôi đảm bảo trong ngưỡng thích hợp trước khi thả giống.

Bón vôi cải tạo đáy ao nuôi - Ảnh: Vũ Mưa

 

Chọn và thả giống

Tôm giống phải đạt cỡ (1,2 - 1,5 cm), sau khi chọn lọc bằng cảm quan. Các yếu tố môi trường đạt rồi thì tiếp tục mang mẫu tôm đi xét nghiệm các bệnh đốm trắng, đầu vàng và MBV bằng phương pháp PCR hoặc mô học.

Mật độ thả tôm sú 20 - 30 con/m2, tôm thẻ chân trắng 40 - 80 con/m2.

Tôm giống phải được thuần nhiệt độ, độ mặn và pH phù hợp nước ao nuôi. Thả tôm xuôi theo gió, nhiệt độ nước thích hợp nhất để thả tôm là 26 - 280C.

 

Chăm sóc, quản lý

Trong 2 tháng đầu nên cấy một trong số các loại vi sinh (Eco Pro, BIO POWER, Super VS, CP Bio plus, enzyme HN) định kỳ 10 - 15 ngày/lần. Từ tháng nuôi thứ 3, xử lý vi sinh định kỳ 20 - 25 ngày/lần . Cách sử dụng vi sinh hiệu quả là phải biết nhìn màu nước để biết cách sử dụng liều lượng và có thể rút ngắn thời gian xử lý để có hiệu quả nhất. Định kỳ mang mẫu nước đi xét nghiệm tảo và vi khuẩn trong ao làm cơ sở cho việc sử dụng vi sinh. Nhờ xét nghiệm mẫu nước, ta còn có thể biết được vi sinh đang sử dụng có hiệu quả hay không, vì hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm vi sinh giả.

Đảm bảo ôxy hòa tan trong nước luôn > 4 ppm. Duy trì pH 7,5 - 8,5. Đồng thời dùng vôi với lượng 25 kg/1.000 m2 để điều chỉnh độ kiềm trong khoảng 70 - 120 ppm và độ trong 25 - 40 cm.

Trong quá trình nuôi, nếu gặp trường hợp tảo tàn đột ngột, nhiệt độ tăng cao, tôm lột xác đồng loạt, cần tăng cường chạy quạt, giảm thức ăn và dùng vôi kết hợp vi sinh để ổn định môi trường nước. Định kỳ 7 - 10 ngày, lấy nước tầng đáy kiểm tra chất lượng.

Khi pH > 8,5, khắc phục bằng cách sử dụng mật đường với lượng 3 kg/1.000 m3 kết hợp sử dụng vi sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Định kỳ 10 ngày/lần bón vôi nông nghiệp CaCO3 lúc 20 - 21 giờ với liều 10 - 20 kg/1.000 m3 tùy theo độ pH và tiến hành cấy vi sinh vào 11 - 12 giờ trưa hôm sau theo hướng dẫn của nhà sản xuất để làm sạch môi trường.

 

Thức ăn và cách cho ăn

Tôm có khuynh hướng ăn ở những nơi được làm sạch bằng quạt nước, vì vậy cho ăn xung quanh vị trí ao được quạt nước làm sạch, tránh rải thức ăn vào nơi dơ bẩn. Việc sử dụng sàng ăn rất quan trọng để kiểm tra tình trạng tôm sử dụng thức ăn. Sàng ăn nên đặt sát đáy ao, nơi sạch sẽ và hơi xa bờ ao. Cho tôm ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng cần phải điều chỉnh tăng hoặc giảm theo chu kỳ lột vỏ, theo môi trường nước và đặc biệt là theo sức khỏe tôm. Phải điều chỉnh thời gian thăm nhá và lượng thức ăn bỏ vào nhá hợp lý theo từng thời điểm môi trường và theo trọng lượng thân. Điều chỉnh thức ăn trong ngày qua theo dõi lượng thức ăn thừa trên sàng ăn. Có thể phối trộn sản phẩm bổ sung như men tiêu hóa (T-Food, Sitto), khoáng chất, Vitamin C… vào thức ăn.

Phối trộn Vitamin C vào thức ăn cho tôm 1 - 2 lần/ngày với lượng 30 mg/kg thức ăn; nếu tôm có hiện tượng hơi yếu, một số con bị cong thân, có thể tăng gấp đôi.

Trộn men tiêu hóa cho tôm nuôi 2 lần/ngày, mỗi lần 3 - 5 g/kg thức ăn.

Ngoài ra định kỳ 10 ngày/lần, mỗi lần liên tục 3 - 5 ngày, dùng thảo dược có tác dụng giúp giải độc gan, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Trong thời gian nuôi, từ 20 đến 60 ngày tuổi có thể bổ sung thuốc bổ, thuốc đường ruột, trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.

Chuyển đổi loại thức ăn phù hợp theo giai đoạn phát triển, cỡ miệng tôm và nhu cầu dinh dưỡng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi chuyển đổi thức ăn, nên trộn lẫn 2 loại thức ăn cũ và mới, cho ăn ít nhất 3 ngày.

>> Mô hình nuôi tôm vi sinh là cơ sở để xuất bán được tôm sạch, kích cỡ lớn, giúp nâng cao hiệu quả nuôi.

Nhật Minh
Email
Họ tên
Nội dung

Top