Thứ 6, 28/06/2019 16:37:55 GMT+7

Sử dụng muối trong nuôi trồng thủy sản

Đánh giá bài viết

(Contom.vn) - Muối thông thường (sodium chloride - NaCl) có sẵn ở nhiều nơi, an toàn cho cá và người sử dụng, đặc biệt, muối có chi phí khá rẻ. Chính nhờ vậy mà muối được sử dụng rộng rãi trong xử lý thủy sản nước ngọt.


Sử dụng muối điều trị bệnh trên cá nước ngọt

Điều trị bệnh

Thực tiễn những năm qua, việc sử dụng muối điều trị bệnh trên cá nước ngọt không còn lạ với người nuôi. Ở một điều kiện nhất định, với nồng độ muối thích hợp có thể kiểm soát hiệu quả các sinh vật đơn bào trong mang và da cá. Tác động của muối đối với cá nước ngọt phụ thuộc vào nồng độ và thời gian tắm muối. Đối với ký sinh trùng, có thể tắm muối cho cá ở nồng độ 20 - 30 g/l (20 - 30‰) trong vòng 10 - 30 phút (hoặc cho đến khi cá bắt đầu mất thăng bằng). Nếu cá bị nhiễm nặng, có thể xử lý lặp lại trong vòng 1 - 2 ngày. Thông thường, đối với những ký sinh trùng khó trị, nên tắm 3 - 4 lần mới có tác dụng.

Đối với lồng bè: Khi nuôi cá trong lồng có thể tích nhỏ thì có thể bao xung quanh lồng bằng tấm nhựa. Sục khí để duy trì hàm lượng ôxy hòa tan thích hợp trong suốt quá trình xử lý. Có thể chọn tắm nhanh cho cá (20 - 30‰ muối trong 10 - 30 phút), hoặc tắm lâu (10 - 15‰, trong 6 - 12 giờ).

Đối với cá cảnh, cá bố mẹ: Đây là những loài cá có giá trị lớn, trước hết cần thu và di chuyển chúng đến một bể, rồi xử lý nhanh trong bể đó.

Ở những ao nhỏ: Có thể tập trung cá lại bằng lưới kéo vào một góc cuối ao, giới hạn khu vực xử lý khoảng 10% diện tích ao bằng cách đặt một tấm nhựa PVC ngay bên dưới tấm lưới. Thể tích của khu vực xử lý nên được ước lượng, lượng muối phải đạt tối thiểu 10‰, duy trì trong 8 - 12 giờ. Phải có máy sục khí và hàm lượng ôxy hòa tan cần được giám sát thường xuyên trong suốt quá trình xử lý. Khi xử lý xong, mở tấm nhựa và lưới để cá thoát ra ngoài, khi đó, muối được pha loãng vào ao.

Ngoài tác dụng trị ký sinh trùng, muối còn có khả năng kiểm soát trứng cá bị nhiễm nấm bằng cách tắm nước muối 20 - 30‰ trong thời gian 10 - 15 phút. Trong hệ thống tuần hoàn dùng để ấp trứng cá rô phi hoặc những loài cá nước ngọt khác, nồng độ muối được duy trì trong khoảng 3 - 5‰ sẽ làm giảm việc trứng cá và cá bột mới nở bị nhiễm nấm.

Giảm stress khi vận chuyển

Cá bột và cá giống thường chết nhiều sau khi vận chuyển do bị stress trong quá trình thao tác. Khi đó, cá thường bị các tổn thương như mất nhớt, thâm tím, thủng lỗ… và mất quá nhiều muối, khiến cá khó khăn trong việc cân bằng điều hòa áp suất thẩm thấu. Ngoài ra, sự căng thẳng do quây nhốt, giữ cá ở mật độ cao trong quá trình nhịn ăn trước khi vận chuyển đã gây ra một loạt các phản ứng sinh lý mà phải kể đến đầu tiên là sự gia tăng lượng cortisol trong máu, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của cá.

Để khắc phục hiện tượng này, trước khi vận chuyển, cần chuyển cá sang môi trường nước trong nước muối có nồng độ 3 - 6‰ giúp cá cân bằng áp suất thẩm thấu. Điều này cũng có tác dụng làm cá sản sinh thêm nhớt để phản ứng lại với muối. Cùng đó, nhớt ngăn ngừa những tổn thương ở da, vây và những tác động xấu hơn, đặc biệt, ngăn chặn các nhiễm trùng cơ hội từ nấm (Saprolegnia) và vi khuẩn.

Đối với trường hợp khi vận chuyển, cá sẽ phải sử dụng hầu hết năng lượng để cân bằng thẩm thấu (cân bằng nước) khi môi trường nước vận chuyển không được thêm muối; điều này dẫn tới hiện tượng cá bị ngộ độc hydrat. Bởi, khi bị nhốt trong môi trường nước ngọt hoàn toàn trong suốt quá trình vận chuyển, một số lượng nước lớn sẽ tràn vào hệ thống tuần hoàn thông qua mang cá. Để kiểm soát được sự cân bằng nước cá phải dùng nhiều năng lượng để bơm một lượng lớn nước ngược trở lại qua mang của chúng. Việc tăng nồng độ muối trong dung dịch nước vận chuyển sẽ ngăn chặn được tình trạng nguy hiểm này và hạn chế sự tiêu thụ năng lượng quá mức ở cá. Vì vậy, có thể thêm muối vào nước vận chuyển với lượng 5 - 8‰ nhằm giảm thiểu thấp nhất tình trạng stress do mất cân bằng thẩm thấu trong suốt quá trình vận chuyển.

Sau khi vận chuyển, để phục hồi sức khỏe của cá nhanh, giảm tỷ lệ chết thì nên giữ cá lại trong bể có muối 5 - 6‰. Có thể gọi là “bể phục hồi”, nơi cá được dễ dàng xử lý formalin hay thuốc tím để loại trừ ký sinh trùng bên ngoài. Thông thường, sau 4 - 5 ngày là đủ để cá hồi phục hoàn toàn, nồng độ muối trong máu khôi phục, những tổn thương được chữa khỏi và sẵn sàng vận chuyển đến các đơn vị sản xuất.

Bảo quản sau thu hoạch               

Muối cá là phương pháp truyền thống được sử dụng ở hầu hết các nước trên thế giới, phương pháp này thường kết hợp với sấy khô và hun khói. Một lượng muối vừa đủ ngấm vào trong tế bào cá có thể ngăn ngừa hoặc giảm mạnh hoạt động của các vi khuẩn. Vì khi cho cá vào dung dịch muối đậm đặc, đậm hơn dung dịch muối có trong tế bào cá, nước sẽ chảy từ các tế bào sang dung dịch muối cho đến khi hai dung dịch có nồng độ như nhau; trong trường hợp này, muối sẽ ngấm vào các tế bào cá. Hiện tượng này gọi là sự thẩm thấu.

Nồng độ muối từ 6 đến 10% trong tế bào cá sẽ ngăn ngừa hoạt động của các vi khuẩn làm ươn cá. Hơn nữa, nước từ tế bào cá chảy ra sẽ góp phần làm giảm hoạt động của các vi sinh vật làm cá bị ươn. Đối với cá được ướp muối trước khi sấy khô, cần ít nước chảy ra hơn để bảo quản. Lượng nước còn lại trong cá khoảng 35 - 45% tùy thuộc vào lượng muối trong tế bào cá sẽ ngăn ngừa hoặc giảm mạnh hoạt động làm ươn cá của hầu hết vi khuẩn.

Có 3 loại muối được sử dụng đó muối phơi nắng, muối nấu và muối mỏ. Nên muối cá ở nhiệt độ thấp khoảng 50C hoặc nên để cá muối ở nhiệt độ thấp một thời gian cho muối ngấm sâu vào trong cá trước khi những vi khuẩn làm ươn cá xâm nhập.


>> Khẩu phần ăn cân bằng muối giúp cá tiết kiệm năng lượng trong việc điều hòa áp suất thẩm thấu. Phần năng lượng này sẽ được dùng cho mục đích tăng trưởng, cải thiện miễn dịch. Nghiên cứu trên cá rô phi lai (O. niloticus × O. aureus) đã chứng minh, tỷ lệ tăng trưởng có thể được cải thiện 17 - 20% và hiệu quả sử dụng thức ăn tăng 14 - 23% khi thêm Na+, Cl-, K+ vào thức ăn (Shiau và Hsieh 2001; Shiau và Lu 2004; Cnaani và ctv, 2010).

Nguyễn An

Email
Họ tên
Nội dung

Top