Thứ 3, 13/12/2016 10:02:53 GMT+7

Thách thức dịch bệnh tôm ở Thái Lan

Đánh giá bài viết

(Contom.vn) - Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành sản xuất thực phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, thế nhưng những tổn hại kinh tế do dịch bệnh vẫn đang diễn ra với mức độ khá nghiêm trọng tại Thái Lan. Hãy cùng theo dõi cách ngăn chặn, kiểm soát và giảm thiểu tác hại dịch bệnh cho ngành tôm tại Thái Lan.

Hạn chế dịch bênh trên tôm, Thái Lan mở rộng đối tượng nuôi

Hạn chế dịch bệnh trên tôm, Thái Lan mở rộng đối tượng nuôi

AHPND

Dịch bệnh EMS/AHPND trở thành đại dịch đáng sợ với nhiều nước nuôi tôm chính gồm Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia. AHPND có thể xảy ra 30 ngày đầu tiên sau khi thả tôm trong ao nuôi thương phẩm; do đó, AHPND còn được gọi là Hội chứng tôm chết sớm (EMS). EMS có thể làm giảm 70% sản lượng tôm.

EMS/AHPND khởi nguồn từ Trung Quốc vào năm 2009, lan sang Việt Nam năm 2010, sang Malaysia năm 2011 và năm 2012 bùng phát ở Thái Lan. Việc vận chuyển thức ăn tươi sống gồm giun nhiều tơ để làm thức ăn nuôi tôm chính là một trong những nguyên nhân làm lây lan dịch AHPND ra khắp châu Á. Indonesia nhanh chóng cấm nhập khẩu tôm sống và chỉ sử dụng giun nhiều tơ do nội địa sản xuất nên đây là nước duy nhất ở châu Á khống chế được dịch bệnh. Thái Lan là nước nuôi tôm bị ảnh hưởng nặng nhất. Dịch bệnh này đã khiến tôm Thái Lan mất 5,01 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại. Năm 2011, trước khi dịch bệnh bùng phát, Thái Lan sản xuất trên 600.000 tấn tôm thẻ chân trắng và là nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Nhưng sau đại dịch bệnh, sản lượng tôm của Thái Lan sụt giảm còn 189.080 tấn tôm thẻ chân trắng, giảm 65% sản lượng.

Các biện pháp đã được Thái Lan áp dụng để ngăn chặn, kiểm soát và giảm thiểu tác hại bao gồm: Cải thiện an toàn sinh học ở mọi cấp độ từ trại nuôi, vùng, quốc gia và khu vực. Thực hiện quản lý vùng với từng đơn vị sản xuất. Đánh giá rủi ro dịch bệnh, đồng thời xây dựng các kế hoạch thú y thủy sản để ứng dụng vào thực tiễn.

Nếu không được chứng nhận bởi một bên thứ ba độc lập về tình trạng sạch bệnh, thì mọi hành vi sử dụng các loại thức ăn sống cho tôm bố mẹ mới đều không được chấp thuận. Nếu được phép sử dụng, thì nguồn thức ăn tươi sống phải được khử trùng hoặc cấp đông để giảm thiểu sự lây lan AHPND.

Một điểm cần lưu ý là mật độ nuôi thả tôm cũng như việc sử dụng kháng sinh có thể trở thành những tác nhân của dịch bệnh. Sử dụng công nghệ nuôi Biofloc - cải thiện chất lượng nước bằng cân bằng carbon và nitơ cũng có tác dụng giúp giảm thiểu tác động của AHPND.

EHP

Nếu so sánh với AHPND, những tác động lên hệ thống nuôi trồng thủy sản của EHP lại ít được biết đến. Khi có sự xuất hiện của EMS/AHPND trên diện rộng ở châu Á thì dịch bệnh do EHP gần như không còn được nhiều người quan tâm nữa. Dịch bệnh này được phát hiện lần đầu trên tôm sú nuôi tại Thái Lan vào năm 2004 và sau đó là Việt Nam. Triệu chứng của EHP trên tôm thẻ chân trắng rất không rõ ràng nhưng dịch bệnh này khiến tôm không đủ dinh dưỡng cho sự tăng trưởng và lột xác và ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất tôm.

Thái Lan đã ứng dụng phương pháp chẩn đoán sinh học phân tử để phát hiện ra mầm bệnh EHP trên ao nuôi thương phẩm. Đây là kỹ thuật PCR, LAMP và nested PRC. Mầm bệnh được phát hiện từ phân tôm bố mẹ, thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ. Như vậy, nguồn thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ gây ra một nguy cơ cực kỳ lớn về an toàn sinh học và dịch bệnh. 

Hiện, chưa có thuốc khống chế được dịch bệnh. Do đó, người nuôi tôm tại Thái Lan đã cố gắng tìm tòi nhiều phương pháp quản lý dịch bệnh từ đầu nguồi, tức là từ khâu trại giống, trại ương tới nuôi thương phẩm. Tập trung công tác an toàn sinh học theo hướng tích cực phòng bệnh do vi khuẩn và ký sinh trùng; đồng thời kiểm soát, cân nhắc nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu từ các nước đang có mầm bệnh EMS/AHPND và EHP. 

Mi Lan (Tổng hợp)
Email
Họ tên
Nội dung

Top