Thứ 3, 03/08/2021 17:13:21 GMT+7

Thức ăn tôm: Quan trọng chất kết dính, tạo mùi

Đánh giá bài viết

Ngoài những chất dinh dưỡng thiết yếu thì những thành phần phụ bổ sung vào thức ăn đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển khỏe mạnh của con tôm.

Khái niệm

Chất phụ gia có thể được xem là những chất không có dinh dưỡng thêm vào thức ăn với nhiều chức năng khác nhau. Thông thường các chất này có hàm lượng thấp, dùng để ổn định thức ăn, tạo mùi vị, ngăn ngừa sự phân hủy trong quá trình bảo quản, hoặc để cải thiện sức khỏe của động vật thủy sản, dinh dưỡng và chất lượng sản phẩm. Hay, chất phụ gia giúp làm tăng khả năng sử dụng thức ăn đối với tôm nuôi. Một số chất phụ gia chủ yếu gồm chất kết dính, chất tạo mùi, chất kích thích miễn dịch, sắc tố, chất chống ôxy hóa…


Chất phụ gia giúp làm tăng khả năng sử dụng thức ăn đối với tôm nuôi

 

Chất kết dính

Trong thức ăn của động vật thủy sản, đặc biệt là đối với thức ăn tôm rất cần sự ổn định của thức ăn. Đặc biệt, thức ăn tôm là thức ăn chìm, nên yêu cầu độ kết dính cao hơn và khả năng tan vào nước chậm hơn. Do đó, chất kết dính thường được dùng để giúp thức ăn đạt được sự ổn định của một lượng nước cần thiết (Hunter và Chamberlain, 2006). Chất kết dính giúp gia tăng độ kết dính của thức ăn, từ đó chúng đóng góp dinh dưỡng cho thức ăn, giảm sự thất thoát các chất dinh dưỡng, tăng độ bền của thức ăn trong môi trường nước, giúp giảm bụi trong chế biến thức ăn. Trong đó, tinh bột được gelatin hóa là chất kết dính tự nhiên tốt nhất cho tôm, tuy vậy để tăng độ kết dính của thức ăn phải bổ sung thêm chất kết dính. Một số chất kết dính được dùng trong thức ăn của tôm gồm: nhóm có nguồn gốc từ tảo biển như agar, aginate…; nhóm có nguồn gốc từ thực vật như tinh bột, hemicelluloses, carboxymethyl…; nhóm có nguồn gốc động vật như gelatin, collagen, chitosan…; nhóm có nguồn gốc vô cơ (bentonite) và các chất tổng hợp như urea formaldehyde.

Trong đó, urea formaldehyde, gluten lúa mì và gelatin là chất kết dính thường được sử dụng phổ biến trong thức ăn nuôi tôm. Gelatine và gluten là chất giúp tôm dễ tiêu hóa và có chứa thêm protein. Tuy nhiên, theo EU và Mỹ, urea formaldehyde  không được phép có trong thức ăn của động vật thủy sản, do đó gluten lúa mì và gelatine là những lựa chọn được sử dụng tại các khu vực này. Cần chú ý rằng, hàm lượng chất kết dính phụ thuộc vào thành phần nguyên liệu chế biến thức ăn và thiết bị chế biến (Oblado và cộng sự, 1998).

 

Chất tạo mùi

Chất tạo mùi hay còn gọi là chất dẫn dụ đóng vai trò quyết định đến hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm. Trong môi trường nước, chất dẫn dụ phải hòa tan vào nước để tôm, cá có thể cảm nhận được thức ăn. Chất dẫn dụ càng dễ hòa tan trong nước, trọng lượng càng nhỏ càng có tác dụng trong khả năng kích thích ăn của tôm nuôi. Chất tạo mùi có một số tính chất chung là không bay hơi, có trọng lượng phân tử rất nhỏ, dễ tan trong nước và bền với nhiệt. Trong các nguồn nguyên liệu làm thức ăn cho tôm có sẵn các chất dẫn dụ tự nhiên. Hàm lượng chất dẫn dụ khoảng 1 – 5% tùy thuộc vào loại. Trong đó, giáp xác, bột nhuyễn thể là chất dẫn dụ hấp dẫn – 50 g/kg thức ăn (Smith và cộng sự, 2005).  Các sản phẩm khác như bột cua, bột đầu tôm, bột vỏ tôm có khoảng 3 – 5% bổ sung trong thức ăn làm chất dẫn dụ (Hunter và Chamberlain, 2006). Bột mực và dầu nhuyễn thể được xem là chất dẫn dụ tuyệt hảo để bổ sung vào thức ăn cho tôm bởi trong chúng có chứa axit amin và axit béo dễ hấp thụ được coi là chất kích thích tăng trưởng cho tôm.

Ngoài các chất dẫn dụ tự nhiên, trong thức ăn cho tôm có thể sử dụng cả chất dẫn dụ nhân tạp như các axit amin tự do hay một số phân tử peptide như betane để bổ sung vào thức ăn cho tôm nuôi.

Bích Hòa
Email
Họ tên
Nội dung

Top