Thứ 6, 07/02/2020 08:47:24 GMT+7

Dịch bệnh trên tôm

Đánh giá bài viết

(Contom.vn) - Nuôi tôm đã và đang phát triển nhanh trong nhiều năm qua, dần trở thành ngành kinh tế quan trọng góp phần chính vào sự tăng trưởng chung của ngành thủy sản. Tuy nhiên, người nuôi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch bệnh, lạm dụng kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi, chất lượng sản phẩm không đáp ứng yêu cầu thị trường, gây tổn thất kinh tế cho người dân.

Tác động của ô nhiễm môi trường và bệnh

Việc mở rộng quy mô sản xuất, tăng mức độ thâm canh đã dẫn đến sự xuất hiện và bùng phát nhiều bệnh nguy hiểm đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành tôm, trực tiếp gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của không chỉ cộng đồng nuôi tôm mà còn của toàn xã hội theo cả hai chiều. Hoạt động nuôi chịu ảnh hưởng xấu từ ô nhiễm và nuôi tôm cũng là nguồn tự gây ô nhiễm cho ao nuôi và cho môi trường xung quanh. Do biến đối khí hậu, nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao hay giảm đột ngột cũng làm dịch bệnh xảy ra thường xuyên hơn làm thiệt hại lớn cho nghề nuôi.

Số lượng và chất lượng tôm giống không nhiễm bệnh, được kiểm soát bệnh từ bố mẹ, sinh sản; quá trình kiểm soát bệnh trong nuôi thương phẩm đều chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của sản xuất. Những tồn tại này dẫn đến việc một số người sản xuất vẫn lạm dụng hóa chất và kháng sinh trong quá trình nuôi để xử lý môi trường và phòng trị bệnh; từ đó, sản phẩm nuôi trồng từ các hộ nuôi này cung cấp cho nhà máy chế biến chưa đảm bảo ATTP và theo đó uy tín ngành tôm Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.


Tiếp cận ATTP thủy sản theo chuỗi từ nuôi trồng đến chế biến (Nguồn: Brett Koonse & Mai Văn Tài, 2017)

 

Một số bệnh gây thiệt hại lớn

Đốm trắng

Virus WSSV (White spot syndrome virus) gây bệnh đốm trắng trên tôm nuôi nước lợ được ghi nhận vào những năm 1990s tại Đài Loan và sau đó bùng phát ở nhiều nơi trong đó có Việt Nam. WSSV được xem là một loài virus đặc biệt vì nó có khả năng sống tiềm ẩn trong hầu hết các loài giáp xác nhưng chỉ gây thành dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ (Đặng Thị Lụa, 2018).

Hoại tử gan tụy cấp tính

Hội chứng chết sớm (EMS, Early mortality syndrome) còn được gọi là bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND, Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease) đã gây thành dịch bệnh gây thiệt hại cho nghề nuôi tôm ở khu vực châu Á và Mỹ Latinh, được ghi nhận ở Việt Nam vào tháng 4/2011. Dịch bệnh gây chết nhanh tôm sú và TTCT ở giai đoạn 15 - 45 ngày tuổi sau khi thả nuôi với tỷ lệ chết lên tới 100%. Tác nhân gây bệnh AHPND được cho là do vi khuẩn thuộc nhóm Vibrio gây ra, như  Vibrio parahaemolyticus, V. harveyiV. campbellii. Trong số các loại kháng sinh được phép hoặc khuyến cáo hạn chế sử dụng thì Vibrio parahaemolyticus nhạy với các loại kháng sinh gentamicin, florfenicol, oxytetracycline, doxycycline và tetracycline. Thức ăn, tảo độc, thuốc bảo vệ thực vật trong ao nuôi tôm không liên quan đến AHPND nhưng ao nuôi tôm bị bệnh AHPND thường có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ.

Hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô - IHHNV

Bệnh do virus Infectious Hypodermal and Hematopoietic Necrosis virus (IHHNV) gây ra. Cách phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là sử dụng tôm bố mẹ có chất lượng cao, sạch bệnh.

Đầu vàng - YHV

Bệnh là do phức hợp virus gây bệnh đầu vàng (Yellow Head Virus - YHV) và virus gây hội chứng liên quan đến mang (Gill-Associated Virus - GAV). Phòng bệnh hiệu quả bằng cách kiểm tra con giống sạch bệnh và xử lý nước trước khi thả nuôi.

Vi bào tử trùng - EHP

Bệnh EHP trên tôm do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) gây ra. Ký sinh trùng này ký sinh trong ống gan tụy của tôm và làm tôm không hấp thụ chất dinh dưỡng dẫn đến tôm chậm lớn. Cách tốt nhất là hạn chế sự xâm nhập của EHP vào ao nuôi và kiểm soát sự lây nhiễm của nó trong ao ở mức thấp nhất.

 

Giải pháp

Cần có cách nhìn mới tổng thể hơn trong việc lựa chọn cách thức tiếp cận để xây dựng các giải pháp phát triển ngành tôm đảm bảo ATTP, thân thiện môi trường và hạn chế dịch bệnh. Cách thức tiếp cận đó phải dựa trên nền tảng thực tế sản xuất đặc thù của ngành; hệ thống nghiên cứu, đào tạo; hệ thống cung ứng các dịch vụ đầu vào và hệ thống chế biến, thương mại hóa sản phẩm. Nói cách khác, đó là cách thức tiếp cận chuỗi ngành, mỗi khâu cần nhận thức và thực hiện được các nhiệm vụ của mình hướng tới sự phát triển bền vững chung của ngành tôm từ khâu sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến và cung ứng sản phẩm ra thị trường trong nước cũng như phục vụ xuất khẩu.

 Mối quan hệ giữa đảm bảo ATTP trong sản xuất thủy sản nói chung, sản xuất tôm nói riêng từ nuôi đến chế biến. Đối với NTTS, đảm bảo an toàn sinh học (ATSH) trong đó việc phòng bệnh là một nền tảng của hoạt động sản xuất tốt (GAP) và đó cũng là điều kiện cần để đảm bảo ATTP trong NTTS. Điều đó cũng tương ứng với việc đảm bảo sản xuất tốt (GMP), kiểm soát vệ sinh (SCP) là nền tảng của việc phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) trong chế biến thủy sản.

Những thách thức trên đòi hỏi cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN), đào tạo nguồn nhân lực KHCN có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững của ngành. Nghiên cứu xác định tác nhân gây bệnh: Áp dụng các phương pháp nghiên cứu từ truyền thống như mô học đến các phương pháp hiện đại (như sử dụng kính hiển vi điện tử, PCR…) để xác định nhanh chóng và chính xác tác nhân gây bệnh. Nghiên cứu phát triển biện pháp phòng trị bệnh đảm bảo ATTP và thân thiện với môi trường như sản xuất vaccine, probiotic, sản phẩm nano, sản phẩm thảo dược, hạn chế sử dụng kháng sinh. Phát triển, ứng dụng các công nghệ nuôi tiên tiến như Bio-floc, Cope-floc, nuôi trong nhà; công nghệ sử dụng vi sinh ít thay nước; ứng dụng những thành tựu mới trong các lĩnh vực tin học, vật liệu mới và công nghệ sinh học, tự động hóa trong các khâu chăm sóc, cho ăn, giám sát môi trường và bệnh, truy xuất nguồn gốc. Nghiên cứu sản xuất giống, chọn giống sạch bệnh để tăng cường tỷ trọng tôm giống sạch bệnh phục vụ nuôi thương phẩm. Thắt chặt việc quản lý khâu nhập tôm bố mẹ và vận chuyển giống nhằm hạn chế lây lan bệnh. Tăng cường giám sát vùng nuôi, sớm phát hiện các vùng dịch để hạn chế lây lan. Phát triển các hệ thống sản xuất quy mô lớn để thuận lợi cho việc áp dụng quản lý ATSH, ATTP, quản lý môi trường và giảm giá thành sản phẩm. Tăng cường liên kết giữa các khâu trong chuỗi liên kết giữa các hộ sản xuất trong vùng nuôi để phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả. Áp dụng nguyên tắc ATSH trong quản lý hoạt động nuôi từ khâu nuôi vỗ tôm bố mẹ cho đến nuôi thương phẩm ở trong các trại nuôi. Sử dụng chế phẩm sinh học dạng vi sinh định kỳ để cải thiện chất lượng nước và quản lý chất thải trong quá trình nuôi. Hạn chế sử dụng kháng sinh, tuyệt đối không sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh tôm. Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hoạt động sản xuất.

Mai Văn Tài - Viện Nghiên cứu NTTS I

Email
Họ tên
Nội dung

Top