Thứ 6, 04/11/2016 11:14:17 GMT+7

Móng Cái: Hiệu quả nuôi tôm theo VietGAP

Đánh giá bài viết

(Contom.vn) - Móng Cái là một trong hai địa phương tại Quảng Ninh thực hiện nuôi tôm theo VietGAP, nhằm giúp bà con nuôi tôm tăng lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro và hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, đã xuất hiện nhiều mô hình cho lợi nhuận cao.

Đầu tư bài bản

Năm 2016, TP Móng Cái thả nuôi 1.900 ha thủy sản các loại, trong đó diện tích nuôi tôm hơn 1.600 ha. Phấn đấu tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 8.300 tấn. Trong 9 tháng năm 2016, sản lượng thủy sản của Móng Cái đạt 7.554,8 tấn; riêng sản lượng tôm nuôi 1.318,6 tấn, đạt 52,8% kế hoạch và tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2015.

Để hạn chế tình hình dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, TP Móng Cái phối hợp với các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn về thủy sản kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh và tập huấn khoa học kỹ thuật, khuyến cáo người nuôi các biện pháp kỹ thuật cần thiết để phòng chống dịch bệnh. Công tác quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh thủy sản được duy trì thường xuyên; việc kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh vật tư, thuốc thú y phục vụ cho ngành thủy sản được tăng cường, đảm bảo theo đúng quy định.

Hiện, 11/12 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại Móng Cái, người nuôi tôm đã tự đầu tư xây dựng các hệ thống đường, điện, kênh mương, hệ thống ao, đầm nuôi với một số công nghệ tiên tiến như: Hệ thống bờ, đáy ao lót bạt, ao nuôi có mái che nuôi tôm vụ đông, máy bắn thức ăn, nuôi vi sinh, hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi, nuôi tuần hoàn nước, hệ thống thu gom, xử lý phân tôm... Đặc biệt, Hội Nghề cá TP Móng Cái hiện có hơn 1.000 hội viên. Hàng năm, Hội đều phối hợp với ngành chức năng, các công ty giống, thức ăn tổ chức nhiều cuộc hội thảo về việc sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học và công nghệ nuôi cho hội viên, góp phần nâng cao hiệu quả nghề nuôi tôm.

Cùng đó, những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã liên tục triển khai các mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP tại Móng Cái làm cơ sở để người dân học tập kinh nghiệm. Các mô hình đã hướng đến một phương thức nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học, tuân thủ các quy trình kỹ thuật chặt chẽ từ khâu cải tạo ao, đến lựa chọn con giống, thức ăn và quy trình chăm sóc, hướng tới mục tiêu nuôi an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc, hóa chất. Ông Nguyễn Bá Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh chia sẻ, nếu người nuôi tôm thực hiện theo đúng quy trình VietGAP thì các khâu trong quá trình nuôi sẽ được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa mầm bệnh và dịch bệnh nhờ kiểm soát được nguồn gốc con giống, vật tư đầu và xử lý tốt các chất thải trong quá trình nuôi, không sử dụng các loại thuốc, hóa chất cấm, giảm chi phí sản xuất, do vậy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so các cách nuôi không theo quy trình VietGAP.

 Móng Cái: Hiệu quả nuôi tôm theo VietGAP

Ao nuôi tôm của gia đình ông Bùi Ngọc Liêm

Thành công ngoài mong đợi

Trong các mô hình nuôi tôm áp dụng VietGAP phải kể đến mô hình của ông Bùi Ngọc Liêm tại khu 9, phường Hải Hòa với khu nuôi tôm công nghiệp quy mô lớn, công nghệ nuôi tiên tiến.

Ông Liêm cho biết, với vùng nuôi tôm rộng 6,5 ha được đầu tư tới hơn 80 tỷ đồng. Vụ nuôi vừa qua, ông thả nuôi 3,5 ha, tổng sản lượng tôm nuôi hơn 40 tấn, doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng. Hiện, toàn bộ diện tích nuôi tôm của gia đình đều đảm bảo các chỉ tiêu, tiêu chí theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, ông Liêm là một trong số những hộ nuôi tôm tại Móng Cái được cấp giấy chứng nhận nuôi tôm đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP. Do đó, toàn bộ quy trình nuôi tôm tại gia đình ông đều đảm bảo các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định về an toàn.

Ngoài ra, ông Liêm còn đang áp dụng công nghệ nuôi sử dụng vi sinh Biowish - một sản phẩm của Mỹ đang được Hội Nông dân tỉnh triển khai thử nghiệm tại một số cơ sở nuôi tôm. Đồng thời, toàn bộ ao nuôi của cơ sở đang ứng dụng công nghệ nuôi tuần hoàn nước do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai, đây là công nghệ nuôi được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Năm 2016, ông Liêm ứng dụng công nghệ nuôi này đối với 3 ao nuôi, mỗi ao có diện tích 5.000 m2 và một ao gièo giống diện tích 1.500 m2. Với công nghệ này, việc gièo giống chỉ mất thời gian 1 tháng và thời gian nuôi chỉ 2 tháng/vụ. Nước tuần hoàn qua các ao nuôi, ao xử lý nước và thu gom nước thải, hạn chế việc thay nước trong ao nuôi nên một năm người nuôi tôm có thể nuôi 3 - 4 vụ. Với công nghệ nuôi tuần hoàn nước và hệ thống cảnh báo, quan trắc môi trường được lắp đặt tại toàn bộ các ao nuôi, người nuôi tôm có thể kiểm soát được môi trường nước, tình hình dịch bệnh mọi lúc, mọi nơi, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh trong nghề nuôi.

Chế phẩm có tên Biowish Tultibio 3PS được dùng để bổ sung cho thức ăn nuôi tôm, cá có tác dụng giúp tăng tối đa khả năng hấp thụ dinh dưỡng cho thức ăn, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tăng tỷ lệ sống; làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, nhiễm bệnh, nhất là các bệnh như: Đường ruột, nấm; phục hồi chức năng hệ tiêu hoá sau khi bị bệnh, cải thiện hiệu quả hấp thụ thức ăn, làm giảm chi phí thức ăn (khoảng 10%). 

 >> Bà Nguyễn Thị Hải, Phó Phòng Kinh tế TP Móng Cái cho biết, địa phương luôn xác định nuôi tôm thẻ chân trắng là hướng đi đúng đắn và sẽ tiếp tục có đầu tư, định hướng để các cơ sở thực hiện quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2016, phấn đấu đưa diện tích nuôi trồng thủy sản 1.900 ha (trong đó nuôi tôm 1.300 ha), tổng sản lượng 8.300 tấn.

Thiên Lý
Email
Họ tên
Nội dung

Top