Thứ 4, 18/08/2021 16:55:36 GMT+7

Nguyên tắc nuôi tôm hữu cơ

Đánh giá bài viết

Nuôi tôm hữu cơ luôn là xu hướng mang lại hiệu quả cho người nuôi và bền vững với môi trường sinh thái. Hướng đi này đang được tích cực mở rộng và thực hiện ở nhiều nơi.

Khái niệm

Nuôi tôm hữu cơ là hình thức nuôi gần với tự nhiên, không sử dụng các chất hóa học, không sử dụng các sản phẩm biến đổi gen, các sản phẩm tạo ra từ công nghệ gen, áp dụng các biện pháp tốt nhất bảo vệ hệ sinh thái, gìn giữ đa dạng sinh học, hạn chế tối đa tác động gây ô nhiễm và mất an toàn từ các hoạt động nuôi trồng tới con người và môi trường.

Với nuôi trồng thủy sản hữu cơ tuân thủ các nguyên tắc chung sau:

– Bảo vệ môi trường sinh thái, gìn giữ đa dạng sinh học.

– Không sử dụng các chất hóa học trong quá trình nuôi trồng.

– Không dùng sinh vật biến đổi gen, các sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen, loại bỏ các công nghệ chưa được kiểm chứng, không tự nhiên.

– Đáp ứng môi trường sống thích hợp cho đối tượng nuôi, quản lý dịch bệnh lấy phòng bệnh là chính.

– Duy trì chất lượng hữu cơ của sản phẩm nuôi trồng trong suốt quá trình nuôi trồng, thu hoạch, vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch.

– Cung cấp được dấu hiệu phân biệt sản phẩm nuôi trồng thủy sản hữu cơ trong chuỗi cung ứng sản phẩm.

 

Nguồn nước

Nước sử dụng phải phù hợp với tôm nuôi. Các biện pháp xử lý, quản lý nước trong ao nuôi không tác động xấu đến hệ sinh thái và môi trường.

– Nước cấp và nước trong ao nuôi trồng đạt tiêu chuẩn chất lượng nước nuôi trồng thủy sản theo QCVN.

– Dùng các chất xử lý cải tạo môi trường có nguồn gốc tự nhiên.

– Cấm dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu trong xử lý nguồn nước cấp cho ao nuôi.

– Cấm dùng phân tươi (phân động vật, chất thải của người) trong nuôi trồng.

– Nước thải đạt tiêu chuẩn nước thải từ vùng nuôi trồng thủy sản theo QCVN.

– Xử lý nước thải dùng chế phẩm vi sinh, lọc sinh học, các chất tự nhiên.


 

Con giống

Giống khỏe, sạch bệnh, sinh trưởng tốt, bảo vệ đa dạng sinh học, bền vững môi trường sinh thái. Có thể quan sát bằng mắt thường một số đặc điểm của tôm giống khỏe mạnh như: màu sắc đàn tôm tươi sáng, đồng nhất, sắc tố thể hiện rõ; đầu thân cân đối, đôi râu khép lại, các đốt bụng thon dài, cơ bụng căng đầy, thịt đầy vỏ, phụ bộ tôm hoàn chỉnh, đuôi tôm xòe; thức ăn trong ruột đầy, liên tục; tôm giống có phản ứng nhạy với kích thích từ bên ngoài, linh hoạt, khỏe mạnh, phân bố đều trong bể nuôi; tôm bơi thân thẳng và có khuynh hướng bơi ngược dòng, bám vào thành bể tốt; Tôm không nhiễm vi khuẩn phát sáng khi quan sát trực tiếp ở bể trong bóng tối. Tôm phải có kích cỡ đồng đều (chênh lệch không vượt quá 5%); kích cỡ tôm sú giống thích hợp là PL15 (12 mm), tôm thẻ chân trắng tối thiểu là PL12 (9 – 11 mm). Trước khi mua con giống, người nuôi cần phải xét nghiệm tôm để tránh mua tôm bị nhiễm các bệnh nguy hiểm do virus gây nên như đốm trắng (WSSV), đầu vàng (YHV), bệnh còi (BMV), Taura, hoại tử gan tụy… Hạn chế giống phải vận chuyển xa, thời gian dài từ trại sản xuất giống, tới ao thả nuôi.

 

Thức ăn

Thức ăn có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của tôm nuôi, hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu đến môi trường, hệ sinh thái. Không dùng thức ăn có các chất bổ sung tổng hợp, không tự nhiên trong sản xuất thức ăn.

Dùng thức ăn phù hợp, ưa thích với tính ăn của tôm nuôi.

Dùng thức ăn tự nhiên, thức ăn chế biến hoặc kết hợp cả thức ăn tự nhiên và thức ăn chế biến.

– Chọn thức ăn dùng các chất tạo màu tự nhiên (từ vỏ tôm, tảo, nấm men…), vitamin, chất chống ôxy hóa, khoáng chất, chất kết dính có nguồn gốc tự nhiên trong sản  xuất chế biến thức ăn.

– Không dùng thức ăn có chất kích thích sinh trưởng, chất kích thích ăn, hóc môn, acid amin là các sản phẩm tổng hợp, không tự nhiên.

– Không dùng bột máu, bột xương, cá tạp đã qua xử lý hóa chất.

– Không được dùng thức ăn có bổ sung gelatin nguồn gốc đại gia súc (trâu bò, dê…).

– Không dùng chính loài nuôi làm thức ăn trực tiếp hoặc là nguyên liệu chế biến thức ăn nuôi vật nuôi. Không dùng tôm, phụ phẩm từ tôm làm thức ăn nuôi tôm.

– Chỉ dùng cá tạp, các phụ phế phẩm từ chế biến thủy sản bền vững làm thức ăn trực tiếp hoặc nguyên liệu chế biến thức ăn.

– Dùng cá tạp khai thác tự nhiên, không cạnh tranh với mục đích dùng làm thực phẩm của con người.

– Không dùng cá tạp, phụ phế phẩm thủy sản đã dùng hóa chất trong bảo quản, chế biến.

– Khuyến khích dùng thức ăn chất lượng có hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) thấp.

– Đảm bảo giảm tối thiểu chất thải, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường nước.

– Khẩu phần, tần suất cho ăn phù hợp với từng giai đoạn, điều kiện môi trường nuôi trồng.

 

Phòng trị bệnh

Phòng bệnh là chính trong trường hợp có bệnh các biện pháp áp dụng phải giảm thiểu tối đa stress đến vật nuôi và ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái.

– Sử dụng giống sạch bệnh, kháng bệnh, giống được tiêm vaccine phòng bệnh.

– Mật độ nuôi tùy theo đối tượng nuôi,  nuôi thưa, mật độ thấp.

 

Trị bệnh

Ngay khi có dấu hiệu bệnh ở vật nuôi áp dụng ngay các biện pháp phòng trị.

– Khi có vật nuôi (cá/tôm/cua…) chết vớt bỏ ngay khỏi ao/lồng nuôi.

Sử dụng các sản phẩm tự nhiên, hạn chế dùng các sản phẩm tổng hợp trong trị bệnh

– Sử dụng các thảo dược (tỏi, diệp hạ châu…), các sản phẩm tự nhiên, chế phẩm vi sinh, hạn chế tối đa việc dùng thuốc không có nguồn gốc tự nhiên trong trị bệnh vật nuôi.

– Chỉ dùng kháng sinh trong trị bệnh khi không có biện pháp trị bệnh nào khác. Trong quá trình nuôi chỉ được phép sử dụng tối đa 1 lần.

– Không dùng thuốc trị bệnh có thành phần là sinh vật biến đổi gen.

Giảm thiểu ảnh hưởng môi trường và đảm bảo an toàn với người nuôi trồng thủy sản và an toàn vệ sinh thực phẩm.

– Tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

 

Thu hoạch, vận chuyển sau thu hoạch

Đảm bảo chất lượng thực phẩm, hạn chế stress tới vật nuôi, không gây nhầm lẫn giữa sản phẩm thủy sản hữu cơ với sản phẩm nuôi trồng thông thường.

– Không thu hoạch sản phẩm trước thời gian tối thiểu cần thiết sau khi sử dụng thuốc phòng trị bệnh, đảm bảo không còn tồn dư thuốc trong vật nuôi.

– Thời gian cần thiết sau khi sử dụng thuốc gấp 2 lần thời gian quy định đảm bảo không còn tồn dư thuốc với sản xuất thông thường.

– Ngừng cho vật nuôi ăn ít nhất 1 ngày, không nhiều hơn 2 ngày trước khi thu hoạch.

– Dụng cụ và cách đánh bắt hạn chế xây sát vật nuôi, không ảnh hưởng xấu đến sự ổn định của hệ sinh thái.

Thùng chứa sản phẩm thu hoạch có nhãn mác ghi rõ: đối tượng nuôi, cơ sở nuôi, thời gian thu hoạch.

Vận chuyển: Không  dùng thuốc, hóa chất khi làm vệ sinh thùng vận chuyển. Không dùng thuốc, hóa chất bảo quản sản phẩm trong quá trình vận chuyển.

 

Hồ sơ, ghi chép

Ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác, chi tiết các yếu tố cần tuân thủ có tác động quyết định đến chất lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản hữu cơ.

Nuôi tôm hữu cơ là mô hình nuôi có hiệu quả, chi phí thấp, tôm nuôi đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ít ô nhiễm môi trường. So với mô hình nuôi công nghiệp thông thường, nuôi tôm hữu cơ có giá thành thấp hơn 20%, không sử dụng hóa chất, kháng sinh, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tỷ lệ thành công cao qua nhiều vụ nuôi, mang lại lợi nhuận trung bình 43,51 triệu đồng/ha. Nhờ đó, giúp các hộ dân nâng cao thu nhập, nâng chất lượng đời sống.

Hoàng Ngân
Email
Họ tên
Nội dung

Top