Nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học
Đánh giá bài viếtSử dụng men vi sinh trong quá trình nuôi tôm Ảnh: Huy Hùng
Quy trình kỹ thuật
Chuẩn bị ao nuôi
Đối với ao mới xây dựng xong cho nước vào ngâm 2 - 3 ngày rồi xả hết nước, ngâm và tháo rửa như vậy 2 - 3 lần. Đối với ao đã sử dụng, trước khi thả giống tháo cạn nước trong ao, dọn bùn đáy ao và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý bùn đen ở đáy ao, phơi đáy 10 - 15 ngày, cày xới đáy ao để loại bỏ khí độc NH3, H2S, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ vi sinh vật phân giải ở đáy ao phát triển mạnh. Bón vôi cải tạo đáy và bờ ao, nhằm diệt tạp, nâng cao pH, tăng khả năng đệm của nước ao nuôi. Bón vôi với liều lượng 7 - 10 kg/100 m2, phơi đáy ao 3 ngày.
Sau khi cải tạo ao, loại bỏ lớp bùn đen ở đáy ao, rửa ao, bón vôi, diệt tạp tiến hành lấy nước. Nước từ ao chứa qua túi lọc để loại bỏ trứng cá tạp, tôm tép… Lượng nước trong ao khoảng 1,2 - 1,5 m. Sau 5 - 6 ngày tiến hành diệt tạp và bón phân gây màu nước bằng chế phẩm sinh học với liều lượng 20 g/1.000 m3 nước, té đều khắp ao (20 g chế phẩm sinh học được hòa với 50 lít nước kết hợp với 2 kg mật đường, 2 kg cám gạo, sục khí 12 - 15 giờ sau đó tạt đều khắp ao). Sau 4 ngày tiến hành tiếp tục xử lý nước bằng chế phẩm sinh học với liều lượng như ban đầu. Sau 1 ngày tiến hành thả giống.
Chọn giống
Mục đích của việc chọn giống tôm và thả nuôi là đưa vào ao nuôi một lượng tôm giống phù hợp có chất lượng cao nhằm đạt năng suất ổn định. Tôm giống có màu sắc tươi sáng, đều cỡ, tôm khỏe mạnh và đã qua kiểm dịch của cơ quan chuyên môn, không bị các bệnh: MBV, đốm trắng, đầu vàng… Con giống cần được dèo và thuần dưỡng trên bể cỡ P10 lên cỡ P25 - 32 mới tiến hành thả giống. Thời gian vận chuyển giống càng ngắn càng tốt, mật độ thả 50 - 100 con/m². Thả tôm đúng mùa vụ khi trời mát, thả hướng đầu gió (7 - 8 giờ sáng).
Men trộn vào thức ăn
Sử dụng men vi sinh trộn vào thức ăn với liều lượng 0,5 - 1 g/kg thức ăn. Trước khi trộn, men vi sinh được hòa đều với dầu ăn (với tỷ lệ 0,5 g men vi sinh trộn với 10 ml dầu ăn). Để cho men ngấm vào thức ăn khoảng 10 - 15 phút rồi tiến hành cho tôm ăn. Cho ăn trong suốt vụ nuôi đến khi thu hoạch.
Chăm sóc quản lý
Cho ăn 3 lần/ngày, lượng thức ăn khoảng 4 - 5% trọng lượng thân. Khi cho ăn, thức ăn cần rải đều khắp ao, để tránh trường hợp lượng thức ăn phân bố trong ao không đều. Định kỳ 6 - 7 ngày bổ sung thêm chế phẩm sinh học. Sau 60 ngày nuôi lượng chất thải hữu cơ trong ao tăng nhiều; do đó, cứ 4 - 5 ngày phải bổ sung chế phẩm sinh học với liều lượng 30 - 40 g/1.000 m3 nước.
Thường xuyên kiểm tra môi trường nước hằng ngày, sử dụng vôi CaCO3 và Dolomite để đảm bảo pH: 7,8 - 8,2; độ kiềm 100 - 180 mg/l. Ngoài ra, cứ 7 - 10 ngày kiểm tra thêm các chỉ số môi trường: NO2-, kim loại nặng, số lượng và các loại tảo có lợi, có hại, số lượng Vibrio trong ao. Đặc biệt tôm đang trong thời kỳ lột xác, thời gian thay nước, hoặc khí hậu, thời tiết, môi trường ao nuôi có sự thay đổi cần giảm lượng thức ăn tránh hiện tượng dư thừa gây ô nhiễm môi trường ao nuôi.
Sử dụng chế phẩm sinh học cho ao nuôi sau khi thu hoạch là vấn đề tối quan trọng mà người nuôi thường bỏ qua. Giải pháp này nhằm giúp loại bỏ hoàn toàn lượng vật chất hữu cơ tích tụ vượt quá giới hạn ao nuôi trong suốt quá trình nuôi. Cần tiến hành xịt rửa nền đáy, bón vôi, cấp nước vào ao nuôi ở mức 20 - 30 cm và sử dụng chế phẩm sinh học.
Hiệu quả
Áp dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm có thể quản lý được chất lượng nước trong suốt vụ nuôi, hạn chế được dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Điển hình như mô hình nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học tại xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng mang lại hiệu quả cao về mặt kỹ thuật cũng như kinh tế.
Tôm sinh trưởng và phát triển tốt, tôm khỏe mạnh, đường ruột rõ nét và đầy, gan to có màu sẫm. Sau 90 ngày, nuôi tôm đạt cỡ 40 - 50 con/kg, tỷ lệ sống 82 - 85%; mật độ nuôi 50 con/m2, năng suất 6 - 8 tấn/ha; mật độ 80 - 100 con/m2 năng suất 15 - 20 tấn/ha. Hệ số thức ăn1,1:1,3 tùy theo cỡ tôm thu hoạch và mật độ nuôi.
Với quy mô 1.000 m2, mật độ nuôi 80 - 100 con/m2 và 50 - 60 con/m2, hiệu quả kinh tế được thể hiện bảng 1.
Qua bảng trên cho thấy lợi nhuận: mô hình 80 - 100 con/m2 đạt 148 triệu đồng/1.000 m2, tương đương 1,48 tỷ đồng/ha; mô hình 50 - 60 con/m2 đạt 44,5 triệu đồng/1.000 m2, tương đương 445 triệu đồng/ha; Tỷ suất lợi nhuận khá cao 70 - 85%.
>> Ứng dụng chế phẩm sinh học trong suốt vụ nuôi cần được đáp ứng bằng cách quản lý chất lượng nước ao nuôi thích hợp, hệ thống quạt nước đầy đủ, chất lượng thức ăn tốt, lịch cho ăn đúng, kiểm tra vó chính xác và có hệ thống an toàn sinh học hoàn chỉnh nhằm gia tăng hiệu quả. |
Các tin mới nhất
Các tin cũ cùng mục
- Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ương san hai giai đoạn(11/05/2017)
- Phương pháp lắng lọc trong ao nuôi(07/04/2017)
- Giải pháp quản lý chất thải hữu cơ mô hình nuôi tôm trên ao đáy đất(30/03/2017)
- Hệ thống nuôi tôm tuần hoàn tại Panama(03/03/2017)
- Nuôi tôm theo công nghệ Aquamimicry(03/03/2017)
- TP Hồ Chí Minh: Nuôi tôm càng xanh toàn đực bằng con giống nhân tạo (27/02/2017)
- Nuôi tôm ảnh hưởng bởi thời tiết(24/02/2017)
- Chủ động bảo vệ tôm nuôi khi có mưa bất thường(06/02/2017)
Bình luận bài viết