Thứ 4, 25/02/2015 09:45:09 GMT+7

Thành tựu trong sản xuất tôm giống

Đánh giá bài viết

(Contom.vn) - Ngành sản xuất tôm giống trên thế giới đã tiến bộ vượt bậc, tạo được những đàn tôm bố mẹ và tôm giống chất lượng cao. Đó là những thành tựu gắn liền với lịch sử phát triển của ngành.

Lịch sử hình thành

Công nghệ sản xuất tôm giống đầu tiên ra đời tại Nhật Bản, khi GS - TS Fujinaga thành công trong việc nuôi vỗ và cho sinh sản tôm he Nhật Bản (P.japonicus), năm 1934. Fujinaga được coi là ông tổ nghề sản xuất tôm giống thế giới. Năm 1940, người Nhật đề ra hai phương pháp nuôi tảo silic. GS-TS Fujinaga cho rằng tảo Sketonema costatum và Chaetoceros sp là thức ăn khởi đầu tiên quyết cho ấu trùng tôm từ giai đoạn Zoea đến Postlavae. Năm 1943, Pannouse phát hiện ra cách nuôi vỗ tôm bố mẹ thành thục bằng phương pháp cắt mắt, được sử dụng đến nay.


 

Công nghệ thúc đẩy nghề nuôi tôm ở châu Á

Từ thành công của Nhật Bản, công nghệ sản xuất tôm giống được áp dụng ở nhiều nước khác. Tại Đài Loan, TS I.Chiu Liao chọn tôm sú (Penaeus monodon) để tiến hành kỹ thuật cho tôm trưởng thành sinh sản, nuôi tôm post và nuôi tôm thương phẩm trong ao có sục khí với thức ăn chế biến. Từ đó thúc đẩy nghề nuôi tôm, đưa Đài Loan trở thành trung tâm của công nghệ nuôi tôm ở châu Á.

Tôm sú phân bổ khắp Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, đẻ nhiều trứng, phát triển nhanh nhất, thích nghi tốt thức ăn nhân tạo và nuôi thâm canh. Tôm sú dễ bắt được tôm cái từ biển nên khi công nghệ Đài Loan được chuyển giao khắp châu Á thì tôm sú thành loài tôm nuôi chiếm ưu thế. Tuy nhiên, theo thời gian, tôm cái hoang dã dần bị nhiễm nhiều bệnh; trong đó bệnh đốm trắng (WSSV) tàn phá ngành tôm nhiều nước, nhất là tại châu Á.

Năm 1990, loài TTCT cải tiến gen, sạch bệnh (SPF) được đưa vào châu Á. Năng suất nuôi tăng cao; người nuôi nhanh chóng chuyển đổi từ tôm sú nhiễm bệnh sang TTCT sạch bệnh, hưởng lợi từ nguồn tôm sạch bệnh này đến nay.

Tại Việt Nam, việc nghiên cứu sinh sản nhân tạo tôm biển được tiến hành từ đầu những năm 1970, với tôm thẻ bạc (P.merguiensis), tôm he Nhật Bản (P.japonicus) và tôm hùm ma (P.penicilatus). Năm 1985, sinh sản nhân tạo thành công tôm sú ở Nha Trang. TTCT du nhập vào nước ta kéo theo sự phát triển ngành sản xuất giống. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giống tôm sú chuyển một phần sang sản xuất giống TTCT gặp khó khăn kỹ thuật, đã nhanh chóng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, dần làm chủ công nghệ sản xuất giống TTCT. Cả nước hiện có hơn 500 đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, ương nuôi giống TTCT.

Cùng đó, công nghệ sản xuất tôm giống tùy thuộc quy mô, sự đầu tư của các cơ sở, xu hướng chung hiện nay ở các nước có nghề nuôi tôm phát triển là chủ động phát triển đàn tôm bố mẹ kháng bệnh, sạch bệnh (thông qua việc gia hóa), tạo ra những đàn tôm giống (Poslarvae) chất lượng cao.

Gia hóa (domestication) tôm là quá trình thuần hóa, làm thay đổi mức độ di truyền tính trạng; qua chọn lọc tạo ra những tính trạng tốt nhất (tăng trưởng nhanh, kháng bệnh tốt). Tuy nhiên, gia hóa đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, đầu tư lớn; không phải doanh nghiệp, cơ sở nào cũng làm được. Do khó khăn kỹ thuật nên hiện nay chỉ vài nước (Mỹ, Thái Lan, Ấn Độ…) có khả năng gia hóa tôm bố mẹ.

Tại Việt Nam, công nghệ sản xuất tôm bố mẹ từ gia hóa đã được một số viện nghiên cứu phối hợp công ty nước ngoài thực hiện nhưng kết quả còn khiêm tốn. Một số doanh nghiệp sản xuất tôm giống lớn của Việt Nam cũng đang cùng các đơn vị nước ngoài gia hóa tôm bố mẹ nhưng kết quả còn là ẩn số.

Quốc Minh
Email
Họ tên
Nội dung

Top