Thứ 4, 18/08/2021 14:16:35 GMT+7

Các vấn đề thường gặp và kỹ thuật để nuôi tôm thành công

Đánh giá bài viết

Có rất nhiều khó khăn đang bủa vây nghề nuôi tôm ở nước ta. Làm thế nào để thoát khỏi tình trạng này và nuôi tôm thành công một cách bền vững.

Các vấn đề thường gặp khi nuôi tôm

Trong thời gian qua, nghề nuôi tôm ở nước ta thường vấp phải những vấn đề như: Chưa nắm bắt rõ quy trình nuôi tôm; nuôi không đúng mùa vụ theo khuyến cáo (thả tôm trước tháng 2 khi thời tiết biến động lớn); thả mật độ dày (có những vùng nuôi thả tới 150 – 200 con TTCT/m2); khẩu phần ăn không hợp lý, cho ăn quá mức quy định… dẫn đến ô nhiễm môi trường do các chất thải tích tụ trong ao, khí độc NH3, H2S tăng cao, tôm chậm lớn, bệnh và chết. Theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng, riêng trong tháng 3/2016, tôm chết do virus đốm trắng chiếm tới 26%.


Tôm “khoẻ”, người nuôi khoẻ – Ảnh: Thanh Nhã


Kỹ thuật để nuôi tôm thành công

Muốn nuôi tôm bền vững, tôm “khỏe”, cần thực hiện đầy đủ 5 nội dung của quy trình nuôi hay còn gọi là quy tắc “5 ngón tay”, nếu thực hiện không đầy đủ sẽ gặp rất nhiều rủi ro.

Người nuôi cần tuân thủ những nguyên tắc sau:

Về hệ thống nuôi: Địa điểm nuôi nằm trong vùng quy hoạch; xây dựng hệ thống nuôi (ao nuôi, ao lắng, ao lọc, ao xử lý, mương tiêu mương dẫn); cải tạo ao nuôi: tháo cạn, vét bùn, phơi khô và khử trùng; lấy nước vào ao nuôi qua màng lọc không cho sinh vật hại tôm, bón chế phẩm vi sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất; gây màu nước cho ao nuôi: 5 kg mật đường + 5 kg bột cá hoặc đậu tương cho 1.000 m3 nước, mỗi ngày bón 1 lần, bón 3 – 5 lần.

Giống và thả giống: Chất lượng giống theo quy định của Bộ NN&PTNT. Mật độ nuôi: Phụ thuộc vào các yếu tố như trình độ kỹ thuật và quản lý của người nuôi; Công trình nuôi (thiết bị, độ sâu của ao, chất lượng nguồn nước, mùa vụ nuôi. Với tôm sú: Bán thâm canh mật độ 5 – 10 con/m2; nuôi thâm canh mật độ 20 – 30 con/m2. Tôm thẻ chân trắng: bán thâm canh 30 – 40 con/m2, thâm canh 60 – 80 con/m2). Mùa vụ nuôi: Một năm có thể nuôi tôm sú 1 vụ hoặc 2 vụ tôm thẻ chân trắng từ tháng 4, 5 đến tháng 8, 9 thu hoạch, những vụ khác đều không có hiệu quả hoặc không cho thu hoạch; Khi thả tôm giống từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 hàng năm hầu hết tôm đều bị bệnh đốm trắng và những bệnh khác gây chết hàng loạt, tới 70 – 90%, có khi 100%.

Thức ăn và quản lý thức ăn: Lựa chọn thức ăn theo tiêu chuẩn 28 TCN 102: 2004 (TCVN: 2008), không có kháng sinh và hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản (Theo Thông tư số 15/2009/TT-BNN ngày 17/3/2009 của Bộ NN&PTNT); Cho ăn theo 4 định: chất lượng, số lượng, thời gian và vị trí.

Quản lý môi trường nuôi:

– Phương pháp cơ học: Quạt nước, sục khí đảm bảo các chỉ tiêu môi trường tối ưu như: ôxy hòa tan > 4 mg/l (tôm sú), > 5 mg/l (TTCT); xi phông đảm bảo đáy ao nuôi không nhiễm bẩn.

– Phương pháp hóa học: định kỳ bón vôi đảm bảo độ kiềm trong ao đạt 100 – 160 mg CaCO3/l; pH 7,5 – 8,5; độ trong  30 – 40 cm.

– Phương pháp sinh học: định kỳ dùng chế phẩm vi sinh làm sạch môi trường, đảm bảo các chất độc như NH3 < 0,1 mg/l, NO2 < 0,25 mg/l; H2S < 0,02 mg/l.

 Quản lý sức khỏe tôm nuôi:

– Những bệnh thường gặp gây nguy hiểm cho tôm nuôi (bệnh virus: WSSV, MBV, YHD, TSV, IHHNV, HPV, IMNV; bệnh vi khuẩn: Vibriosis, EMS/AHPNS, NHP; Bệnh ký sinh trùng: bệnh vi bào tử, bệnh sinh vật bám; bệnh phân trắng; bệnh mềm vỏ, bệnh do độc tố (NH3, NO2, H2S)

– Tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi: Thường xuyên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cao như acid amin, dầu mực, vitamin và khoáng. Chọn giống sạch bệnh, kiểm tra con giống không nhiễm các bệnh theo quy định của Bộ NN&PTNT. Không dùng kháng sinh và các hóa chất cho tôm nuôi.

Email
Họ tên
Nội dung

Top