Giải pháp kiểm soát bệnh do vi khuẩn Vibrio
Đánh giá bài viếtMặc dù là tác nhân gây hội chứng chết sớm (EMS) cho tôm sú, tôm thẻ chân trắng từ lâu nhưng gần đây Vibrio parahaemolitycus mới được phát hiện lần đầu tiên trên tôm hùm. Bệnh gây thiệt hại nặng nề cho người dân tại vùng nuôi tôm Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên trong những ngày vừa qua.
Đặc điểm và khả năng gây bệnh
Giống Vibrio thuộc họ Vibrionaceae, bộ Vibrionales, lớp Gammaproteobacteria, ngành Proteobacteria, có đặc điểm chung: Gram âm, hình que thẳng hoặc hơi uốn cong, nên còn được gọi là phẩy khuẩn, kích thước tế bào từ 0,3 – 0,5 x 1,4 – 2,6 micromet. Những loài thuộc giống Vibrio không hình thành bào tử và chuyển động nhờ một hoặc nhiều tiên mao; sống yếm khí không bắt buộc, không sinh H2S, hầu hết có đặc tính ôxy hóa, lên men đường Glucose và phát triển trong môi trường nước biển.
Các chủng Vibrio spp. gây nhiều bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, đặc biệt là trên cá biển, tôm nuôi nước lợ và tôm hùm nuôi lồng. Cụ thể, trên cá biển nuôi, Vibrio parahaemolyticus, V. alginolyticus gây bệnh xuất huyết trên cơ thể, xuất hiện các vết lở loét ở thân, cuống đuôi và vây ở cá mú giống và cá mú thịt (Leong tak Seng,1994; Somkiat Kanchanakhan, 1996; Nguyễn Thị Thanh Thùy et al., 2009). Hội chứng đường ruột ở cá mú là do vi khuẩn Vibrio alginolyticus và V. carchariae (Lee et al., 1995; Yii et al., 1997). Bên cạnh đó, nhóm vi khuẩn này còn gây triệu chứng mắt lồi và mù mắt, làm khả năng bắt mồi của cá kém đi, từ đó làm cá yếu dần và chết (Sindermann, 1970; Richardol, 1972; Lom, 1970). Trên tôm nuôi nước lợ, Vibrio parahaemolyticus mang gen gây độc là nguyên chính gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (hay còn gọi là bệnh chết sớm), gây chết đến 90 – 100% tôm nuôi (Lightner et al., 2012, 2013). Trên tôm hùm nuôi lồng, vi khuẩn Vibrio alginolyticus gây bệnh đỏ thân, đặc biệt ở giai đoạn ương giống, tỷ lệ chết có thể từ rải rác đến hàng loạt (Võ Văn Nha và Đỗ Thị Hòa, 2006). Ngoài ra, một số loài Vibrio như V. parahaemolyticus, V. harveyi, V. splendidus, V.vulnificus gây bệnh phát sáng ở ấu trùng tôm nước lợ; bệnh đỏ dọc thân, bệnh ăn mòn vỏ kitin trên tôm nuôi nước lợ cũng đã được nhiều thông báo đề cập.
Kiểm soát để hạn chế việc xuất hiện các chủng Vibrio kháng thuốc
Tăng cường tập huấn để người nuôi được trang bị thêm những hiểu biết về kháng sinh và nguyên tắc dùng kháng sinh trong nuôi thủy sản. Kháng sinh chỉ dùng để trị bệnh nhiễm khuẩn, phải dùng đúng chủng loại, đúng liều, đúng thời gian và đúng thời điểm. Không sử dụng kháng sinh với liều thấp hay dùng để phòng bệnh trên thủy sản nuôi. Thiết lập chương trình giám sát vi khuẩn kháng kháng sinh ở cấp độ quốc gia, cấp tỉnh để hạn chế việc xuất hiện các chủng vi khuẩn kháng thuốc.
Kiểm soát/quản lý nguồn vi khuẩn Vibrio vào hệ thống nuôi
Loại trừ triệt để nguồn Vibrio từ ngay bên trong hệ thống nuôi. Đối với ao nuôi thủy sản cần cải tạo kỹ trước khi thả giống; loại bỏ chất hữu cơ trong ao bằng các biện pháp như: Xi phông đáy, thay nước (nếu có ao lắng và nước được xử lý kỹ), dùng men vi sinh cải tạo đáy ao trong quá trình nuôi. Đối với các hệ thống lồng/bè nuôi cần sát trùng lồng/bè, lưới lồng bằng các biện pháp cọ rửa, phơi nắng hay dùng nước vôi quét bên trong và bên ngoài lồng/bè nuôi. Khi phát hiện thủy sản nuôi bị bệnh chết, lập tức vớt ra khỏi ao/lồng nuôi. Không vứt xác chết bừa bãi mà phải được chôn vào hố cách ly có rải vôi bột hay đem tiêu hủy.
Xử lý/sát trùng đàn giống khỏe mạnh trước khi đưa vào hệ thống nuôi, tùy theo kết quả theo dõi, kiểm tra nguồn gốc, chất lượng đàn giống thu/mua mà chọn loại thuốc phù hợp.
Hạn chế nguồn vi khuẩn Vibrio vào hệ thống nuôi có nguồn gốc từ thức ăn bằng các biện pháp: Lựa chọn loại thức ăn đảm bảo chất lượng (nếu là thức ăn công nghiệp); rửa và sát trùng thức ăn tươi bằng thuốc tím (nếu là thức ăn tươi).
Sử dụng thực thể khuẩn (Bateriophage, gọi tắt là phage)
Thực thể khuẩn (phage) là kẻ thù tự nhiên của vi khuẩn, do đó chúng được sử dụng như là hướng mới trong lĩnh vực thuốc thủy sản nhằm dần thay thế sử dụng kháng sinh trong kiểm soát, điều trị bệnh nhiễm khuẩn ở thủy sản nuôi. Trên ấu trùng tôm sú nuôi bị nhiễm V. harveyi khi sử dụng phage đã cho tỷ lệ sống cao gấp 2 lần so với khi không được dùng phage (Vinod et al., 2006; Martinez, 2010). Trên ấu trùng tôm thẻ chân trắng bị nhiễm V. parahaemolyticus, khi dùng phage cũng cho tỷ lệ sống được cải thiện (Lomelis et al., 2014). Ngoài ra, phage cũng có khả năng làm giảm tỷ lệ nhiễm V. alginolyticus trên hậu ấu trùng tôm thẻ chân trắng (Võ Văn Nha, 2015). Ở cá nuôi, phage cũng đã được chứng minh là kiểm soát được các bệnh do V.anguillarum trên cá hồi Salmo salar (Higuera et al., 2013); bệnh do Aeromonas hydrophila và Edwardsiella ictaluri ở lươn Anguillajaponica (Hsu et al., 2000); bệnh do A. hydrophila trên cá chạch bùn Misgurnus anguilli caudatus (Jun et al., 2013); bệnh do A. hydrophila và A. dhakensis trên cá tra Pagasianodon hypophthalmus (Nguyễn Thị Hiền et al., 2018); bệnh do Weissellaceti trên cá hồi vân Oncorhynchus mykiss (Trương Đình Hoài et al., 2018).
Sử dụng hoạt chất sinh học sản sinh từ vi sinh vật
Điển hình cho hướng này là việc tách chiết phenazines từ vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa để kiểm soát bệnh do vi khuẩn đã được tiến hành ở nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Đức, Ấn Độ, Thái Lan… và gần đây là ở Việt Nam.
Phenazines là nhóm hoạt chất sinh học gồm: Pyocyanin (PYO), phenazine-1-carboxylic (PCA), phenazine-1-carboxamide (PCN), D-allanyl-griseoluteic acid (AGA), 1-Hydroxyphenazine, 2-Hydroxyphenazine, 2-Hydroxyphenazine-1-carboxylic acid, 1,6-Dihydroxyphenazine 5,10-N-dioxide (Iodinin). Các kết quả thử nghiệm cho thấy, pyocyanin (PYO) không độc và có thể sử dụng thay thế kháng sinh để điều trị bệnh nhiễm khuẩn do Vibrio spp. gây ra ở tôm (Chythanya et al., 2002; Chen et al., 2008; Rahman et al., 2009; Priyaja P., 2012; Priyaja P. et al., 2014; Priyaja P. et al., 2016). Ngoài ra, pyocyanin còn được sử dụng trong các hệ thống NTTS tuần hoàn (RAS), hệ thống lọc sinh học (RBSBR), hệ thống bioreactor (PBBR) nhằm loại bỏ Vibrio spp. mà không gây hại hay ức chế các tập đoàn vi khuẩn nitrate – là những vi khuẩn có lợi, thường xuyên có mặt trong các hệ thống này (Achuthan et al., 2006; Kumar et al., 2009; 2010).
Sử dụng chủng vi sinh vật có lợi
Hiện nay, việc sử dụng các chủng vi khuẩn có lợi như: Bacillus spp., Nitrosomonas spp., Nitrobacter spp., Lactobacillus spp. và Rhodopseudomonas spp. để kiểm soát vi khuẩn Vibrio gây bệnh ở thủy sản nuôi là rất phổ biến. Các sản phẩm chứa các vi khuẩn sống có lợi (probiotic) được dùng bằng cách trộn vào thức ăn của thủy sản nuôi hoặc đưa vào môi trường nuôi với mục đích kiểm soát mật độ vi khuẩn gây bệnh ở ruột và ngoài môi trường sống của thủy sản nuôi. Ngoài ra, probiotic còn kích thích tăng trưởng, tăng sức đề kháng của thủy sản nuôi. Tuy nhiên, khi sử dụng probiotic cần được chú ý: Phương thức sử dụng và chất lượng của sản phẩm (số lượng vi khuẩn hữu ích trong sản phẩm cần phải đạt ít nhất 108 cfu/ml, tính ổn định cao, sản xuất và bảo quản phải tốt).
Ứng dụng công nghệ Quorum sensing để phòng bệnh nhiễm khuẩn do Vibrio
Quorum sensing (QS) là một hình thức giao tiếp giữa các tế bào vi khuẩn. Hiện nay, nghiên cứu tập trung vào việc làm giảm hiệu suất QS, nghĩa là sử dụng các chất để ức chế hoặc cắt việc phát và thu nhận tín hiệu của vi khuẩn gây bệnh nhằm kiểm soát sự phát triển của chúng. Việc ứng dụng công nghệ QS trong phòng bệnh do Vibrio gây ra ở thủy sản nuôi, đặc biệt sử dụng hỗn hợp các chất tự nhiên khác nhau để can thiệp vào hệ thống QS của vi khuẩn Vibrio harveyi nhằm phòng bệnh phát sáng ở ấu trùng tôm he cũng đã được Coutteau P.(2010) chứng minh là có hiệu quả. Đồng thời, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, vi khuẩn gây bệnh kháng lại các chất có tác dụng ức chế hoặc phá vỡ hệ thống QS của vi khuẩn rất thấp, trái ngược với khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn (Defoirdt et al., 2010; Coutteau P., 2010). Do đó, phương pháp làm giảm hiệu QS (còn gọi là dập tắt QS) là một hứa hẹn nhằm thay thế kháng sinh để kiểm soát bệnh do Vibrio ở thủy sản nuôi trong tương lai.
Tăng cường sức đề kháng của thủy sản nuôi thông qua dinh dưỡng và quản lý môi trường
Chọn được đàn giống khỏe mạnh, không bị nhiễm các bệnh nguy hiểm; Vận chuyển, thả đúng quy trình kỹ thuật; Cải tiến phương pháp quản lý nuôi dưỡng như nuôi ở mật độ hợp lý.
Trong quá trình nuôi, tránh làm xây xát cá; cho ăn với kích cỡ, số lượng, chất lượng thức ăn phù hợp với đặc điểm, điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển thủy sản nuôi.
Bổ sung vitamin tổng hợp, Vitamin C và men tiêu hóa (có thành phần Lactobacillus sp., Bacillus subtilis) vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng thủy sản nuôi đối với vi khuẩn gây bệnh. Đặc biệt, vào các tháng trước mùa xuất hiện bệnh vi khuẩn xảy ra (mùa hè và lúc giao mùa).
Sử dụng thuốc kháng sinh
Khi thật sự cần thiết và biết rõ nguyên nhân gây bệnh ở thủy sản nuôi là do nhiễm khuẩn, thì có thể sử dụng một số loại kháng sinh đã được Bộ NN&PTNT cho phép lưu hành, sử dụng trong NTTS (Thông tư số 10/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016). Loại kháng sinh, liều lượng, thời gian và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cần lưu ý rằng, không sử dụng kháng sinh với liều thấp để phòng bệnh trên thủy sản nuôi vì điều đó sẽ gây hiện tượng kháng kháng sinh ở vi khuẩn gây bệnh.
Các tin mới nhất
Các tin cũ cùng mục
- Xử lý ao nuôi khi khi bị đốm trắng(17/08/2021)
- Xử lý bệnh đục cơ trên tôm(17/08/2021)
- 5-ALA – Phụ gia khắc phục bệnh tôm chết sớm(17/08/2021)
- Phòng trị hiện tượng tôm bị teo gan(17/08/2021)
- Chiến lược kiểm soát bệnh đốm trắng ở tôm(17/08/2021)
- Giải pháp kiểm soát virus trong ao nuôi(17/08/2021)
- Phòng trị hội chứng Zoea 2(17/08/2021)
- Một số bệnh thường gặp trên tôm hùm(17/08/2021)
Bình luận bài viết