Kỹ thuật nuôi tôm hùm trên bể
Đánh giá bài viếtBài viết giới thiệu về công nghệ nuôi tôm hùm trong bể với hệ thống tuần hoàn (RAS), có sử dụng thức ăn công nghiệp. Các kết quả đạt được làm nền tảng để từng bước hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi tôm hùm bông thương phẩm bằng 100% thức ăn công nghiệp trong hệ thống RAS.
Yêu cầu cơ sở, vật chất
Bể nuôi tôm hùm: Diện tích bể 100 m2; bể nuôi dạng tròn (hình tròn hoặc đa giác đều) vật liệu xi măng; nhựa tổng hợp hoặc bạt đủ dầy. Bể sâu khoảng 0,8 – 1 m nước, chiều cao 1,2 m. Lỗ thoát ở tâm đáy bể có đường kính tối thiểu 60 mm đối với bể 25 m3. Độ dốc đáy bể về lỗ thoát ở tâm là 5 – 8% để gom chất thải.
Thiết bị, hệ thống loại chất thải rắn: Có thể lắp đặt 1 bể lắng chất thải rắn (bể ly tâm) được thiết kế theo dạng hình tròn, ống xả nước đặt ở vị trí tâm, độ dốc nghiêng về tâm khoảng 5 – 8%, đường kính 4 m; sâu 1 m. Lắp đặt ống thông từ bể nuôi vào bể ly tâm sao cho duy trì dòng chảy để gom chất thải rắn vào tâm bể.
Thiết bị loại các chất lơ lửng kích thước nhỏ: Có thể thay thế skimmer (máy vớt bọt) bằng thiết bị đảo khí. Thiết bị đảo khí được thiết kế là 1 ống nhựa dài 1,2 – 1,4 m, đường kính 49 mm được đặt thẳng đứng từ đáy bể, vuông góc với nền đáy bể sao cho ống này cao hơn mức nước trong bể 5 – 10 cm. Trong ống nhựa này đặt một đá bọt khí.
Bể lọc sinh học: Bể lọc sinh học thiết kế 3 ngăn trong đó kích thước tương ứng là 1,8×1,4×1,2 m3; 1,6×1,4×1,2 m3 và 1,6×1,4×1,2 m3. Ngăn đầu dùng vật liệu lọc cỡ hạt lớn (3 – 7 cm) để tránh tắc nghẽn; ngăn thứ 2 và 3 dùng hạt nhỏ hơn (1 – 3 cm) để tăng khả năng chuyển hóa TAN và NO2. Có thể dùng hạt lọc là san hô cành hoặc đá cuội. Trong mỗi ngăn lọc đặt 4 thiết bị đảo khí để loại bỏ protein trôi nổi và đối lưu dòng nước trong bể lọc.
Bể chứa: Bể có thể tích linh động 10 – 20 m3, hình dạng không bắt buộc, có chức năng chứa nước sau xử lý từ bể lọc sinh học. Ở đây có thể đặt thiết bị ổn nhiệt (trong trường hợp nuôi tôm ở vùng có mùa đông lạnh hoặc mùa hè nắng nóng).
Thiết bị khác: Máy bơm 14 m3/h và đèn UV có thể xử lý vi sinh vật gây bệnh ở lưu tốc dòng chảy 14 m3/h. Máy thổi khí cung cấp ôxy và loại CO2. Thiết bị (hoặc kit thử nhanh) đo các yếu tố môi trường.
Xử lý nước
Nguyên tắc: Nước từ bể nuôi tôm được thải ra, tự chảy vào bể lắng (hoặc trống lọc), tại đây chất thải dạng hạt sẽ được giữ lại. Tiếp theo đó, nước chảy qua bể lọc sinh học, tại đây nước được các vi sinh vật xử lý các hợp chất nitơ chuyển amonia độc hại sang dạng NO2-N độc hại, NO2-N lại tiếp tục được chuyển thành NO3-N ít độc. Sau đó, nước từ bể lọc sinh học chảy qua bể chứa, làm mát, sục khí ôxy trước khi được bơm qua hệ thống UV diệt khuẩn trở về bể nuôi tôm.
Chuẩn bị: Nước biển sạch đủ tiêu chuẩn được bơm vào bể chứa; xử lý bằng Chlorine 20 ppm, sục khí trong điều kiện chiếu sáng khoảng 2 – 3 ngày; trung hòa dư lượng Chlorine bằng Natri thiosunfat, kiểm tra hết dư lượng Chlorine bằng kit thử nhanh; nếu đảm bảo yêu cầu thì tiến hành dự trữ nước, sẵn sàng cho hoạt động nuôi.
Kích hoạt RAS
Sau khi xây dựng các bể, lắp đặt các thiết bị; cấp nước vận hành. Tiếp đó kích hoạt bể lọc sinh học. Bổ sung nguồn amonia vào bể ở hàm lượng 2 mg/l, cung cấp các dòng vi sinh vật Nitrosomonas (BIO-01) và Nitrobacter (BIO-super) vào bể lọc lượng 1 lít/loại, cho chạy bể lọc trong thời gian 2 – 3 tuần. Khi chạy bể lọc, đặt máy bơm ở bể chứa bơm nước về ngăn lọc số 1. Trong thời gian này không sử dụng đèn UV. Khi trên mặt hạt lọc xuất hiện màng nâu, nhớt đồng thời đo được hàm lượng TAN giảm dần và dưới ngưỡng 0,5 mg/l; NO2-N <0,08 mg/l là thời điểm bể lọc sinh học đã được kích hoạt. Khi đó cấp nước đủ vào cả hệ thống và cho chạy tuần hoàn, bật đèn UV sẵn sàng thả giống.
Con giống
Tôm hùm bông giống khi mua về được nuôi cách ly, xử lý bệnh. Tắm bằng chất kháng khuẩn nồng độ 50 ppm trong 60 phút; tắm ôxy già nồng độ 50 ppm trong 20 phút. Định kỳ tắm 1 lần/ngày, thực hiện 2 ngày liên tục trong tuần đầu, khi tôm lột xác xong sẽ được tuyển chọn đưa vào hệ thống nuôi. Con giống thả nuôi trong RAS đạt cỡ tối thiểu 20 g/con, không có các dấu hiệu bị bệnh sữa, bạc vỏ, gân trắng, đỏ cơ bụng, đen mang. Nếu bị gãy râu thì điểm gãy phải cách hốc mắt tối thiểu 1 cm. Thả tôm ở mật độ 10 con/m2 bể (cũng có thể thả đến 30 con/m2 sau đó san thưa trong quá trình nuôi).
Cho ăn
Thức ăn nuôi tôm hùm bông là thức ăn viên khô, đường kính viên từ 2 – 3 mm lên 3 – 4 mm tùy vào cỡ tôm nuôi. Thức ăn có độ đạm 52 – 54%; lipid 6 – 8%. Cho tôm ăn giai đoạn đầu 3 bữa/ngày vào 6 – 7h; 14 – 15h và 21 – 22h. Giai đoạn sau khi tôm cỡ 0,3 kg/con trở lên có thể giảm số bữa ăn xuống còn 2 lần/ngày vào 6 – 8h và 17 – 20h. Trong mỗi bữa ăn, thực hiện cho tôm ăn khoảng 3 – 4 lần, mỗi lần chiếm 25 – 30% tổng lượng thức ăn; mỗi lần cho ăn cách nhau 25 – 30 phút tùy vào sức ăn và lượng thức ăn cho tôm.
Quản lý hệ thống nuôi
Hàng ngày theo dõi khả năng ăn của tôm, tình trạng tôm lột xác cũng như các hoạt động khác để xử lý hoặc loại bỏ kịp thời các tôm bị bệnh (sữa, bạc vỏ). Định kỳ 3 ngày/lần xiphong, vệ sinh đáy các bể, bổ sung thêm nước mới, bổ sung men BZT® đã nuôi sinh khối với lượng 100 ml vào mỗi bể nuôi. Khoảng 1 lần/tuần bổ sung các dòng vi sinh vật Nitrosomonas (BIO-01) và Nitrobacter (BIO-super) với lượng 100 ml/loại vào bể lọc sinh học. Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường nước trong hệ thống, bổ sung chế phẩm Soda Mix với lượng 100 g/lần vào bể lắng. Chất lượng nước trong hệ thống nuôi phải đáp ứng yêu cầu như Bảng 1.
Định kỳ 1 lần/tháng kiểm tra tình trạng sức khỏe cho tôm, kết hợp tắm tôm bằng chất kháng khuẩn và ôxy già. Khi tắm xả cạn nước trong bể còn 20 – 30 cm và thực hiện tắm như trong xử lý con giống. Khi hàm lượng NO3-N đạt ngưỡng 50 mg/l thì tiến hành thay 50% nước trong hệ thống kết hợp xả cạn và vệ sinh bể lọc sinh học. Cứ 6 tháng thì tiến hành kiểm tra hiệu suất diệt khuẩn của đèn UV.
Thu hoạch
Sau 18 tháng nuôi tôm có thể đạt cỡ 0,8 – 1 kg/con. Xả cạn nước trong bể, lựa chọn những con tôm đủ cỡ, không mềm vỏ để thu hoạch. Tôm mới lột, kích thước chưa đạt thì tiếp tục được nuôi cho đến khi thành phẩm.
TS Mai Duy Minh
Viện Nghiên cứu NTTS III
Các tin mới nhất
Các tin cũ cùng mục
- Quản lý môi trường nuôi tôm trên cát(19/08/2021)
- Sử dụng kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng cho năng suất cao(19/08/2021)
- Áp dụng quy trình nuôi tôm theo công nghệ Biofloc tại Việt Nam(19/08/2021)
- Kiểm soát độ mặn ao tôm(19/08/2021)
- Thời gian đông máu của tôm(19/08/2021)
- Sử dụng và bảo quản thức ăn tôm(19/08/2021)
- An toàn tôm nuôi mùa nóng(19/08/2021)
- Mật độ nuôi TTCT trên ao lót bạt(18/08/2021)
Bình luận bài viết