Thứ 5, 19/08/2021 15:15:45 GMT+7

Sử dụng và bảo quản thức ăn tôm

Đánh giá bài viết

Sử dụng hợp lý thức ăn là chìa khóa quyết định thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Quan tâm đến nhu cầu dinh dưỡng

Protein

Cũng như các động vật thủy sản khác, tôm sử dụng protein là nguồn năng lượng chính. Nhu cầu protein của tôm thẻ chân trắng khoảng 30 – 35%, có thể sử dụng thức ăn có hàm lượng protein cao hơn khi tôm ở giai đoạn còn nhỏ. Bột cá, bột tôm, bột mực có hàm lượng protein 45 – 80% và chứa đủ các axit amin cần thiết, chứa nhiều axit béo không no (HUFA) thiết yếu và phù hợp với hệ tiêu hóa của tôm. Vì vậy, khi lựa chọn thức ăn, người nuôi không những cần tìm hiểu hàm lượng protein mà còn cần quan tâm đến thành phần nguyên liệu của sản phẩm.

Khoáng

Tôm có nhu cầu khoáng đa lượng (chủ yếu là canxi, phốt pho) cao hơn một số động vật thủy sản khác do phải trải qua quá trình lột xác. Trong thực tế, tôm có thể hấp thu trực tiếp khoáng qua mang từ môi trường nước, nên nhu cầu khoáng cho tôm phụ thuộc vào khoáng môi trường sống của tôm. Vì vậy, trong thức ăn tôm, mức canxi bổ sung tối đa là 2,3%, phốt pho 1 – 2%, NaCl 1 – 2%.

Lipid

heo Ts Lại Văn Hùng, Đại học Nha Trang, tôm không có muối mật và axit mật nên hạn chế việc tiêu hóa lipid. Vì vậy, hàm lượng lipid trong thức ăn phải luôn đảm bảo < 10%.


Chọn thức ăn viên có hình trụ, bề mặt mịn, kích cỡ phú hợp Ảnh: ST

Lựa chọn thức ăn

Khi lựa chọn thức ăn tôm, yếu tố đầu tiên cần quan tâm là màu sắc, mùi đặc trưng của chúng. Màu sắc yêu cầu từ vàng nâu đến nâu. Có mùi đặc trưng của nguyên liệu phối chế, không có mùi mốc và mùi lạ khác. Thức ăn không bị vón cục, và có độ đồng đều cao. Thức ăn viên gồm 6 loại được sử dụng cho các giai đoạn phát triển của tôm.

Trong giai đoạn tôm cỡ 0,1 – 8 g có thể sử dụng thức ăn dạng mảnh hoặc dạng viên, khi tôm > 8 g, chỉ sử dụng thức ăn dạng viên. Thức ăn viên có hình trụ, bề mặt mịn, kích thước đáp ứng được đối với kích cỡ miệng tôm. Với thức ăn dạng mảnh, yêu cầu các hạt đều nhau, bề mặt mịn, kích cỡ phù hợp. Ngoài ra, thức ăn đạt chất lượng có tỷ lệ vụn, nát nhỏ hơn 1%. Để xác định tỷ lệ vụn, nát, lấy 100 – 200 g thức ăn, cho qua rây lưới với kích cỡ lỗ rây bằng 40% so với kích cỡ đồng đều. Cân toàn bộ phần đã lọt qua rây và tính phần trăm.

Độ bền là một trong những yếu tố quan trọng trong chế biến thức ăn cho tôm. Người nuôi tôm có thể thử độ bền bằng cách lấy khoảng 5 g thức ăn cho vào cốc thủy tinh có chứa nước trong để yên trong vài phút. Sau đó, cứ khoảng 15 phút dùng đũa khuấy nhẹ một vòng rồi quan sát. Nếu hầu hết các viên thức ăn vẫn còn giữ nguyên hình dạng và có thể cầm nhẹ lên mà không bị vỡ nát là thức ăn chưa bị rã. Độ bền của viên thức ăn được tính bằng số giờ quan sát kể từ khi thả thức ăn vào cốc thủy tinh chứa nước cho đến khi hầu hết các viên thức ăn vẫn còn giữ nguyên hình dạng ban đầu. Độ bền theo tiêu chuẩn quy định không nhỏ hơn 2 giờ.

 

Quản lý cho ăn

Yếu tố môi trường: Một vài yếu tố môi trường nước ao nuôi có ảnh hưởng đến việc cho tôm ăn. Trong đó, lượng ôxy hòa tan và nhiệt độ nước là hai yếu tố chính cần được quan tâm. Tôm giảm ăn khi hàm lượng ôxy hòa tan thấp hơn 4 ppm và ngưng ăn khi thấp hơn 2 ppm. Nhiệt độ nước thích hợp nhất là 28 – 300C. Khi nhiệt độ giảm đi khoảng 20C thì lượng thức ăn nên giảm khoảng 30% so với lượng thức ăn trung bình. Nên kiểm tra nhiệt độ nước trong ao trước khi cho tôm ăn. Nếu hàm lượng ôxy hòa tan và nhiệt độ nước chưa thích hợp thì cần chờ ánh sáng mặt trời chiếu xuống ao ít nhất 1 giờ rồi mới cho tôm ăn bữa đầu tiên trong ngày.

Hoạt động của tôm: Theo dõi cường độ bắt mồi của tôm hàng ngày và số lần cho ăn để điều chỉnh kịp thời. Chài tôm là biện pháp theo dõi thức ăn cũng như kiểm tra sức khỏe tôm tốt nhất, mỗi ao chài từ 4 đến 8 vị trí, các vị trí nên cố định cho các lần chài, chài trước khi cho ăn 30 phút, kiểm tra ruột tôm, nếu cả ruột tôm có màu thức ăn, thức ăn đang bị dư, nếu ruột tôm vừa có màu thức ăn và màu bùn đen, thức ăn đủ, còn trường hợp toàn bộ ruột tôm màu đen là biểu hiện của việc thiếu thức ăn. Tăng hay giảm thức ăn được điều chỉnh vào ngày hôm sau đúng vào bữa ăn mà hôm trước chài kiểm tra, làm như vậy cho tất cả các bữa ăn sẽ tính được lượng ăn chính xác cho từng bữa.

Phương pháp cho ăn: Không như cá, tôm thường khu trú cố định và không bơi đi xa để bắt mồi. Do vậy, cần phân phối thức ăn đều trên khắp mặt ao hoặc nơi tôm khu trú. Đồng thời, khi bơi tôm thường bơi ngược dòng nước, chính vì thế mà cần rải thức ăn theo dòng nước chảy. Có thể cho tôm ăn bằng tay, sử dụng thuyền, cho ăn bằng máy. Sử dụng máy cho tôm ăn có ưu điểm sẽ cho tôm ăn được nhiều lần trong ngày và đúng giờ, có thể kiểm soát và điều tiết lượng ăn bằng chương trình cài đặt sẵn.

Số lần cho ăn: Do tôm ăn chậm và liên tục nên cần cho ăn nhiều lần trong ngày. Nên chia thức ăn trong ngày ra nhiều lần, tháng thứ nhất khoảng 2 – 3 lần, các tháng sau khoảng 4 – 5 lần là phù hợp để tôm có thể sử dụng hết lượng thức ăn, tránh lãng phí và giảm thiểu khả năng gây ô nhiễm môi trường.

 

Bảo quản thức ăn

Thức ăn phải được bảo quản trong khu vực khô ráo, thoáng khí và thông thoáng, nhiệt độ cần phải nhất quán. Bao thức ăn đặt trên kệ gỗ, không để trực tiếp trên sàn bê tông hoặc chạm vào tường của các bề mặt xây dựng vì dế dẫn đến sự phát triển của nấm mốc Aspergillus flavius. Tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp vì chúng sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng vitamin và chất béo của thức ăn. Không lưu trữ thức ăn quá 3 tháng sau khi sản xuất.

Không thể sử dụng thức ăn bị loãng, ướt hoặc cũ. Thiệt hại về kinh tế đôi khi sử dụng thức ăn kém chất lượng có thể lớn hơn chi phí liên quan đến việc loại bỏ nó. Sử dụng các chất bảo quản như canxi propionate và các chất chống ôxy hóa như ethoxyquin, BHA (butylated hydroxy anisole) và BHT (butylated hydroxyl toluene) để bảo quản thức ăn.

Nguyễn An
Email
Họ tên
Nội dung

Top