Thứ 4, 09/11/2016 10:22:00 GMT+7

Lợi kép từ nuôi rô phi VietGAP

Đánh giá bài viết

(Contom.vn) - Nuôi thủy sản theo VietGAP đang là hướng đi có nhiều triển vọng. Một trong những mô hình triển khai có hiệu quả trong thời gian qua là nuôi rô phi VietGAP gắn tiêu thụ sản phẩm đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện tại 5 tỉnh, thành trong cả nước.

Mô hình nuôi cá rô phi VietGAP tại Hải Phòng   Ảnh: Nguyễn Chi

Mô hình nuôi cá rô phi VietGAP tại Hải Phòng     Ảnh: Nguyễn Chi

Nhiều lợi ích

Báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho thấy, việc áp dụng VietGAP trong nuôi cá rô phi cho hiệu quả trên 4 phương diện: an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh và an sinh xã hội. Mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP được triển khai tại 5 tỉnh, thành phố trong năm 2016 (Bắc Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng) với diện tích 15 ha và 19 hộ dân tham gia xây dựng mô hình, không có hộ nào bị dịch bệnh, trong khi nhiều hộ xung quanh mô hình có cá bị dịch bệnh và chết. Tổng số cá trong mô hình thu được sau khi nuôi 5 - 6 tháng là 243 tấn, bình quân 16,2 tấn/ha/vụ. Mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp người nuôi thay đổi tư duy về nuôi thủy sản bền vững và nhận thức được những lợi ích thiết thực như: Tỷ lệ cá sống cao, dịch bệnh ít, thời gian nuôi ngắn và hệ số tiêu tốn thức ăn cũng ít, tỷ lệ thành công của người nuôi cũng cao vì sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng sẽ dễ bán hơn.

Tuy nhiên, điều được các hộ dân quan tâm hiện nay khi triển khai mô hình nuôi theo VietGAP đó chính là thị trường cho sản phẩm VietGAP. Như ông Nguyễn Văn Tiếp, Tổ trưởng Tổ chăn nuôi thôn Để Xuyên, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cho rằng, việc nhân rộng mô hình có thuận lợi hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó là vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay và đầu ra của sản phẩm. Nếu người sản xuất được tạo điều kiện về vốn thì việc nhân rộng mô hình mới khả thi. Cùng đó, để mô hình có hiệu quả và bền vững, mối liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cũng hết sức quan trọng. Đại diện một doanh nghiệp thủy sản tại Thanh Hóa cho biết, đơn vị sẵn sàng hợp tác với người nuôi trong bao tiêu sản phẩm, giúp gia tăng giá trị và lợi nhuận cho người sản xuất.

Để giải tỏa mối lo về đầu ra, bà Nguyễn Thị Hằng Vân, Giám đốc Công ty Phúc Hà chuyên cung cấp giống thủy sản ở huyện An Lão (Hải Phòng) cho biết sẽ tạo điều kiện cho người nuôi cá rô phi tiêu thụ sản phẩm nếu như cá đạt chất lượng tốt, an toàn...

Tích cực triển khai

Nhằm giúp nông dân trong tỉnh đẩy mạnh nuôi rô phi VietGAP hướng tới xuất khẩu, năm 2016 từ chương trình dự án Khuyến nông Trung ương, Trung tâm khuyến nông Thanh Hóa đã xây dựng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm với quy mô 1 ha, mật độ thả 3 con/m2, năng suất dự kiến đạt 14 tấn/ha. Mô hình được thực hiện tại xã Trường Giang, huyện Nông Cống.

Để mô hình đảm bảo các tiêu chí đề ra, Trung tâm đã tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân tham gia, người dân được hướng dẫn nuôi cá rô phi theo tiêu chuẩn VietGAP, từ lúc cải tạo ao đến khi thu hoạch, việc kiểm tra hàng ngày các chỉ tiêu về nhiệt độ, môi trường nước được duy trì thường xuyên, đặc biệt các hộ dân được hướng dẫn cách xây dựng, thiết lập hồ sơ, sổ nhật ký trong suốt quá trình nuôi. Về giống và thức ăn, Trung tâm đã lựa chọn giống cá rô phi đơn tính cỡ 4 - 6 cm/con đã được công bố chất lượng, con giống khi thả đồng cỡ, khỏe mạnh, không dịch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy kiểm dịch của cơ quan chức năng. Thức ăn có hàm lượng protein thô tối thiểu 24% và tối đa 40%, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng công bố về tiêu chuẩn thức ăn hỗn hợp cho cá rô phi.

Theo bà Đặng Thị Thanh, Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật thủy sản Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Hải Phòng, nghề nuôi cá rô phi ở Hải Phòng đã có truyền thống từ lâu nhưng cũng theo hướng tự phát, nhỏ lẻ, đầu ra bấp bênh, được mùa mất giá, mất mùa được giá... Năm 2016, được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, địa phương được thực hiện dự án “Xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm” đã tạo được những bước đi và giải pháp phù hợp, phát triển ổn định và bền vững nghề thủy sản. Để thuận lợi hơn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, đơn vị mong muốn Trung tâm Khuyến nông Quốc gia quan tâm, hỗ trợ việc xây dựng chứng nhận nhãn mác sản phẩm, giúp người tiêu dùng có thể phân biệt đâu là sản phẩm an toàn theo quy trình VietGAP.

Chi – Phương
Email
Họ tên
Nội dung

Top