Nuôi cá lồng bè bằng ống nhựa HDPE: Mở ra triển vọng mới
Đánh giá bài viếtNghề nuôi trồng thuỷ sản bằng lồng bè đang phát triển mạnh mẽ tại vùng biển Quảng Ninh với trên 8.000 ô lồng và liên tục tăng hằng năm bởi mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân. Tuy nhiên, tập quán nuôi cá lồng bè hiện nay của người dân vẫn sử dụng khung lồng bè là gỗ liên kết lại với nhau bằng dây cước, bu lông tạo thành các ô vuông; vật liệu nổi để nâng đỡ hệ thống ô lồng là phao xốp hoặc thùng nhựa...
Hệ thống lồng bè này có giá thành rẻ, dễ làm nhưng theo thời gian sử dụng phát sinh nhiều bất lợi như tuổi thọ ngắn, thường xuyên phải sửa chữa, thay thế dẫn đến tăng chi phí sản xuất trong quá trình nuôi. Đặc biệt, phao xốp có độ bền không cao, thường bị vỡ vụn thành các mảnh nhỏ nên khó có thể thu gom, rất ảnh hưởng tới môi trường. Việc áp dụng công nghệ mới vào giải quyết các việc trên đang là vấn đề cấp thiết với người nuôi. Do đó, năm 2016, Chi cục Thuỷ sản Quảng Ninh đã triển khai Dự án phát triển nghề nuôi cá lồng bè bằng vật liệu đảm bảo sóng gió và thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh.
Anh Đinh Hữu Hoè, thôn Thi Đua, xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn (bên trái) đang giới thiệu về lồng bè nuôi cá bằng ống nhựa HDPE của gia đình.
Theo đó, Dự án đã ứng dụng công nghệ lồng nuôi bè bằng ống nhựa HDPE. Đây là công nghệ rất mới ở Việt Nam, rất bền, chịu được sóng gió, di chuyển dễ dàng, có thể nuôi với thể tích lớn và dễ dàng kiểm tra, thu hoạch cá. Hệ thống lồng bè bằng ống nhựa HDPE có kết cấu theo hình vuông, gồm khung, lan can, giá nâng lưới, túi lưới, neo buộc cố định, inox 304. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Duy Chinh, Chi cục phó Chi cục Thuỷ sản Quảng Ninh, Tổ trưởng Tổ Dự án, cho biết: Từ năm 2015, Quảng Ninh đã có khoảng 15 lồng nuôi bằng ống nhựa HDPE theo công nghệ Đan Mạch. Tuy nhiên, lồng nuôi này quá lớn nên không phù hợp. Do đó, năm 2016, chúng tôi đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ lồng nuôi bằng ống nhựa HDPE theo công nghệ Na Uy với hệ thống lồng nuôi nhỏ.
Qua giới thiệu của lãnh đạo xã Thắng Lợi (Vân Đồn), chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Đinh Hữu Hoè, 1/3 hộ của xã tiên phong chuyển đổi lồng nuôi thuỷ sản bằng ống nhựa HDPE theo dự án này. Anh Hoè đã có gần 20 năm nuôi cá lồng bè, với khoảng 30 lồng bè. Các lồng bè sử dụng chủ yếu vật liệu gỗ, phao xốp.
Anh Hoè chia sẻ: Năm nào, gia đình tôi cũng phải sửa chữa, gia cố lồng bè với chi phí khá cao. Được tiếp cận Dự án, tôi nhận thấy những ưu điểm của vật liệu HDPE nên gia đình đã mạnh dạn đầu tư 75 triệu đồng để đóng 2 lồng với diện tích hơn 50m2 để nuôi cá. Cùng với đó, gia đình đã được hỗ trợ 3.200 con giống cá song, thức ăn và tập huấn khoa học kỹ thuật khi tham gia Dự án.
Được biết, xã đảo Thắng Lợi hiện có khoảng 70 hộ nuôi cá lồng bè, chủ yếu sử dụng phao xốp, gỗ nên những tác động của nó đối với môi trường biển là không nhỏ. Khi đến tham quan mô hình của anh Hoè, nhiều hộ cũng nhận thấy những ưu điểm khi nuôi cá lồng bè bằng vật liệu nhựa HDPE.
Anh Nguyễn Văn Khá, thôn Thi Đua, xã Thắng Lợi (Vân Đồn), cho biết: Qua tham quan, tôi được biết về những ưu điểm của ống nhựa HDPE làm lồng bè, nhất là độ bền cao. Tuy vậy, chi phí đầu tư cho loại lồng này rất tốn kém nên chúng tôi mong muốn tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ để có thể tiếp cận với công nghệ nuôi trồng thuỷ sản mới, thân thiện với môi trường.
Toàn tỉnh hiện có trên 8.000 ô lồng nuôi trên biển, trong đó tỷ lệ ô lồng nuôi sử dụng vật liệu phao xốp, gỗ chiếm trên 60%, còn lại 40% lồng bè đã chuyển sang vật liệu nổi bằng phi nhựa; số sử dụng ống nhựa HDPE rất ít. Hiện, Dự án đang được Chi cục Thuỷ sản triển khai tại các xã Hạ Long, Đông Xá, Bản Sen, Thắng Lợi và thị trấn Cái Rồng của huyện Vân Đồn; xã Tân Lập và Đầm Hà của huyện Đầm Hà với 15 hộ dân tham gia. Theo đó, Dự án đã hỗ trợ 100% chi phí mua con giống và chi phí triển khai khảo sát địa điểm, lắp đặt và vận hành lồng, kỹ thuật nuôi bằng lồng mới, phòng chống dịch bệnh và tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi trồng thuỷ sản...; hỗ trợ 30% chi phí thức ăn nuôi công nghiệp. Các hộ dân tham gia dự án sẽ đối ứng toàn bộ chi phí nhân công, trang thiết bị lồng nuôi, vật tư hoá chất, chi phí thức ăn. Đến nay, tất cả các hộ tham gia Dự án đã lắp đặt và thả cá trong lồng nuôi bằng nhựa HDPE với tổng diện tích 6.000m2. Qua đánh giá, cá nuôi tại lồng bè bằng ống nhựa HDPE sinh trưởng và phát triển tốt.
Ông Trần Duy Chinh nói: Sử dụng ống nhựa HDPE để làm lồng bè nuôi cá là xu thế mới, mang lại hiệu quả kinh tế cũng như bảo vệ môi trường. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu khắc phục một số hạn chế, cải tiến kỹ thuật nhằm giảm bớt chi phí để phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi địa phương. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi nuôi cá lồng bè bằng ống nhựa HDPE.
Các tin mới nhất
Các tin cũ cùng mục
- Đồng Tháp: Diện tích nuôi thủy sản giảm gần 400 ha(08/11/2016)
- Trà Vinh: Nuôi tôm sú kết hợp cá rô phi - mô hình đầy triển vọng(08/11/2016)
- Tổng sản lượng thủy sản 10 tháng ước đạt 5,5 triệu tấn(07/11/2016)
- Móng Cái: Hiệu quả nuôi tôm theo VietGAP(04/11/2016)
- Quản lý tôm càng xanh giai đoạn mùa mưa(04/11/2016)
- Nuôi tôm… trong nhà(01/11/2016)
- Mạnh tay đầu tư nuôi tôm công nghệ cao(28/10/2016)
- Cần tuân thủ lịch thời vụ thả nuôi tôm(25/10/2016)
Bình luận bài viết