Thứ 4, 18/08/2021 14:42:45 GMT+7

Nghiên cứu quy trình công nghệ nuôi thâm canh tôm chân trắng kiểm soát bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp ở quy mô trang trại

Đánh giá bài viết

Kết quả này đã xác định những điểm quan trọng trong nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hạn chế bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính, cụ thể như sau:

1) Chuẩn bị ao

Quan trọng nhất trong bước cải tạo ao là loại bỏ mầm bệnh còn tồn tại của vụ nuôi trước. Tháo nước, loại bỏ lớp bùn cũ ra khỏi ao nuôi. Phơi khô và cày lật để ôxy hóa đất loại bỏ khí độc và khoáng hóa đáy ao. Trường hợp không thể phơi khô thì gom bùn đáy vào giữa ao, dùng máy bơm áp lực cao tẩy rửa nền đáy ao và xi phông vào khu vực chứa thải. Đối với ao bị bệnh ở vụ nuôi trước thì phun xịt khử trùng nền đáy ao bằng Chlorine 30 ppm. Ao nuôi được thiết kế sao cho có thể xi phông cặn đáy ao định kỳ 1 tuần/lần để rút bớt lượng chất thải trong ao.

Trường hợp có ao lắng (chiếm ít nhất 30% diện tích nuôi): Nước cấp qua túi lọc vào ao lắng đến mức nước cần thiết. Để yên 2 – 3 ngày và xử lý bằng Chlorine 30 ppm, sau 4 ngày cấp sang ao nuôi đã được xử lý và cải tạo đáy ao.

Trường hợp không có ao lắng: Nước cấp qua túi lọc đạt đến 1,2 m. Chạy quạt và để yên 2 – 3 ngày, ngày thứ 3 xử lý bằng Chlorine 30 ppm. Quạt nước liên tục > 7 ngày để Chlorine phân hủy.


2) Gây màu và bổ sung vi khuẩn có lợi trước khi thả nuôi

Sử dụng chế phẩm vi sinh có nguồn gốc rõ ràng được ủ với cám gạo, mật rỉ đường, bột đậu nành. Ngoài ra, trong bước gây màu có thể bổ sung khoáng và Dolomite. Sau khi màu nước ổn định cần kiểm tra Vibrio tổng số trong nước và bùn (< 103 CFU/ml hoặc CFU/g). Kiểm tra V. parahaemolyticus bắt buộc không có trong mẫu bùn và nước trước khi thả giống. Kiểm tra các thông số môi trường nằm trong giới hạn cho phép thả giống: NH3 < 0,3 mg/l, NO2 < 0,5 mg/l, H2S < 0,03 mg/l, kiềm 100 – 150 mg/l, pH = 7,8 – 8,5, DO > 4 mg/l, độ mặn 10 – 30‰.


3) Chọn tôm giống

Tôm giống thả từ cỡ PL12 có màu sắc gan tụy và phụ bộ bình thường, phản xạ tốt, kích thước đồng đều và được kiểm tra không mang các mầm bệnh như WSSV, YHV, IHNNV, TSV, Vibrio parahaemolyticus gây AHPND, vi bào tử trùng EHP, IMNV, Vibrio phát sáng. Mật độ thả: 60 – 70 con/m2. Trong giai đoạn tôm nuôi khó, khuyến cáo không nên thả mật độ > 100 con/m2.


4) Quản lý và phòng bệnh tôm trong quá trình nuôi

a) Quản lý thức ăn:

Theo dõi sức ăn và điều chỉnh lượng thức ăn bằng cách canh sàng ăn. Điều chỉnh kích cỡ viên thức ăn phù hợp với trọng lượng thân của tôm. Giảm lượng thức ăn trong một số trường hợp sau:

– Trong thời gian tôm lột xác đồng loạt: Giảm lượng thức ăn 50%;

– Tảo dày đặc, nhiệt độ tăng > 330C, DO < 4 mg/l: Giảm 30 – 50% lượng thức ăn;

– Những ngày mưa bão, nhiệt độ < 250C cần giảm 30% lượng thức ăn;

  • Giảm số lần cho ăn vào cử tối đối với ao không đảm bảo cung cấp DO > 4 mg/l cho tôm nuôi.

b) Quản lý sức khỏe tôm:

Phòng bệnh tôm:

– Tuần đầu sau khi thả, ao được ổn định pH, tảo, khử khí độc và cải thiện đáy ao bằng cách bổ sung chế phẩm vi sinh (định kỳ 3 ngày/lần), Dolomite và khoáng chất.

– Tuần nuôi thứ 2 phối trộn một trong các sản phẩm kháng khuẩn (acid hữu cơ hoặc chất chiết xuất từ thảo dược), trộn Vitamine C, chất kích thích miễn dịch beta-Glucan cho ăn liên tục. Hàng tuần, kiểm tra Vibrio tổng, Vibrio parahaemolyticus trong nước và tôm và quyết định biện pháp xử lý khi cần thiết (Vibrio khuẩn lạc xanh trên môi trường TCBS không vượt quá 600 CFU/ml, Vibrio khuẩn lạc vàng không quá 800 CFU/ml). Trường hợp thấy biểu hiện xấu trên gan tụy thì tăng liều sử dụng chất kháng khuẩn và chất kích thích miễn dịch gấp 2 – 3 lần. Kháng sinh chỉ sử dụng khi cần thiết và có kiểm tra kháng sinh đồ, sử dụng loại được phép sử dụng với liệu trình sử dụng 7 – 10 ngày sau đó tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe tôm mà quyết định dùng tiếp hay không.

– Tuần nuôi thứ 4 đến tuần thứ 6 ngoài việc sử dụng các loại thức ăn đã được trộn sẵn các chất kháng khuẩn, thì cần phối hợp quan sát hoạt động bắt mồi và sức ăn cũng như tình trạng chuyển biến màu sắc gan tụy hàng ngày để có biện pháp xử lý phù hợp. Hàng tuần,kiểm tra Vibrio tổng, Vibrio parahaemolyticus, bổ sung chất kháng khuẩn, chế phẩm vi sinh, vitamine, chất kích thích miễn dịch. Ngoài ra còn bổ sung thêm khoáng, chất bổ trợ gan, xi phông đáy ao và thay nước.

– Tôm trên 2 tháng tuổi lúc này môi trường ao nuôi tích tụ nhiều chất hữu cơ và chất thải trong ao. Chính vì vậy quản lý nguồn nước tốt để đảm bảo tôm khỏe, theo dõi chặt chẽ các chỉ tiêu như NH3, H2S, độ kiềm và tảo. Thường xuyên quan sát hoạt động của tôm, đặc biệt vào ban đêm để kịp thời phát hiện những hiện tượng bất thường trong ao nuôi. Định kỳ hàng ngày thu tôm từ sàng ăn để quan sát phần phụ, tình trạng gan tụy, màu sắc thân tôm, thức ăn trong dạ dày, ruột. Đồng thời dùng chài thu mẫu định kỳ hàng tuần để kiểm tra tăng trọng và kiểm tra tình trạng sức khỏe tôm nuôi. Khi thấy tôm có biểu hiện bất thường hoặc có dấu hiệu bệnh lý phải xác định rõ nguyên nhân để xử lý.

Kiểm soát bệnh tôm:

Một số bệnh thông thường trên tôm nuôi cần được kiểm soát (bảng 1)


Viện Nghiên cứu NTTS II
Email
Họ tên
Nội dung

Top