Thứ 4, 18/08/2021 14:44:45 GMT+7

Quản lý tốt môi trường ao nuôi

Đánh giá bài viết

Trong hoạt động nuôi tôm nước lợ việc quản lý tốt môi trường nước ao nuôi tôm là vô cùng quan trọng, bởi đây là yếu tố quyết định đến việc sinh trưởng, phát triển, cũng như sức đề kháng bệnh của tôm nuôi.

Ổn định môi trường nước

Để quản lý được các yếu tố môi trường trong ao tôm cần thiết phải đo các chỉ tiêu ôxy hòa tan, pH và độ trong hàng ngày; còn các chỉ tiêu khác như độ kiềm và NH3 có thể 3 – 5 ngày/lần.

Trong tháng thứ nhất cần giữ màu nước thích hợp (màu xanh nõn chuối) tạo sự ổn định các chỉ số môi trường, tránh sinh tảo đáy hoặc tảo phát triển quá mức.

Trong tháng thứ 2, giữ màu nước thích hợp (xanh nâu, đục), mực nước sâu 1,4 – 1,8 m để tránh chênh lệch các yếu tố môi trường, không gây sốc cho tôm.

Định kỳ 20 – 25 ngày xử lý nước và đáy ao bằng chế phẩm sinh học theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Quạt nước, sục khí bổ sung ôxy từ 19h đến 5h sáng hôm sau.

Duy trì độ kiềm từ 120 mg CaCO3/lít trở lên bằng cách sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite và thường xuyên bổ sung khoáng cho ao nuôi 3 – 5 ngày/lần vào ban đêm, giúp tôm nhanh cứng vỏ và lột xác đồng loạt.

Định kỳ 4 – 5 ngày/lần kiểm tra mật độ vi khuẩn của nước và chất đáy ao nuôi bằng đĩa thạch.

Sử dụng kháng sinh phù hợp để khống chế vi khuẩn có hại trong môi trường ao. Kết hợp sử dụng chế phẩm vi sinh có lợi để ức chế, kiểm soát các vi sinh vật có hại nhưng cần hạn chế sử dụng men vi sinh trong giai đoạn tôm mới thả đến 1,5 tháng tuổi.


Sử dụng sục khí để duy trì lượng ôxy trong ao nuôi Ảnh: Hoàng Trong


Xử lý các trường hợp môi trường biến động

Khi pH thấp có thể khắc phục bằng cách gây tảo và giữ màu nước thích hợp, nếu pH < 7,5 cần bón vôi (CaCO3, Dolomite) với liều 10 – 20 kg/1.000 m3 nước; nếu pH > 8,5 sử dụng mật đường với liều lượng 3 kg/1.000 m3, kết hợp sử dụng vi sinh hoặc dùng sản phẩm C TẠT theo hướng dẫn nhà sản xuất.

Nếu độ kiềm thấp, khắc phục bằng cách sử dụng Dolomite 15 – 20 kg/1.000 m3 vào ban đêm, hoặc Soda lạnh (NaHCO3) nồng độ 20 ppm đến khi đạt yêu cầu; nếu độ kiềm cao cần sử dụng EDTA 2 – 3 kg/1.000 m3 vào ban đêm.

Bón CaCO3 định kỳ 10 ngày/lần vào lúc 20 – 21h với lượng 10 – 20 kg/1.000 m3 tùy theo độ mặn để điều chỉnh pH thích hợp.

Nếu độ mặn < 17‰, điều chỉnh pH 8,2 – 8,4; nếu độ mặn > 17‰, điều chỉnh pH giảm dần xuống  8,0 – 8,2; nếu độ mặn bằng 25‰, điều chỉnh pH 7,7 – 7,8. Đến 11 – 12h trưa ngày hôm sau, cấy vi sinh theo chỉ dẫn của nhà cung cấp để làm sạch môi trường.

Nếu độ mặn giảm đột ngột cần điều chỉnh bằng nước ót (nước muối) hoặc bổ sung muối hột. Khi tảo trong ao phát triển mạnh, màu nước thay đổi, pH dao động trong ngày lớn hơn 0,5 cần thay tối thiểu 30% lượng nước trong ao, hòa tan 2 – 3 kg đường cát/1.000 m2 và tạt đều vào lúc 9 – 10h sáng; đồng thời chạy quạt, sục khí liên tục trong vài giờ.

Khi nhiệt độ nước > 340C, cần giảm thức ăn, bổ sung vitamin C bằng cách trộn vào thức ăn, tăng thời gian chạy quạt nước/sục khí. Trường hợp nhiệt độ nước giảm dưới 240C, tôm có hiện tượng vùi đầu, phải giảm thức ăn và sử dụng các sản phẩm như Vitamin C, Premix… giúp tôm tăng đề kháng. Đồng thời hạn chế lấy nước vào ao nuôi, khi cần thiết lấy nước vào từ ao chứa qua túi lọc.

>>  Ngoài việc đảm bảo chất lượng giống, xử lý nguồn nước vào đúng kỹ thuật, chọn thức ăn chất lượng, nếu người nuôi tôm duy trì được các yếu tố thủy lý hóa trong ao tôm ở mức phù hợp với tôm nuôi là coi như đã nắm chắc thành công.

Quang Trí
Email
Họ tên
Nội dung

Top