Giám sát môi trường ao nuôi tôm
Đánh giá bài viếtQuản lý các yếu tố môi trường trong ao nuôi tôm quyết định thành bại của cả vụ nuôi. Vì vậy, giám sát và duy trì ổn định các yếu tố là việc làm cần thiết.
Hàm lượng ôxy hòa tan (DO)
Nhu cầu ôxy của tôm nhiều hay ít tùy thuộc vào kích cỡ, mật độ nuôi, nhiệt độ và độ mặn… Theo Swingle (1969), DO lý tưởng cho tôm là trên 5 ppm. Hàm lượng DO < 5 ppm tôm vẫn bắt mồi nhưng tiêu thụ thức ăn chậm và tăng nguy cơ nhiễm bệnh, nếu hàm lượng ôxy 2 – 3 ppm tôm sẽ ngừng bắt mồi và yếu hẳn, DO < 2 ppm tôm sẽ chết ngạt. Nguyên nhân làm cho hàm lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi thấp là do sau khi xử lý một số hóa chất như formalin, chlorine, BKC, sunfat đồng…; cho ăn quá dư thừa hoặc bón phân quá liều dẫn đến hiện tượng tảo nở hoa; trời u ám…
Cách khắc phục: Thay nước, giảm cho ăn. Dùng viên ôxy tức thời 1 – 2 kg/1.000 m3 rải trực tiếp xuống ao nuôi.
Trong ao nuôi tôm thâm canh hiện nay, quạt nước là nguồn cung cấp ôxy chủ yếu cho tôm. Cần chú ý đến số lượng quạt, cách đặt quạt, vị trí đặt…
+ Thường ao có độ sâu 1,5 m, diện tích 5.000 m2 phải dùng 4 – 6 máy.
+ Ao sâu 1,5 m trở lên cần 6 – 8 máy, máy đặt cách bờ 4 – 5 m.
Chạy quạt 30 phút trước khi cho tôm ăn, sau đó tắt quạt mới cho ăn nhằm tăng ôxy kích thích tôm ăn nhiều; buổi chiều lúc 15 – 16 giờ chạy quạt 30 – 60 phút nhằm phá tầng nước nóng trên mặt tránh tình trạng tối tôm nổi lên mặt nước do bị sốc nhiệt.
Quạt nước là nguồn cung cấp ôxy chủ yếu trong ao nuôi tôm – Ảnh: Quốc Minh
Độ mặn
Tôm thẻ chân trắng có thể nuôi ở độ mặn 0 – 37‰ tốt nhất là 5 – 10‰. Tôm sú nuôi được độ mặn tương đối rộng 2 – 35‰ nhưng thích hợp nhất là 10 – 30‰ và dao động trong ngày không quá 5‰. Độ mặn cao sẽ làm hàm lượng khoáng vi lượng vô cơ (Ca, Na, Mg, Cl, K…) cao và hàm lượng DO thấp, tôm dễ bị cứng vỏ, cơ thể chuyển sang màu xanh đen, chậm lớn. Ngược lại, độ mặn thấp sẽ dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng vô cơ làm tôm mềm vỏ, có màu trắng.
Nhiệt độ
Do tôm là động vật biến nhiệt nên sự thay đổi nhiệt độ nước trong ao nuôi có ảnh hưởng đến hoạt động sống và phát triển của tôm. Nhiệt độ thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt nhất là 24 – 320C, nếu nhiệt độ cao hơn 330C hay thấp hơn 240C thì khả năng bắt mồi của tôm sẽ giảm 30 – 50%. Nhiệt độ tăng hay giảm đột ngột đều làm tôm bỏ ăn, dễ nhiễm bệnh và chậm lớn. Tốt nhất nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch không quá 30C. Chính vì vậy để ổn định nhiệt độ, mực nước trung bình trong ao nuôi nên dao động 1,2 – 1,5 m, ao cạn quá sẽ làm nước bị phân tầng và tôm bị sốc nhiệt. Nên thường xuyên bổ sung các loại men vi sinh nhằm cung cấp lượng vi sinh vật có lợi, hạn chế hoạt động của nhóm vi khuẩn kỵ khí làm cho đáy ao bị nóng.
pH
Độ pH thích hợp để tôm phát triển là 7,5 – 8,5 nhưng tối ưu là 7,8 – 8,2, dao động < 0,5/ngày. Nếu pH 4 – 7 hoặc 9 – 11 tôm sẽ chậm lớn, pH < 4 hoặc > 11 tôm sẽ chết. Trong ao nuôi tôm pH quá cao hay quá thấp đều ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến tôm nuôi, pH cao thì NH3 nhiều, H2S ít và ngược lại. Người nuôi nên đo độ pH mỗi ngày 2 lần vào 8 giờ sáng và 3 giờ chiều.
Muốn tăng pH: Thay nước mới có pH cao hơn; bón vôi, bón phân; gây màu nước: GreenWater 2 – 3 kg/1.000 m3.
Muốn giảm pH: Thay nước, giảm mật độ tảo; sử dụng CAP 2000: 2 – 3 lít/1.600 m3 nước.
Độ kiềm
Độ kiềm là tổng hàm lượng các chất khoáng Ca, Mg, K… ở dạng muối carbonate (CO32-) và bicarbonate (HCO3–), trong đó quan trọng nhất là hai muối CaCO3, MgCO3 buộc có trong nước ao hoặc trong thức ăn để làm cứng vỏ tôm trong quá trình lột xác và ổn định pH.
Độ kiềm thấp < 80 mg/l là do độ mặn nước ao thấp; đất bị phèn; mật độ tảo cao; ao nhiều ốc, hà. Khắc phục bằng cách sử dụng vôi Dolomite với liều lượng 10 – 30 kg/1.000 m3 liên tục mỗi đêm.
Độ kiềm cao > 150 mg/l là do dùng giếng ngầm để cung cấp nước thường xuyên cho ao nuôi. Làm cho tôm trở nên nhám, tôm khó lột xác. Khắc phục bằng cách hạn chế sử dụng giếng ngầm, thay nguồn nước có độ kiềm thấp hơn.
NH3
NH3 được sinh ra từ quá trình phân hủy các protein, xác bã động thực vật phù du, sản phẩm bài tiết của động vật hay từ phân bón hữu cơ, vô cơ. NH3 ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ sống, sinh trưởng đối với tôm; độ độc của N-NH3 sẽ tăng khi lượng DO thấp hoặc pH cao; nồng độ N-NH3 thích hợp cho tôm phát triển < 0,1 ppm.
Tác hại NH3 cao đối với tôm: Làm tôm giảm ăn; gia tăng tính mẫn cảm của động vật đối với những điều kiện không thuận lợi của môi trường; Ức chế sự sinh trưởng bình thường; giảm khả năng sinh sản, giảm khả năng chống bệnh; chậm lột xác; nếu tình trạng này kéo dài có thể tôm bị vàng mang đen mang.
Cách khắc phục: Kiểm soát chặt chẽ pH và nhiệt độ ao nuôi phải nằm trong khoảng bắt buộc; quản lý lượng thức ăn phù hợp tránh dư thừa thức ăn; dùng các sản phẩm vi sinh kết hợp với sục khí.
H2S
H2S rất độc đối với tôm, làm ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của tôm khiến tôm giảm ăn và chết. Trong ao nuôi tôm, nồng độ H2S gây độc cho tôm vào khoảng 0,01 – 0,05 ppm. Nồng độ H2S cho phép trong ao nuôi tôm là nhỏ hơn 0,003 ppm và độ độc của H2S tăng khi pH thấp. Độ độc của khí H2S đối với tôm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như pH và nhiệt độ của nước.
Nguyên nhân: H2S tích tụ dưới nền đáy thủy vực chủ yếu là do quá trình phân hủy các hợp chất hữu cơ chứa lưu huỳnh hay quá trình phản sulfate hóa với sự tham gia của các vi khuẩn yếm khí. Phát sinh khi trong ao có lượng chất thải nhiều và lượng oxygen trong nước không đầy đủ.
Cách khắc phục: Tăng cường sục khí và cung cấp ôxy cho đáy ao; bón vôi để giữ pH ổn định; thay nước.
Độ trong và màu nước
Độ trong của nước phản ánh mật độ tảo và lượng thức ăn tự nhiên có trong ao, tối ưu nhất từ 30 – 40 cm. Nếu độ trong: < 20 cm sẽ gây nguy hiểm cho tôm về đêm, 20 – 30 cm: tảo quá dày, 30 – 40 cm: tảo đẹp, màu nước ao lý tưởng, 40 – 60 cm: tảo phát triển kém; > 60 cm: nước quá trong, phát triển tảo đáy.
Cần phân biệt độ đục do tảo và do các vật chất lơ lửng khác. Trường hợp nước bị đục do các chất lơ lửng trong nước nhiều sẽ làm ánh sáng không khuyếch tán đều, tảo phát triển kém, dẫn đến các thông số trong ao biến động lớn giữa ngày và đêm, làm tôm bị sốc, dễ mẫn cảm với bệnh.
Kim loại nặng
Các kim loại nặng như: chì (Pb), thủy ngân (Hg), sắt (Fe), nhôm (Al)… nếu tồn tại trong ao sẽ làm tôm bị nhiễm độc và không phát triển được. Hàm lượng kim loại trong nước nuôi tôm tốt nhất là không có. Nếu hàm lượng kim loại nặng cao nên dùng EDTA với liều 0,5 – 1 kg/1.000 m3 nước. Đối với vùng đất bị nhiễm phèn thường có dư lượng Fe trong nước cao nếu trên 1ppm thì nên dùng vôi CaO với liều 200 – 400 kg/ha để hấp thu hết Fe trước khi thả tôm.
Các tin mới nhất
Các tin cũ cùng mục
- Xử lý ao trước vụ nuôi(18/08/2021)
- Quản lý tốt môi trường ao nuôi(18/08/2021)
- Nghiên cứu quy trình công nghệ nuôi thâm canh tôm chân trắng kiểm soát bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp ở quy mô trang trại(18/08/2021)
- Sử dụng hiệu quả vi khuẩn nitrat hóa trong ao tôm(18/08/2021)
- Biện pháp xử lý khi ao thiếu ôxy(18/08/2021)
- Thành phần dinh dưỡng chính trong thức ăn tôm(18/08/2021)
- Quản lý hệ vi khuẩn trong nuôi tôm(18/08/2021)
- Thả giống nuôi tôm nước lợ(18/08/2021)
Bình luận bài viết