Kỹ thuật sử dụng luân trùng, vi tảo trong nuôi tôm
Đánh giá bài viếtHiện có nhiều kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất thức ăn nhân tạo cho ấu trùng, nhưng những thức ăn tự nhiên như: Vi tảo, luân trùng, giáp xác râu ngành, artemia, trùn chỉ…. vẫn được xem là thức ăn vô cùng quan trọng và có tiềm năng rất lớn trong sản xuất giống. Trong đó, luân trùng, vi tảo là một trong những thức ăn quan trọng đảm bảo sự thành công trong quá trình sản xuất tôm giống.
Thức ăn cần thiết
Tất cả các loài động vật thủy sản trong giai đoạn đầu của quá trình ương nuôi (sau khi nở từ trứng ra) đều ăn chung một loại thức ăn đó là động thực vật phù du – những sinh vật nhỏ có giá trị dinh dưỡng cao, có kích cỡ phù hợp với cỡ miệng của ấu trùng tôm, cá. Đây là hiện tượng độc đáo và rất hấp dẫn về khía cạnh thức ăn. Ấu trùng tôm, cá sau khi hết noãn hoàn rất khó ăn thức ăn công nghiệp do cơ thể có những đặc điểm như: Kích thước nhỏ (miệng nhỏ), mỏng manh, các cơ quan chưa phát triển đầy đủ: mắt, cơ quan cảm ứng hoá học, hệ thống tiêu hoá (ống tiêu hoá ngắn, enzyme tiêu hoá chưa đầy đủ). Vì vậy chúng cần được cung cấp nguồn thức ăn dễ tiêu: Chứa phần lớn các amino acid tự do, oligopeptid, các enzyme tiêu hoá có khả năng tự phân huỷ các hạt thức ăn và cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phát triển mà trong đó thức ăn tự nhiên có thể đáp ứng được yêu cầu đó.
Vi tảo
Đến nay, có khoảng trên 40 loài tảo đã được phân lập, nuôi cấy và sử dụng làm thức ăn cho ấu trùng các loài thủy sản. Một số loại tảo chính như: Chlorella, Dunaliella, Spirulina, tảo khuê… Về phương thức sử dụng tảo, chúng thường được cho ăn trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua sinh vật trung gian khác, ở dạng tươi sống hay chế biến, thuần chủng hay hỗn hợp nhiều loài. Mặc dù người ta thường áp dụng phương pháp cho đối tượng nuôi thủy sản ăn chỉ một loài tảo nào đó, nhưng Liao (1983) cho rằng: không có loài tảo đơn độc nào lại tốt nhất về mọi phương diện cho việc nuôi và sử dụng chúng làm thức ăn cho ấu trùng tôm he. Tầm quan trọng của tảo chính là từ giá trị dinh dưỡng của chúng.
Luân trùng, vi tảo trong nuôi tôm nuôi tôm
Luân trùng
Cùng với các loài vi tảo đề cập ở trên, luân trùng cũng là thức ăn tươi sống rất quan trọng trong ương nuôi ấu trùng tôm, cá. Luân trùng, Brachionus plicatilis là thức ăn rất lý tưởng của ấu trùng do chúng có kích thước nhỏ, bơi chậm và sống lơ lửng trong nước, có thể nuôi chúng ở mật độ cao, cho năng suất nuôi cao và có thể được làm giàu với acid béo và chất kháng sinh…
Sử dụng luân trùng và vi tảo trong ương tôm biofloc
Trong các hệ thống nuôi tôm, cộng đồng vi khuẩn có vai trò quan trọng trong việc tái sử dụng các chất dinh dưỡng, làm giảm bớt những khu vực thiếu oxy nghiêm trọng trong ao cũng như giảm các chất dinh dưỡng có trong nước thải. Đồng thời vi khuẩn cũng cung cấp nguồn dưỡng chất bổ sung cho tôm nuôi trong các hệ thống thâm canh và bán thâm canh.
Việc sử dụng các sinh vật sống trôi nổi trong các hệ thống nuôi tôm thâm canh đã cho năng suất tôm cao hơn, bởi vì chúng cải thiện hàm lượng các acid amin thiết yếu và các acid béo nhóm HUFA (Acid béo đa nối đôi có từ 20 carbon trở lên – ND) trong mô của tôm.
Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Nông nghiệp Liên bang, Brazil nhằm đánh giá năng suất của tôm trong hệ thống biofloc có bổ sung vi tảo (Navicula sp.) và luân trùng (Brachionus plicatilis).
Tác động tích cực của việc bổ sung tảo và luân trùng lên các thông số năng suất của tôm cho thấy Navicula sp. và B. plicatilis được dùng như là nguồn thức ăn tự nhiên cho hậu ấu trùng của tôm thẻ chân trắng trong các hệ thống biofloc. Có lẽ là chúng cung cấp các dưỡng chất quan trọng như các acid amin thiết yếu và các acid béo nhóm HUFA cần thiết để tôm sống và phát triển.
Những kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng bổ sung vi tảo (Navicula sp.) và luân trùng (B. plicatilis) mỗi 5 ngày một lần đã cung cấp một nguồn thức ăn tự nhiên có ý nghĩa cho những giai đoạn đầu của hậu ấu trùng tôm thẻ chân trắng được ương trong các hệ thống biofloc.
Các tin mới nhất
Các tin cũ cùng mục
- Sử dụng diệp hạ châu trong nuôi tôm(18/08/2021)
- Những lưu ý khi nuôi tôm mùa mưa(18/08/2021)
- Sản phẩm thay thế kháng sinh trong nuôi tôm(18/08/2021)
- Nuôi tôm hiệu quả hơn với quy trình quản lý nước Mixotrophic(18/08/2021)
- Một số giải pháp kỹ thuật giảm thiểu rủi ro nuôi tôm QCCT kết hợp(18/08/2021)
- Quản lý ao nuôi tôm đất phèn(18/08/2021)
- Phương pháp rửa mặn trong canh tác lúa, tôm(18/08/2021)
- Quản lý tôm càng xanh giai đoạn mùa mưa(18/08/2021)
Bình luận bài viết