Sử dụng diệp hạ châu trong nuôi tôm
Đánh giá bài viếtTừ lâu người nuôi tôm đã biết đến việc sử dụng cây diệp hạ châu để phòng và trị một số bệnh trên tôm nuôi, mang lại hiệu quả cao.
Hoạt chất
Diệp hạ châu hay còn gọi là cây chó đẻ. Diệp hạ châu thuộc họ Thầu dầu, mọc hoang ở nơi đất ẩm có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ và được phân bố rãi rác khắp các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới khác. Ở Việt Nam, diệp hạ châu mọc rải rác khắp nơi, từ các tỉnh vùng đồng bằng, ven biển, các đảo lớn đến các tỉnh Trung du và miền núi, có độ cao dưới 800 m. Cây con mọc từ hạt thường xuất hiện vào khoảng cuối mùa xuân, sinh trưởng nhanh trong vòng 2 tháng cuối mùa hè, sau đó ra hoa và tàn lụi. Toàn bộ vòng đời của cây chỉ kéo dài 3 – 4 tháng. Diệp hạ châu có 3 loài cây gần giống nhau là diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus Schum.& Thonn), diệp hạ châu ngọt (Phyllanthus urinaria) và một loại diệp hạ châu nữa là Phyllanthus sp. Trong đó, diệp hạ châu đắng là loài có dược tính mạnh nhất và chứa nhiều hoạt chất quan trọng có ích trong việc điều trị bệnh cho người và cả động vật.
Theo các nghiên cứu, trong diệp hạ châu có chứa rất nhiều hợp chất có hoạt tính giúp kháng viêm, chống ung thư, bảo vệ gan… như: Flavonoids (isovitexin, phyllanthusiin, rutin, quercetin…). Các chất này đã được nghiên cứu là có phổ hoạt tính rất rộng và được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống. Hoạt tính chủ yếu của nó là chống ôxy hóa, ngoài ra flavonoids còn có khả năng kháng nấm, kháng viêm, khả năng ức chế enzyme; Các phức chất phennol có hoạt tính chống ôxy hóa mạnh nhất gồm phyllanthin, amariin, repandusinic acid và phyllanthin D; Các lignin liên quan đến hoạt tính kháng viêm như nirtetralin, phyltetralin, niranthin; các acid hữu cơ như ascorbic geraniinic, acid amariinic và các loại acid khác; Trong diệp hạ châu đắng cũng chứa sterol như amarosterol-A, amarosterol-B… hay các acid béo bay hơi (linalool, phyltol…).
Diệp hạ châu giúp phòng một số bệnh trên tôm
Ứng dụng trong phòng trị bệnh
Diệp hạ châu đắng đã được sử dụng hơn 2.000 năm nay trong phòng và trị bệnh cho con người. Theo y học cổ truyền, loài thuốc này vị đắng hơi ngọt, tính mát, quy kinh vào can, đởm nên có tác dụng kích thích tiêu hóa, tăng tiết mật. Công dụng chính là thanh can lương huyết (mát gan, mát máu), giải độc. Trong dân gian, diệp hạ châu đắng được sử dụng để điều trị viêm gan vàng da, rối loạn tiêu hóa. Những tác dụng này cũng đã được y học hiện đại công nhận và sử dụng. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng bảo vệ gan của chất chiết diệp hạ châu hoặc những hoạt chất từ diệp hạ châu. Chất đắng (phyllathin, hypophyllanthin, triacontanal) trong diệp hạ châu đắng có nhiều tác dụng chữa bệnh, đặc biệt là khả năng giải độc, khôi phục chức năng bình thường của gan. Năm 1995, các nhà khoa học Brazil cũng phát hiện tác dụng giảm đau mạnh và bền vững của loài cây này.
Diệp hạ châu đắng cũng đã được đưa vào nghiên cứu và sử dụng để điều trị bệnh cho chăn nuôi thú y trên thế giới và ở nước ta. Nghiên cứu của Sundaresan và cộng sự (2007) cho thấy bổ sung 0,1% chất chiết của diệp hạ châu vào thức ăn nhiễm aflatoxin B1 dùng cho gà thịt 1 – 28 ngày tuổi đã giúp đảo ngược các tác động bất lợi của aflatoxin lên các chỉ số sản xuất ở gà và giữ ở mức có thể kiểm soát được. Tại nước ta, Nguyễn Hiếu Phương và cộng sự (2012) đã công bố các thử nghiệm sử dụng dung dịch chiết diệp hạ châu (10 g/kg thức ăn) so với chất giải độc thương mại (1 g/kg thức ăn) để giảm ảnh hưởng của fumonisin ở mức thấp hoặc mức cao (3.980 mcg/kg) trong thức ăn heo công nghiệp. Chất chiết diệp hạ châu giảm tác dụng làm dày thành phế quản ở heo bởi fumonisin. Sự thoái hóa mỡ và hoại tử gan ở lô bổ sung diệp hạ châu thấp hơn lô đối chứng…
Trong nuôi tôm, ngoài thực tế đã có một số hộ nuôi cũng đã sử dụng cây diệp hạ minh châu đun nước cô đặc để trộn vào thức ăn cho tôm ăn phòng bệnh và tăng cường sức đề kháng. Xuất phát từ những tác dụng của diệp hạ châu đối với bệnh gan, các nhà nghiên cứu đã tiến hành các thử nghiệm sử dụng chiết xuất từ diệp hạ châu để phòng bệnh cho tôm nuôi. Theo Lý Thị Thanh Loan và cộng sự, năm 2010, sử dụng chiết xuất từ cây diệp hạ châu với lượng 100 mg/kg trọng lượng tôm chống lại virus đốm trắng, sau thí nghiệm tôm sống sót với tỷ lệ lên tới 96,67%. Cũng theo Lý Thị Thanh Loan (2011), diệp hạ châu có khả năng ức chế tác nhân gây bệnh đục thân trên tôm càng xanh là MrNV (Macrobrachium rosenbergii nodavirus) và XSV (Extra small virus). Diệp hạ châu có khả năng ức chế MrNV và XSV thông qua tác dụng phá vỡ vỏ protein bên ngoài của MrNV và XSV, gây ly giải vật liệu di truyền là RNA, vì thế virus không còn cấu trúc nguyên vẹn đề xâm nhập vào cơ thể tôm, do đó giảm khả năng gây bệnh đục thân trên ấu trùng tôm càng xanh.
Vào năm 2012, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã tiến hành sản xuất thử nghiệm và đưa sản phẩm vào ứng dụng trong nuôi tôm sú là sản phẩm chiết xuất từ cây diệp hạ châu, góp phần giảm thiểu bệnh do virus đốm trắng gây ra. Bước đầu cho phép ghi nhận sản phẩm diệp hạ châu với liều lượng 8 g/kg thức ăn/ngày trong điều kiện thí nghiệm cho tỷ lệ sống (Relative percent survival – RPS) là 73,33% sau cảm nhiễm và ngoài ao nuôi có tác dụng phòng bệnh do virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV) gây ra trên tôm sú trong chu kỳ nuôi 4 tháng. So sánh hiệu quả kinh tế của các ao sử dụng và không sử dụng sản phẩm diệp hạ châu cho thấy giá thành tôm sú tăng không đáng kể (trung bình 500 – 1.000 đồng/kg tôm trong 3 tháng sử dụng sản phẩm này). Từ năm 2012 – 2013, Trung tâm Giống Thủy sản An Giang cũng đã thực hiện dự án “Tập huấn và thử nghiệm quy trình sản xuất giống tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) tại An Giang ứng dụng quy trình nước trong hở kết hợp Ozone và thảo dược diệp hạ châu”. Trong đó, diệp hạ châu đã được ứng dụng vào quy trình ở một số phương pháp sau:
– Đưa diệp hạ châu vào thức ăn là Artemia trong khi ấp nở và thu Artemia: Thức ăn Artemia được dùng cho ấu trùng tôm ăn từ khi nở đến khi kết thúc quy trình ương. Quy trình phòng bệnh với diệp hạ châu đưa vào ấp nở Artemia để có thể đưa thuốc vào cho ấu trùng tôm sớm nhất và đủ liều nhất.
– Đưa diệp hạ châu vào thức ăn chế biến: Cách tốt nhất là bổ sung vào thức ăn chế biến cho ấu trùng trước khi hấp chính, cách này vừa đưa được nhiều thảo dược vào cơ thể tôm vừa tiết kiệm nhất trong quá trình sử dụng thảo dược.
– Chu kỳ sử dụng thảo dược diệp hạ châu vào ấp nở Artemia và thức ăn chế biến để phòng bệnh đục cơ là 7 ngày dùng và 7 ngày ngưng trong suốt chu kỳ ương.
Hiện nay, các công trình về diệp hạ châu và chiết xuất của nó vẫn được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.
>> Các nhà khoa học cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu, người ta chưa phát hiện tác dụng phụ hay độc tính của diệp hạ châu. Có thể nói, diệp hạ châu là một thảo dược an toàn, dễ kiếm tại nước ta. |
Các tin mới nhất
Các tin cũ cùng mục
- Những lưu ý khi nuôi tôm mùa mưa(18/08/2021)
- Sản phẩm thay thế kháng sinh trong nuôi tôm(18/08/2021)
- Nuôi tôm hiệu quả hơn với quy trình quản lý nước Mixotrophic(18/08/2021)
- Một số giải pháp kỹ thuật giảm thiểu rủi ro nuôi tôm QCCT kết hợp(18/08/2021)
- Quản lý ao nuôi tôm đất phèn(18/08/2021)
- Phương pháp rửa mặn trong canh tác lúa, tôm(18/08/2021)
- Quản lý tôm càng xanh giai đoạn mùa mưa(18/08/2021)
- Quản lý thức ăn trong nuôi tôm sú thâm canh(18/08/2021)
Bình luận bài viết