Thứ 4, 18/08/2021 16:21:00 GMT+7

Lưu ý khi nuôi tôm vụ đông

Đánh giá bài viết

Nuôi tôm thẻ tôm chân trắng vụ đông rất khó, tuy nhiên nếu lựa chọn thời điểm hợp lý trong điều kiện hệ thống nuôi khác nhau, lợi nhuận mang lại khá cao.

Cải tạo ao, chuẩn bị ao

Đối với ao đất: Sau khi kết thúc vụ nuôi thứ nhất, phơi khô đáy 2 – 3 tuần (tùy vào điều kiện thời tiết ) vệ sinh nạo vét lớp bùn đáy, đánh vôi diệt khuẩn, diệt tạp. Nếu ao nuôi vụ đầu bị nhiễm bệnh cần xử lý cẩn thận hơn bằng chlorine.

Đối với ao bạt: Vệ sinh sạch sẽ, xử lý diệt khuẩn xung quanh thành bạt và đáy bạt bằng chlorine.

Trong nuôi tôm vụ đông, để giúp ổn định các yếu tố môi trường, đặc biệt là nhiệt độ, vì vậy khuyến khích người nuôi nên xây dựng nhà bạt, nhiệt độ trong nhà thường cao hơn bên ngoài khoảng 5 – 150C.

Cấp nước và xử lý nước

Tương tự như quy trình nuôi tôm chính vụ, tuy nhiên, độ sâu mực nước phải đảm bảo 1,5 – 1,8 m.


Những lưu ý khi nuôi tôm thẻ chân trắng vào vụ đông


Chọn giống và thả giống

Chọn giống

Chọn tôm giống cỡ post 12 – 15 khỏe mạnh, xuất xứ rõ ràng và đạt chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Người nuôi nên lưu ý, vào vụ đông, có rất nhiều cơ sơ sản xuất vận chuyển tôm giống cỡ bé, có khi chỉ post 5 – 6, nếu nuôi sẽ làm kéo dài thời gian hơn. Vì vậy, không chọn tôm post 5 – 10.

Mật độ nuôi không vượt quá 80 – 120 con/m2.

Có thể ương trước trong bể ương trong nhà để rút ngắn thời gian nuôi bên ngoài. Mật độ ương: 2.000 – 2.500 con/m2 sau thời gian ương 25 – 30 ngày khi tôm đạt cỡ 1 g/con thì tiến hành chuyển tôm sang ao nuôi thương phẩm.

Chuẩn bị ao nuôi thương phẩm để kịp thời gian ương.

Thả giống

Theo dõi diễn biến thời tiết để lựa chọn thời điểm thả phù hợp. Nên thả giống trước khi có không khí lạnh khoảng 4 – 6 tuần (lúc này thời tiết nắng ấm, tôm phát triển nhanh). Thả giống tránh vào thời điểm gió mùa, mưa kéo dài, cần cân bằng nhiệt độ nước trong túi chứa giống và môi trường nuôi trước khi thả.


Chăm sóc và quản lý

Chăm sóc

Thời điểm thả giống đến khi thời tiết có biến động, thực hiện cho ăn bình thường theo quy trình, khoảng  4 – 5 lần/ngày. Khi nhiệt độ xuống thấp, cần giảm thức ăn cả về số lượng lẫn số lần cho ăn; mỗi ngày cho ăn 2 – 3 lần. Kiểm tra mức độ lột xác của tôm trong ao để điều chỉnh lượng thức ăn. Kiểm tra sàng để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp với sự thay đổi của nhiệt độ và thời tiết cũng như tình trạng sức khỏe tôm. Kiểm tra hạn sử dụng của bao bì trước khi sử dụng. Định kỳ 7 – 10 ngày bón Dolomite với liều lượng 100 – 150 kg/1.000 m3 nhằm ổn định pH, độ kiềm trong ao nuôi (đối với ao đất). Định kỳ 3 – 5 ngày ổn định độ kiềm trong ao nuôi bằng Sodium bicarbonate (NaHCO3). Bổ sung Vitamin C, các khoáng chất cần thiết… vào thức ăn hàng ngày giúp tăng cường sức đề kháng, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Quản lý

Trong thời gian đầu tôm nhỏ (1 – 3 tuần) sử dụng chủ yếu sục khí. Sử dụng quạt nước từ tuần thứ 4 trở đi.

Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường hàng ngày vào lúc 6 giờ sáng và 13 giờ. Nếu chỉ số các yếu tố môi trường nằm ngoài ngưỡng thích hợp phải có biện pháp xử lý ngay.


Phòng trị bệnh

Chế độ thay nước định kỳ, nước trước khi cấp vào ao nuôi phải được xử lý diệt khuẩn và các yếu tố môi trường trong ngưỡng thích hợp.

Lưu ý, trong nuôi tôm vụ đông, hàng ngày cần bổ sung thuốc bổ, Vitamin C, khoáng chất vào thức ăn cho tôm. Bổ sung khoáng vào môi trường ao nuôi. Định kỳ xử dụng chế phẩm sinh học ổn định môi trường nuôi. Vào vụ đông nhiệt độ giảm nên cho vi sinh xuống ao vào trưa nắng khi nhiệt độ lên cao (10 – 11 giờ trưa).

Định kỳ diệt khuẩn nước ao nuôi bằng Iodine, BKC, Nano Bạc… (Chú ý: Nếu sử dụng chế phẩn sinh học thì không sử dụng chất diệt khuẩn và ngược lại, sử dụng sau 48 tiếng).

Email
Họ tên
Nội dung

Top