Tăng khả năng đề kháng cho tôm
Đánh giá bài viếtTôm là loài động vật không có hệ miễn dịch đặc hiệu, khả năng đề kháng của tôm phụ thuộc chủ yếu vào cơ chế bảo vệ bẩm sinh (miễn dịch không đặc hiệu). Sử dụng chất kích thích miễn dịch là biện pháp hiệu quả giúp tăng cường đề kháng cho tôm, công cụ quan trọng trong quá trình kiểm soát bệnh tôm nuôi.
Hệ miễn dịch
Cơ chế bảo vệ bẩm sinh hay còn gọi là tự nhiên hoặc cơ chế bảo vệ không đặc hiệu bao gồm tế bào và thể dịch, cả hai hoạt động cùng với nhau giúp cho sự đào thải hay loại bỏ các sinh vật ngoại lai gây nguy hại đến vật chủ (Jiravanichpaisal et al., 2006). Cơ chế miễn dịch tế bào bao gồm tất cả các hoạt động được thực hiện bởi tế bào máu (thực bào, bao bọc mầm bệnh, hình thành các khối u). Tế bào máu được phân loại dựa vào sự hiện diện và kích thước của 3 loại tế bào dạng hạt bên trong tế bào chất: không hạt (hyaline), bán hạt (semi-granular), và có hạt (granular). Mặt khác, miễn dịch thể dịch bao gồm sự hoạt hóa và sản sinh các phân tử dự trữ trong tế bào máu như là các protein chống đông máu, các chất kháng thể, men phenoloxidase, các peptide kháng khuẩn, và các chất ức chế men protease (Jiravanichpaisal et al., 2006; Holmblad and Sõderhãll, 1999).
Lớp vỏ kitin có chứa các chất kháng khuẩn bề mặt, hoạt động của nó được xem là hàng rào vật lý đầu tiên. Khi tác nhân gây bệnh tấn công vào trong, để ức chế khả năng hoạt động chúng, tế bào máu tham gia vào các quá trình sinh lý khác như là làm xơ cứng lớp vỏ bên ngoài, làm lành sự hủy hoại lớp kitin, vón cục, quá trình trao đổi carbohydrate, sự vận chuyển và dự trữ các acid amin/protein (Jiravanichpaisal et al., 2006).
Các hợp chất kích thích miễn dịch
Chất kích thích miễn dịch là các hợp chất hóa học được bổ sung làm tăng sức đề kháng của tôm, chống lại các bệnh do virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Trong công tác phòng bệnh, chất kích thích miễn dịch tạo ra một hàng rào bảo vệ cho vật nuôi chống lại các tác nhân gây bệnh. Nucleotide và Beta-Glucan là những chất được xem là có trển vọng nhất trong việc làm cho hệ miễn dịch của tôm trở nên mạnh mẽ.
Beta-Glucan là hợp chất đường liên phân tử được tạo nên từ các đơn phân tử D-glucose gắn với nhau qua liên kết Beta-glycoside. Hiện nay, các hợp chất Beta-Glucan được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản như là một chất kích thích miễn dịch (immunostimulant) đối với tôm nuôi. Beta-Glucan có tác dụng tăng cường sức đề kháng, chống lại dịch bệnh gây ra bởi các nhóm vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt có thể ngăn chặn tác động của virus đốm trắng (WSSV) trên tôm. Beta-Glucan có nguồn gốc từ các thành tế bào nấm men, chúng tác động lên hệ miễn dịch của tôm theo cơ chế như sau:
Đối với miễn dịch dịch thể: Beta-Glucan kích thích quá trình sản sinh các peptid kháng khuẩn AMPs (antimicrobial peptides) như là crustin, lectin, lysozyme… từ đó làm tăng khả năng kháng khuẩn.
Đối với miễn dịch tế bào: Beta-Glucan kích thích quá trình melanin hóa (melamization) và gia tăng quá trình thực bào (phagocytosis). Các bạch cầu có hạt (granular leucocyte) sản xuất ra melanin sẽ bao phủ và tiêu diệt tế bào vi khuẩn, sau đó phóng thích ra ngoài lớp vỏ kitin. Trong quá trình thực bào, các gốc ôxy nguyên tử, gốc hydroxyl và hydrogen peroxide cũng được sinh ra, đây là những chất ôxy hóa mạnh có vai trò tiêu diệt vi khuẩn.
Tùy vào mục đích có thể sử dụng Beta-Glucan bằng nhiều cách khác nhau như ngâm tôm trong môi trường có liều lượng Beta-Glucan 300 – 500 mg/L có tác dụng tăng cường sức đề kháng sau 2 – 5 giờ ngâm hoặc tiêm với liều 10 – 20 g/g tôm có tác dụng kích thích hệ miễn dịch sau 48 giờ. Người nuôi cũng có thể bổ sung khi cho ăn, liều lượng 0,5 – 2,0 µg/kg thức ăn có tác dụng làm tăng sức đề kháng sau 7 ngày cho ăn.
Nucleotide được chiết xuất chủ yếu từ bên trong tế bào nấm men. Nucleotide là đơn vị cơ bản góp phần xây dựng nên chuỗi acid nucleic DNA và RNA. Những thử nghiệm gần đây cho thấy, khẩu phần ăn có bổ sung nucleotide sẽ hỗ trợ tăng trưởng tối ưu và tăng cường chức năng của các tế bào chuyển hóa như lymphocyte (tế bào bạch huyết, lympho bào), macrophages (các đại thực bào) và tế bào ruột. Tuy nhiên, hiện sản phẩm này vẫn chưa được nghiên cứu kỹ về cách thức hoạt động và hiệu quả.
Hiện nay, thảo dược cũng được xem là một trong những chất kích thích miễn dịch vừa tiết kiệm lại có hiệu quả cao. Nhiều hợp chất có nguồn gốc thực vật được tìm thấy có tác dụng kích thích miễn dịch rõ nét trên tôm nuôi. Trong đó, cây Picrorrhiza (thuộc họ Hoa mõm sói) là loại thảo mộc điển hình trong việc chống stress, kích thích miễn dịch cho tôm (Citarasu và cộng sự, 2006); Cây me rừng cũng có hoạt tính chống ôxy hóa, kháng khuẩn, kháng nấm và kháng viêm; chất amla trong quả me chứa lượng lớn Vitamin C cũng được xem là một chất kích thích miễn dịch; Chiết xuất từ cây cỏ gà có tác dụng chống lại virus đốm trắng ở tôm sú; giúp tôm sú giảm tới 40% tỷ lệ chết do virus đốm trắng gây ra (Balasubramanian và cộng sự, 2008); Tỏi, trà xanh, gừng hay cỏ mực, sầu đâu, dạ hoa… cũng đã được chứng minh là những chất kích thích miễn dịch hữu hiệu cho tôm ở các nước châu Á.
Thời điểm sử dụng
Trong nuôi tôm, nếu sử dụng chất kích thích miễn dịch thì nên dùng trước khi:
Tiến hành các hoạt động có thể gây stress hoặc có tác động xấu tới sức khỏe của tôm như: kéo lưới đánh bắt tôm trước khi thu hoạch, khi thay đổi nhiệt độ môi trường, tập cho ấu trùng tôm ăn thức ăn nhân tạo.
Mức độ phơi nhiễm bệnh gia tăng đã biết trước (chuyển từ mùa nóng sang mùa lạnh)
Các giai đoạn phát triển được xem là nhạy cảm với tác nhân gây bệnh như hậu ấu trùng và lột xác của tôm, giai đoạn thành thục sinh dục.
Khi kết hợp với kháng sinh, chất kích thích miễn dịch sẽ làm tăng khả năng trị bệnh thành công. Tuy nhiên, chất kích thích miễn dịch có đặc tính là phòng bệnh, được sử dụng như một tác nhân để tạo ra một hàng rào phòng vệ nên hạn chế khả năng bị nhiễm bệnh. Nếu sử dụng ở giai đoạn bệnh đang trầm trọng, chất kích thích miễn dịch có thể trở thành một tác nhân gây nhiễm bệnh trên tôm, làm cho bệnh trở nên trầm trọng thêm.
Các tin mới nhất
Các tin cũ cùng mục
- Xử lý nước thải nuôi tôm(18/08/2021)
- Nuôi tảo đơn bào không khó(18/08/2021)
- Miễn dịch cho tôm bằng lòng đỏ trứng gà(18/08/2021)
- Vai trò của ao lắng trong nuôi tôm(18/08/2021)
- Bổ sung Vitamin C trong ương ấu trùng tôm càng xanh(18/08/2021)
- Phương pháp cắt mắt tôm trong sản xuất giống(18/08/2021)
- Quản lý chất lượng nước trong ao nuôi TTCT(18/08/2021)
- Phòng ngừa và xử lý H2S(18/08/2021)
Bình luận bài viết