Thứ 4, 18/08/2021 15:39:01 GMT+7

Quản lý chất lượng nước trong ao nuôi TTCT

Đánh giá bài viết

Chạy quạt thường xuyên để duy trì hàm lượng ôxy hòa tan cao trong ao nuôi. Ngay từ khi cải tạo ao, luôn luôn có ít nhất một giàn quạt vận hành tại bất cứ thời điểm nào.

Ví dụ: Với một ao nuôi chuẩn (3.000 – 3.500 m2) có 4 giàn quạt thì luân phiên vận hành liên tục 1 giàn quạt trong tháng nuôi thứ nhất, 2 giàn trong tháng nuôi thứ 2 và cả 4 giàn từ tháng nuôi thứ 3 trở đi. Các thời điểm cần vận hành 100% công suất của hệ thống quạt nước là từ 14 – 16h chiều và từ 21h đêm đến 4h sáng hôm sau.


Ảnh: Trần Đại Quang, Skretting Vietnam

Sử dụng chế phẩm vi sinh nuôi tăng sinh tại trại liên tục trong thời gian nuôi để giữ cho chất lượng nước được tốt (NH3 và NO2 thấp, pH ổn định). Biện pháp kỹ thuật này giúp giảm chi phí sử dụng vi sinh và đã đem lại hiệu quả tốt cho nhiều cơ sở nuôi tôm. Thành phần vi sinh sử dụng có thể tùy theo mục đích và tình hình cụ thể của ao nuôi. Nên tìm hiểu chức năng, công dụng của từng loại để ứng dụng hợp lý. Để ổn định pH và chất lượng nước có thể tham khảo cách làm dưới đây:

Phương pháp đơn giản nuôi cấy tăng sinh khối lợi khuẩn để sử dụng hàng ngày, ổn định pH và điều kiện môi trường ao nuôi tôm

• Cho vào thùng phuy nhựa 200 lít: 100 g thức ăn nuôi tôm, 4 lít mật rỉ đường, 2 kg chế phẩm vi sinh dạng bột hoặc lỏng, 500 g men bánh mì tươi, 2 kg cám gạo hoặc bột ngô và một trái thơm bằm nát.

• Bơm 150 lít nước ao vào thùng, đậy nắp, sục khí mạnh liên tục trong 48h. Nếu thấy bọt sủi lên nhiều, mùi mật đường không còn nồng là đạt. Liều sử dụng là 4 – 8 lít/1.000 m2, gia giảm tùy theo chất lượng nước.

• Tạt đều xuống ao dịch nuôi cấy tăng sinh này vào khoảng 9 – 10h sáng mỗi ngày. Lưu ý: Hiệu quả sử dụng chỉ có nếu ao được trang bị hệ thống quạt nước đủ mạnh và phải chạy quạt tối thiểu 1 tiếng trước khi tạt vi sinh và 3 tiếng sau khi tạt.

• Từ tháng nuôi thứ 2 trở đi, định kỳ sử dụng vi sinh xử lý đáy do lượng chất thải tích lũy trong ao tôm bắt đầu nhiều lên, có thể sản sinh khí độc H2S. Cần chú ý sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cán bộ kỹ thuật để đạt được hiệu quả tốt nhất.

• Sử dụng vôi, khoáng hiệu quả để ổn định pH và độ kiềm của nước ao

– Trong tháng nuôi đầu tiên 2 ngày/lần tạt dolomite với liều 15 – 20 kg/1.000 m3 và canxi với liều 5 – 10 kg/1.000 m3 xuống ao vào khoảng 9 – 10h sáng.

– Từ tháng thứ 2 trở đi, định kỳ 3 – 5 ngày, tạt dolomite và supper canxi sau 20h tối với liều gấp đôi so với tháng nuôi đầu tiên.

– Hàng ngày kiểm tra độ pH và độ kiềm của ao nuôi vào lúc 10h sáng. Nếu pH nằm trong khoảng 7,4 – 8,2 thì không cần xử lý gì. Trong trường hợp pH cao hơn 8,2 thì bón thêm mật đường 2 – 4 kg/1.000 m3 và chạy quạt. Nếu pH thấp thì bón thêm vôi nóng (CaO) để nâng pH lên nhanh.

– Khi cần nâng độ kiềm, có thể dùng supper canxi vào buổi tối với liều 25 – 40 kg/1.000 m3 liên tục trong 3 ngày. Nếu cần nâng độ kiềm ngay trong ngày thì dùng bicacbonat với liều lượng 8 – 10 kg/1.000 m3.

• Kiểm soát chất thải và xử lý NH3: Sử dụng Yucca 20 – 25 ngày/lần từ lúc thả đến tôm được 45 – 50 ngày tuổi; và 7 – 15 ngày/lần đối với tôm nuôi lớn hơn 50 ngày tuổi. Mức độ sử dụng Yucca tùy thuộc vào chất lượng nước trong ao, nếu chất lượng nước ao kém thì nên sử dụng Yucca với lượng 1 lần/tuần với tôm nuôi lớn hơn 45 ngày tuổi.

• Diệt khuẩn khi cần thiết: Nếu ao nuôi có dấu hiệu bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh hoặc được cán bộ kỹ thuật xác nhận là bị nhiễm khuẩn thì có thể sử dụng BKC liều 0,3 ppm hoặc iodine liều 1,5 – 2,5 lần so với hướng dẫn trên bao bì của sản phẩm. Lưu ý, sử dụng iodine vào buổi tối và chỉ tạt vi sinh 2 ngày sau khi diệt khuẩn

• Xử lý kỹ nguồn nước cấp nếu cần thay hoặc cấp bù. Khi cần gấp, có thể dùng BKC80 liều 0,5 ppm.

Skretting Vietnam
Email
Họ tên
Nội dung

Top