Thứ 4, 18/08/2021 15:37:06 GMT+7

Phòng ngừa và xử lý H2S

Đánh giá bài viết

Người nuôi tôm cho rằng H2S chỉ sinh ra rau 45 ngày nuôi, khi lượng chất thải nhiều, môi trường nước ao ô nhiễm, lượng tảo trong ao phát triển dày quá mức.

Thế nhưng trên thực tế, lượng chất thải khu vực giữa ao sau 20 ngày thả giống đã có khả năng sinh ra H2S gây hại tôm, bởi giai đoạn đầu vụ, người nuôi đã không kiểm soát được lượng thức ăn do tôm chưa quen ăn trong vó (nhá) và quan niệm cho ăn dư để góp phần gây màu nước đã làm cho lượng chất thải xuất hiện ngày càng nhiều.

H2S là khí cực độc có mùi đặc trưng (mùi trứng thối). Nó được sinh ra do vi khuẩn tiêu thụ muối Sulphate phân hủy các chất hữu cơ trong điều kiện yếm khí dưới nước hoặc trong điều kiện ẩm ướt. Trong ao nuôi tôm, bùn và chất thải tích tụ đáy ao là nơi sinh ra H2S, loại khí này khi đã hiện diện trong ao có thể gây chết tôm thầm lặng hàng đêm. Theo khảo sát, người nuôi tôm sau mỗi vụ có thể mất khoảng 10% sản lượng tôm bị chết do khí độc H2S.


Phát hiện khí H2S là khá phức tạp và khó khăn, vì các dụng cụ kiểm tra nhanh tại ao chỉ dành cho khí Amonia (NH3) và khí Nitrite (NO2).

H2S cản trở quá trình vận chuyển ôxy trong cơ thể tôm, gây stress và giảm sức đề kháng. Nếu môi trường ao nuôi đồng thời tồn tại điều kiện pH, ôxy hòa tan và nhiệt độ thấp sẽ khiến cho H2S càng tăng tính độc (Boyd, 1990) khi pH ở ngưỡng 5,0 – 5,5, nhiệt độ 18 – 200C độc tính của H2S 87,7 – 89,3, trong khi ngưỡng an toàn của cho tôm sú là 0,0330, tôm thẻ chân trắng 0,0087. H2S cũng có thể gây phá hủy mô, tổn thương các cơ quan mềm như mang, ruột, thành dạ dày và gan tụy, nếu tôm tiếp xúc với H2S trong thời gian ngắn tôm sẽ yếu dần, bơi chậm chạp, dễ tổn thương và nhiễm bệnh. Trường hợp trong ao có hàm lượng lớn, tôm tiếp xúc trong thời gian dài sẽ chết nhanh hàng loạt. Hiện tượng tôm chết là khi môi trường ao nuôi biến động bất thường như: sau trận mưa lớn, khi tảo trong ao tàn (sập tảo); khi thu tỉa; hút bùn (xi phông đáy) đã làm khuyếch tán H2S.

Vì vậy, người nuôi tôm cần kiểm soát cả 3 yếu tố này để làm giảm độc tính của H2S, nhất là những ao nuôi tôm ở vùng có phèn cao. Để kịp thời phát hiện trong ao có H2S, người nuôi tôm cần theo dõi sát màu nước, quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường trong ao và quan sát các triệu chứng của tôm. Nếu tôm có các biểu hiện sau đây chứng tỏ trong ao hàm lượng đã vượt ngưỡng cho phép và cần được xử lý ngay: hội chứng mềm vỏ, màu sắc bất thường ở mang và thân tôm, đen miệng, đen mang, chết sau khi lột vỏ, tôm giảm ăn vào cữ sáng, hội chứng phân trắng, sập tảo đột ngột NH3 và NO2 cao, tôm nhảy dựng trong ao…

Các giải pháp ngăn ngừa H2S

Duy trì ôxy hòa tan ở đáy ao cao hơn 3 ppm có thể giúp ngăn cản việc sinh ra H2S.

Kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn.

Không nên nuôi ở vùng đất xốp, đáy cát và khu vực xì phèn nặng.

Khu vực miền Tây cần lưu ý đáy ao phần lớn nằm trong vùng xì phèn, người nuôi cần xử lý đáy bằng vi sinh định kỳ để kìm hãm sự phát triển của H2S.

Giữ pH trong khoảng 7,8 – 8,3 trong suốt vụ nuôi. Khoảng dao động pH trong ngày phải nhỏ hơn 0,4.

Người nuôi nên cẩn thận và phải có hành động kịp thời khi mưa lớn, tảo tàn và lột xác.

Xử lý ao có khí độc H2S

Ngay lập tức cắt giảm 30 – 40% thức ăn, ít nhất trong 3 ngày cho đến khi điều kiện chung trở lại bình thường.

Tăng cường ôxy hòa tan bằng cách tăng quạt nước, tuy nhiên phải chú ý tránh sục bùn đáy ao lên khi lắp thêm quạt mới.

Thay nước, bổ sung vi sinh xử lý các chất hữu cơ.

Tạt vôi và tạt khoáng để nâng kiềm (> 100) và pH (7,8 – 8,3).

Sử dụng vi sinh có chứa dòng vi khuẩn Paracoccus pantotrophus tiêu thụ H2S để kiểm soát H2S.

Nguyễn Văn Hưng (Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu)
Email
Họ tên
Nội dung

Top